Các cơ quan có thẩm quyền của Ấn Độ trong điều tra và áp dụng biện pháp phòng vệ

21/12/2022 08:25 - 18 lượt xem

Theo pháp luật Ấn Độ, có 03 cơ quan có thẩm quyền chính trong quá trình điều tra và áp dụng biện pháp PVTM. Ở mỗi giai đoạn của vụ việc PVTM chỉ có 01 cơ quan có thẩm quyền thực hiện. Cụ thể:

 

1. Tổng vụ Phòng vệ thương mại (Directorate General of Trade Remedies - DGTR)

 

DGTR là đơn vị thuộc Cục Thương mại, Bộ Công Thương Ấn Độ, trước đó là Tổng cục Chống bán phá giá (DGAD). Năm 2018 Ấn Độ quyết định hợp nhất DGAD và Tổng cục Tự vệ (DGS và QR) thuộc Cục Ngoại Thương, thành lập cơ quan có thẩm quyền chuyên biệt về tất cả các biện pháp PVTM (gồm chống bán phá giá, chống trợ cấp, biện pháp tự vệ và biện pháp hạn chế định lượng.

 

DGTR có các thẩm quyền sau đây:

 

(i) Ra các quyết định sau đây trong quy trình điều tra PVTM:

 

- Khởi xướng điều tra

 

- Khuyến nghị biện pháp PVTM tạm thời

 

- Khuyến nghị biện pháp PVTM chính thức

 

- Chấm dứt điều tra

 

(ii) Tổ chức điều tra PVTM

 

(iii) Rà soát các biện pháp PVTM

 

2. Cục Thuế (Department of Revenue)

 

Cục Thuế là đơn vị thuộc Bộ Tài chính Ấn Độ. Liên quan tới các vụ việc PVTM, Cục Thuế có thẩm quyền:

 

- Ra các Quyết định về việc áp dụng biện pháp PVTM tạm thời/chính thức:

 

Trên cơ sở Khuyến nghị của DGTR, Cục Thuế sẽ ra quyết định về việc áp dụng biện pháp PVTM. Cục Thuế có thể chấp nhận, cũng có thể từ chối không áp dụng biện pháp PVTM mà DGTR khuyến nghị;

 

- Thực hiện việc thu thuế PVTM (nếu Quyết định áp dụng biện pháp PVTM tạm thời/chính thức)

 

3. Tòa Phúc thẩm về Thuế quan, Thuế tiêu thụ đặc biệt và Thuế dịch vụ (the Customs, Excise and Service Tax Appellate Tribunal – CESTAT)

 

CESTAT là Tòa án chuyên trách về các tranh chấp liên quan tới các loại thuế quan, thuế tiêu thụ đặc biệt và thuế dịch vụ.

 

Liên quan tới các vụ việc PVTM, CESTAT có thẩm quyền giải quyết các khiếu kiện đối với các quyết định của Cơ quan có thẩm quyền ban hành trong quá trình điều tra, áp dụng biện pháp PVTM.

 

Trường hợp không đồng ý với phán quyết của Tòa án phúc thẩm, các bên liên quan có thể kháng kiện lên Tòa án Tối cao của Ấn Độ (High Courts and Supreme Court of India).

 

Nguồn: Trung tâm WTO và Hội nhập - VCCI

Quảng cáo sản phẩm