Những thay đổi trong quy định phòng vệ thương mại của Hoa Kỳ dưới thời Tổng thống Joe Biden
19/08/2024 09:38
Theo pháp luật phòng vệ thương mại (PVTM) của Hoa Kỳ (Chương VII, Đạo Luật Thuế quan 1930), thẩm quyền rà soát, xem xét sửa đổi, bổ sung những quy định liên quan đến PVTM được trao cho Bộ Thương mại Hoa Kỳ (USDOC). USDOC đã nhiều lần sửa đổi, bổ sung một số quy định nhằm tăng cường và nâng cao hiệu quả điều tra, thực thi các biện pháp PVTM. Chính sách PVTM của Hoa Kỳ dưới thời Tổng thống Joe Biden đã trải qua 02 lần sửa đổi:
- Lần 1: Ngày 20/9/2021, USDOC đăng công báo sửa đổi một số nội dung trong quy định pháp luật về điều tra CBPG/CTC và điều tra chống lẩn tránh, lần lượt có hiệu lực từ ngày 20/10/2021 và 4/11/2021. Phần lớn các quy định sửa đổi chỉ “luật hóa” quy trình thủ tục, thông lệ, thực tiễn điều tra chống lẩn tránh của USDOC vốn chưa được hướng dẫn cụ thể trước đây. Điều này giúp tăng cường tính minh bạch của quy trình điều tra, giúp các bên có liên quan dễ dàng hình dung và có các bước chuẩn bị để xử lý vụ việc. Tuy nhiên, một số quy định sửa đổi theo hướng tăng quyền định đoạt của USDOC có thể gây khó khăn nhất định cho các nhà sản xuất/xuất khẩu và thậm chí chính các nhà nhập khẩu của Hoa Kỳ, ví dụ như việc áp dụng thuế hồi tố khi điều tra xem xét phạm vi sản phẩm và điều tra chống lẩn tránh thuế với tất cả các lô hàng chưa thanh khoản hải quan trong khoảng thời gian khá dài (có thể lên tới 10 tháng trước khi USDOC ra quyết định) khiến nhà nhập khẩu có xu hướng lựa chọn hàng hóa của các nước ít rủi ro bị điều tra…
- Lần 2: Tháng 5/2023, USDOC công bố dự thảo sửa đổi, bổ sung một số quy định về điều tra CBPG/CTC để lấy ý kiến các bên liên quan, tập trung vào cáo buộc các chương trình trợ cấp mới (trợ cấp xuyên quốc gia, trợ cấp do Chính phủ không hành động), thay đổi phương pháp lựa chọn nước/giá trị thay thế trong điều tra CBPG và CTC, quy định chi tiết về tình hình thị trường đặc biệt – những vấn đề có thể ảnh hưởng lớn hơn tới Việt Nam. Ngày 10/7/2023, trên cơ sở ý kiến đóng góp của các bên liên quan, Bộ Công Thương cũng đã gửi văn bản bình luận với dự thảo sửa đổi quy định của Hoa Kỳ và đề nghị Hoa Kỳ xem xét, cân nhắc một cách công bằng và kỹ lưỡng khi ban hành quy định cuối cùng, đảm bảo phù hợp với các quy định của WTO mà hai nước là thành viên. Tại các cuộc họp giữa Bộ Công Thương và USDOC sau đó, Việt Nam tiếp tục nêu quan ngại về dự thảo này. USDOC cho biết thực chất việc sửa đổi quy định này là nhằm xử lý vấn đề dư thừa năng suất của Trung Quốc và ghi nhận ý kiến của Việt Nam, đồng thời sẽ xem xét tất vả các ý kiến của các bên liên quan khác để giải trình trước khi ban hành. Trong số 53 bình luận của các bên liên quan nộp bình luận đúng hạn, các Hiệp hội và doanh nghiệp sản xuất của Hoa Kỳ ủng hộ dự thảo trong khi chính phủ và doanh nghiệp các nước xuất khẩu lớn vào Hoa Kỳ như Trung Quốc, Hàn Quốc, Colombia, Mexico… bày tỏ quan ngại tương tự Việt Nam.
Quy định mới về điều tra CBPG/CTC và chống lẩn tránh chính thức có hiệu lực từ ngày 24/4/2024 với một số điểm đáng lưu ý như sau:
1. Cho phép điều tra và áp thuế trợ cấp xuyên quốc gia (transnational subsidies)
USDOC bãi bỏ quy định hiện hành không cho phép Hoa Kỳ điều tra CTC xuyên quốc gia và bảo lưu quyền điều tra và áp thuế CTC đối với các khoản trợ cấp xuyên quốc gia (tức là các khoản trợ cấp do chính phủ hoặc tổ chức công ở một quốc gia cung cấp mang lại lợi ích cho nhà sản xuất hoặc nhà xuất khẩu ở một quốc gia khac, ví dụ như các khoản trợ cấp từ chương trình “Sáng kiến Vành đai và Con đường” (BRI) của Trung Quốc có thể hỗ trợ việc sản xuất xuất khẩu của nước thứ ba trong tương lai.
Hiện tại, về cơ bản, trong các vụ việc điều tra CTC của Hoa Kỳ với Việt Nam, chỉ một số chương trình bị kết luận là trợ cấp có thể đối khác và được nhận bởi doanh nghiệp, do đó mức thuế CTC khá thấp. Vì vậy, có thể đánh giá việc điều tra CTC không còn đạt được mục tiêu “áp thuế” như Hoa Kỳ kỳ vọng. Trên thực tế, thời gian gần đây Hoa Kỳ ít điều tra CTC với Việt Nam (vụ việc điều tra đã kết thúc gần nhất là từ năm 2020 với lốp xe ô tô, mức thuế CTC là 6,23% đến 7,89% và mức thuế rà soát với một số doanh nghiệp chỉ còn 0%). Tuy nhiên theo nhận định của Bộ Công Thương, việc sửa đổi này có thể dẫn tới sự khó định đoán và mức thuế CTC bất lợi hơn cho Việt Nam trong các vụ việc tương lai, do Hoa Kỳ có thể gộp thêm các trợ cấp của Chính phủ các nước khác (ví dụ như Trung Quốc, Đài Loan – Trung Quốc, Hàn Quốc…) để tính biên độ trợ cấp cho hàng hóa xuất khẩu Việt Nam, có thể đẩy biên độ trợ cấp lên rất cao. Ngoài ra, rất khó để kiểm soát và nắm được liệu Chính phủ các nước các nước khác có trợ cấp gì cho các doanh nghiệp FDI đầu tư vào Việt Nam hay cho nguyên liệu nhập khẩu sử dụng để sản xuất hàng xuất khẩu của Việt Nam sang Hoa Kỳ hay không.
2. Bổ sung cáo buộc chương trình trợ cấp mới
USDOC bổ sung trường hợp Chính phủ nước bị điều tra CTC bỏ qua, không thu các khoản phí, tiền phạt, hình phạt phải nộp (ví dụ phí xử lý nước thải, tiền phạt vi phạm tiêu chuẩn an toàn lao động trong nhà máy…) cũng được coi là 01 khoản trợ cấp, do Chính phủ đáng lẽ đã yêu cầu thanh toán hoặc phải có hành động để thu các khoản đó. USDOC cho rằng đây được coi là một khoản trợ cấp có thể đối kháng vì Chính phủ mang lại lợi ích cho doanh nghiệp xuất khẩu (khoản tiền không phải nộp hoặc chậm nộp).
Ngoài ra, USDOC cũng bổ sung quy định coi các khoản vay từ Chính phủ hoặc ngân hàng thuộc sở hữu của Chính phủ là một khoản tài trợ (grant) nếu không có khoản thanh toán gốc và lãi nào được thực hiện trong vòng 03 năm, trừ khi người nhận khoản vay đó có thể chứng minh được việc không thanh toán đó phù hợp với các điều khoản vay thương mại tương đương trên thị trường hoặc phù hợp với các điều khoản của hợp đồng vay.
3. Bổ sung quy định lựa chọn nước thay thế
USDOC bổ sung quy định khi lựa chọn nước thay thế để tính toán biến bộ CBPG cho các nền kinh tế phi thị trường (trong đó có Việt Nam), thì sẽ loại trừ, không lựa chọn các quốc gia trợ cấp xuất khẩu rộng rãi/có trợ cấp hoặc bị áp thuế CBPG liên quan đến giá trị thay thế/không thực thi và có cơ chế thực thi yếu, không hiệu quả, các vấn đề liên quan đến quyền sở hữu trí tuệ, quyền con người, lao động, môi trường do giá trị thay thế, ngưỡng chuẩn hay chi phí sản xuất tại quốc gia này có khả năng bị bóp méo hoặc không phù hợp với nguyên tắc thị trường.
Trong trường hợp không có đề xuất giá trị thay thế nào phù hợp từ một quốc gia có nền KTTT có trình độ phát triển tương đương với Việt Nam thì USDOC sẽ sử dụng giá trị thay thế của một quốc gia có nền KTTT có trình độ phát triển không tương đương. Các quốc gia thường được Hoa Kỳ lựa chọn làm nước thay thế cho Việt Nam (Indonesia, Bangladesh, Ấn Độ…) trong điều tra PVTM đều có những hạn chế nhất định liên quan đến quyền sở hữu trí tuệ, quyền con người, lao động, môi trường do đều là các nước đang phát triển, có trình độ phát triển tương đồng. Indonesia và Ấn Độ cũng là các nước bị áp dụng biện pháp CTC nhiều nhất trên thế giới. Vì vậy, đề xuất sửa đổi này của USDOC có thể dẫn tới việc USDOC chọn quốc gia thay thế là nước có trình độ phát triển cao hơn Việt Nam, làm gia tăng giá trị thay thế, dẫn đến đẩy biên độ phá giá lên cao hơn.
Ngoài ra, quy định mới cũng cho phép trong trường hợp không có đề xuất giá trị thay thế nào phù hợp từ một quốc gia là nhà sản xuất hàng hóa đáng kể có thể so sánh với hàng hóa bị điều tra, thì USDOC có thể dử dụng giá trị thay thế của một quốc gia có nền KTTT không phải là nhà sản xuất hàng hóa đáng kể có thể so sánh với hàng hóa bị điều tra.
Mặc dù trong quá trình điều tra của USDOC, Việt Nam có quyền bình luận về việc lựa chọn nước thay thế nhưng quyền lựa chọn cuối cùng vẫn thuộc về USDOC nên quy định mới này sẽ gây bất lợi cho Việt Nam.
4. Quy định chi tiết về tình hình thị trường đặc biệt (PMS)
USDOC đã bổ sung và cụ thể hóa các quy định về điều tra PMS trong các vụ việc điều tra CBPG, cho phép USDOC có thể sử dụng giá trị thay thế để tính toán biên độ phá giá trong vụ việc đó, tương tự như phương pháp tính toán biên độ phá giá các nền kinh tế phi thị trường. USDOC định nghĩa PMS tồn tại khi: (i) không thể so sánh hợp lý giá bán tại nước xuất khẩu với giá xuất khẩu; hoặc (ii) dẫn tới bóp méo chi phí nguyên liệu và chế tạo hoặc các công đoạn sản xuất khác, khiến chi phí sản xuất không phản ánh chính xác chi phí sản xuất trong điều kiện thương mại thông thường. USDOC đưa ra một số ví dụ về PMS như: áp thuế xuất khẩu, hạn chế xuất khẩu, ban hành và thực thi các quy định hạn chế cạnh tranh mang lại vị thế đặc biệt cho các nhà sản xuất được ưu đãi hoặc tạo ra rào cản gia nhập thị trường, sự kiểm soát trực tiếp của chính phủ đối với việc định giá hàng hóa, việc chính phủ thực thi yếu hay không hành động… Các ví dụ này cho thấy khả năng bị kết luận tồn tại PMS khá lớn vì bao hàm phạm vi rất rộng.
5. Một số sửa đổi khác
5.1. Sửa đổi và bổ sung quy định về trích dẫn thông tin
USDOC cũng sửa đổi và bổ sung quy định yêu cầu các bên phải cung cấp tài liệu gốc của thông tin dẫn chiếu, ví dụ bài báo, bài nghiên cứu, sách giáo khoa… (chứ không chỉ cung cấp đường link hoặc mã URL của trang web) trong các bản trả lời câu hỏi, bản bình luận… để đảm bảo các tài liệu này được lưu trong hồ sơ vụ việc.
Tuy nhiên, USDOC cũng đưa ra một số ngoại lệ đối với những nguồn tài liệu mà các bên có thể trích dẫn mà không cần có trong hồ sơ vụ việc, bao gồm: các đạo luật và quy định của Hoa Kỳ; lịch sử lập pháp Hoa Kỳ đã xuất bản; các quyết định và lệnh của tòa án Hoa Kỳ; một số thông báo nhất định của USDOC và USITC được đăng trên Thông báo Liên bang, các biên bản quyết định và báo cáo được thông qua bởi những thông báo đó; các hiệp định về PVTM của WTO.
Việc sửa đổi và bổ sung này có thể làm tăng tính minh bạch cho quy trình điều tra do trong một số sự việc trước đây, một phần nội dung lập luận đệ trình (case brief) của Việt Nam từng bị USDOC từ chối với lý do đưa ra thông tin mới khi trích dẫn các biên bản của USDOC trong các vụ việc khác. Mặt khác, quy định này cũng yêu cầu Chính phủ và các doanh nghiệp của Việt Nam phải cung cấp đầy đủ các tài liệu nguồn khi trích dẫn thông tin, nếu không DOC có thể từ chối xem xét các thông tin này.
5.2. Bổ sung quy định phân cấp áp dụng dữ liệu bất lợi sẵn có (Adverse Fact Available – AFA) trong các vụ việc điều tra CTC
Thông thường, để xác định mức trợ cấp khi không có thông tin được các bên cung cấp, USDOC thường mặc định áp dụng mức cao nhất dựa trên AFA. Theo quy định mới, USDOC luật hóa để áp dụng AFA trong các cụ điều tra CTC ban đầu theo thứ tự ưu tiên sau: (1) mức trợ cấp cao nhất từ 0,5% trở lên được xác định cho chương trình giống hệt sử dụng bởi bị đơn hợp tác trong vụ việc; (2) mức trợ cấp cao nhất từ 0,5% trở lên được xác định cho chương trình giống hệt/tương tự/chương trình không dành riêng cho một công ty cụ thể trong các cụ việc điều tra CTC khác mà Hoa Kỳ đã tiến hành đối với chính quốc gia đó (nếu có). Nếu không có các chương trình trợ cấp giống hệt hoặc tương đương, USDOC sẽ áp dụng mức trợ cấp cao nhất từ 0,5% trở lên trong vụ việc CTC cho cùng quốc gia đó mà USDOC cho là hợp lý. Ngoài ra, USDOC cũng ban hành thứ tự ưu tiên cho việc sử dụng AFA trong các cuộc rà soát hành chính với cách thức tương tự.
5.3. Bổ sung quy định cho phép bình luận về sớn đề nghị điều tra phạm vi sản phẩm/chống lẩn tránh thuế PVTM
USDOC cũng bổ sung quy định cho phép các bên liên quan (không phải nguyên đơn) bình luận, nhận xét về tính đầy đủ và xác thực của đơn đề nghị điều tra phạm vi sản phẩm và chống lẩn tránh trong phạm vi 10 ngày sau khi nhận đơn. Ngoài rá, USDOC cũng cho phép các bên liên quan nộp các thông tin thực tế trong vòng 10 ngày kể từ khi đơn đề nghị vụ việc chống lẩn tránh thuế PVTM được nộp và phía nguyên nguyên đơn có thể phản biện, làm rõ, điều chỉnh lại các thông tin thực tế đó trong vòng 05 ngày tiếp theo. Điều này giúp hồ sơ vụ việc có đầy đủ thông tin để USDOC có thể xem xét quyết định khởi xướng vụ việc hay không.
Quy định này cho phép Chính phủ và doanh nghiệp Việt Nam có thể bình luận về tính hợp lệ, phản biện lại các thông tin trong đơn kiện nhằm phản đối việc khởi xướng điều tra.
Nguồn: Bộ Công Thương
Các tin khác
- Đánh giá tác động dự kiến của quy định phòng vệ thương mại mới của Hoa Kỳ (có hiệu lực 24/4/2024) đối với Việt Nam (19/08/2024)
- Thuế chống bán phá giá được qui định tại những văn bản nào trong pháp luật Hoa Kỳ? (24/12/2022)
- Các giai đoạn và thời hạn cơ bản của một vụ điều tra chống bán phá giá (21/12/2022)
- Các quy định của Hoa Kỳ về điều tra chống lẩn tránh thuế chống bán phá giá, chống trợ cấp (21/12/2022)
- Các thời hạn trong điều tra chống trợ cấp tại Hoa Kỳ (21/12/2022)