Đánh giá tác động dự kiến của quy định phòng vệ thương mại mới của Hoa Kỳ (có hiệu lực 24/4/2024) đối với Việt Nam
19/08/2024 09:43
Trên cơ sở nghiên cứu quy định mới của Hoa Kỳ về điều tra CBPG/CTC và chống lẩn tránh (có hiệu lực 24/4/2024), Bộ Công Thương đánh giá những tác động dự kiến đối với Việt Nam như sau:
1. Khác với lần sửa đổi năm 2021 chủ yếu tập trung vào vấn đề quy trình thủ tục, Bộ Công Thương đánh giá các sửa đổi trong Quy định của Hoa Kỳ về điều tra CBPG/CTC và chống lẩn tránh (có hiệu lực 24/4/2024) sẽ có tác động mang tính hệ thống, lâu dài và sâu rộng đến các vụ việc điều tra PVTM của Hoa Kỳ với tất cả các nước, đặc biệt là Việt Nam trong tương lai.
2. Việc sửa đổi quy định này có thể nhằm đón đầu cho việc gia tăng các vụ việc điều tra PVTM mới hoặc các vụ việc rà soát của Hoa Kỳ trong thời gian tới, đặc biệt là các vụ việc trợ cấp. Nếu như trước khi công bố dự thảo quy định mới, USDOC mới chỉ tiến hành điều tra 8 vụ việc trợ cấp với Việt Nam (vụ cuối cùng khởi xướng năm 2020) thì kể từ khi công bố dự thảo mới (tháng 5/2023) đến nay, USDOC đã khởi xướng 03 vụ việc trợ cấp với tôm nước ấm đông lạnh, đĩa giấy và pin năng lượng mặt trời nhập khẩu từ Việt Nam. Đáng chú ý, ngày 24/4/2024 – ngay khi quy định mới có hiệu lực, ngành sản xuất trong nước của Hoa Kỳ đã khởi kiện trợ cấp đối với pin năng lượng mặt trời để đón đầu quy định về trợ cấp xuyên quốc gia. Cụ thể, nguyên đơn cáo buộc các nhà sản xuất năng lượng mặt trời Việt Nam cũng được hưởng lợi từ trợ cấp xuyên quốc gia do chính phủ Trung Quốc cấp bởi các doanh nghiệp của Việt Nam xuất khẩu pin năng lượng mặt trời sang Hoa Kỳ chủ yếu là doanh nghiệp FDI Trung Quốc, và Hoa Kỳ đang áp thuế CTC với mặt hàng này của Trung Quốc.
Trong các vụ việc trợ cấp, Chính phủ Việt Nam sẽ phải trả lời các bản câu hỏi của Hoa Kỳ liên quan đến bất kỳ chính sách nào bị cáo buộc là trợ cấp. Đây là gánh nặng lớn đối với các Bộ, ngành, địa phương liên quan vì nội dung hỏi của USDOC thường rất nhiều, chi tiết và quy định thời hạn chặt chẽ. Việc trả lời không rõ ràng, không đầy đủ theo nhận định chủ quan của USDOC hoặc không đúng hạn đều dẫn đến kết luận bất lợi cho Việt Nam.
3. Quy định sửa đổi về lựa chọn nước thay thế sẽ dẫn đến nguy cơ tăng biên độ phá giá của doanh nghiệp, tạo thêm gánh nặng chứng minh pháp lý đối với chính phủ và doanh nghiệp các nước xuất khẩu sang Hoa Kỳ, đặc biệt là những nước xuất siêu như Việt Nam, hiện đang là đối tượng trọng tâm trong các vụ việc điều tra PVTM của Hoa Kỳ.
4. Ở thời điểm hiện tại, do Việt Nam vẫn đang bị Hoa Kỳ coi là nền kinh tế phi thị trường và bị áp dụng phương pháp tính toán biên độ phá giá cho các nền kinh tế phi thị trường trong tất cả các vụ việc nên việc sửa đổi quy định về tình hình thị trường đặc biệt (PMS) chưa ảnh hưởng đến Việt Nam. Tuy nhiên, trong trường hợp Hoa Kỳ công nhận Việt Nam là nền kinh tế thị trường, Hoa Kỳ vẫn có thể áp dụng quy định về PMS trên cơ sở cáo buộc các ngành sản xuất nội địa Hoa Kỳ để sử dụng nước và giá trị thay thế. Quy định mới cho phép USDOC có nhiều quyền tự quyết về việc kết luận tồn tại tình hình thị trường đặc biệt. Điều này sẽ phần nào làm giảm hiệu quả của việc Hoa Kỳ công nhận Việt Nam là nền kinh tế thị trường trong các vụ việc PVTM nếu thành công
5. Quy định mới này không chỉ có tác động tới công tác ứng phó các vụ kiện PVTM mà Hoa Kỳ đang tiến hành đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam, mà còn có thể liên quan đến hoạt động của các Bộ, ngành khác, ví dụ như các chính sách cho vay, đầu tư, cấp phép các dự án đầu tư cho các nhà đầu tư nước ngoài, các quy định liên quan đến quyền sở hữu trí tuệ, quyền con người, môi trường, lao động đều có thể khiến các ngành xuất khẩu của Việt Nam sang Hoa Kỳ phải đối mặt với nguy cơ bị áp thuế PVTM. Sự phức tạp và nghiêm ngặt ngày càng tăng của các quy định của Hoa Kỳ đòi hỏi các quốc gia xuất khẩu, trong đó có Việt Nam phải thay đổi chính sách đối với các ngành công nghiệp trong nước nhằm giảm sự phụ thuộc vào trợ cấp và tránh vi phạm khi xuất khẩu sang thị trường này. Doanh nghiệp có thể cần thay đổi chiến lược tìm nguồn cung ứng và sản xuất để tuân thủ các tiêu chuẩn CBPG và CTC khắt khe của Hoa Kỳ.
6. Ngoài ra, những quy định mới này có thể thúc đẩy các quốc gia khác xem xét các biện pháp bảo hộ tương đương, dẫn đến khả năng gia tăng bảo hộ thương mại toàn cầu. Điều này có thể dẫn đến các hành động trả đũa hoặc thiết lập các luật lệ tương tự, khi các quốc gia tìm cách bảo vệ ngành công nghiệp của mình khỏi sự cạnh tranh của hàng hóa nhập khẩu từ nước ngoài, trong bối cảnh các hàng rào thuế quan và phi thuế quan dần được xóa bỏ thông qua các cam kết WTO, FTA và Cơ quan Phúc thẩm giải quyết tranh chấp của WTO bị tê liệt.
Doanh nghiệp có thể tìm hiểu Quy định phòng vệ thương mại mới của Hoa Kỳ tại đây
Nguồn: Bộ Công Thương
Các tin khác
- Những thay đổi trong quy định phòng vệ thương mại của Hoa Kỳ dưới thời Tổng thống Joe Biden (19/08/2024)
- Thuế chống bán phá giá được qui định tại những văn bản nào trong pháp luật Hoa Kỳ? (24/12/2022)
- Các giai đoạn và thời hạn cơ bản của một vụ điều tra chống bán phá giá (21/12/2022)
- Các quy định của Hoa Kỳ về điều tra chống lẩn tránh thuế chống bán phá giá, chống trợ cấp (21/12/2022)
- Các thời hạn trong điều tra chống trợ cấp tại Hoa Kỳ (21/12/2022)