Làm thế nào để xác định phá giá?

08/12/2022 02:28 - 2 lượt xem

Để xác định có tồn tại hiện tượng hàng nhập khẩu bán phá giá vào EU hay không, cơ quan điều tra sẽ tiến hành tính toán biên độ phá giá thông qua việc so sánh về giá giữa giá thông thường và giá xuất khẩu.

 

Công thức tính biên độ phá giá

 

X = (Giá thông thường (giá TT) - Giá xuất khẩu (giá XK))/Giá xuất khẩu

 

Trong đó

 

X : Biên độ phá giá (được tính theo phần trăm)

 

Giá Thông thường: Giá bán sản phẩm tương tự tại thị trường nội địa nước xuất khẩu; hoặc Giá bán sản phẩm đó sang một nước thứ ba hoặc Giá thông thường tính toán

 

Giá xuất khẩu: Giá bán sản phẩm bị điều tra sang EU (tính tại biên giới EU); hoặc Giá xuất khẩu tính toán (giá bán cho người mua độc lập đầu tiên tại EU)        

 

(i) Nếu X>0% thì có hiện tượng bán phá giá.

 

Nói cách khác, nếu Giá Thông thường (còn gọi là Giá công bằng) cao hơn Giá Xuất khẩu thì có bán phá giá. Nếu Giá thông thường thấp hơn Giá Xuất khẩu thì không có bán phá giá.

 

(ii) X đồng thời là căn cứ để tính mức thuế chống bán phá giá, nếu được áp dụng.

 

Tuy nhiên không phải bất kỳ khi nào có hiện tượng bán phá giá (tức là biên độ phá giá lớn hơn 0 (biên độ dương)) thì đều có thể áp dụng biện pháp chống bán phá giá. Theo quy định của WTO mà EU phải tuân thủ thì:

 

- Nếu X ≥ 2% thì mức độ bán phá giá bị xem là đáng kể và có thể bị áp thuế

- Nếu X < 2% thì mức độ phá giá giá được xem là không đáng kể, và không thể bị áp thuế.

 

Nguyên tắc tính toán biên độ giá phá

 

Biên độ phá giá được tính riêng cho từng doanh nghiệp xuất khẩu

 

Biên độ phá giá được tính toán riêng cho từng nhà xuất khẩu bị đơn (chứ không phải là một biên độ phá giá chung cho tất cả các doanh nghiệp trong vụ điều tra).

 

Trường hợp số lượng bị đơn quá đông thì cơ quan điều tra có quyền hạn chế việc điều tra, tính toán biên độ phá giá ở các doanh nghiệp được lựa chọn làm bị đơn bắt buộc (Nhóm mẫu). Trong trường hợp này, biên độ phá giá được tính riêng cho từng doanh nghiệp trong Nhóm mẫu dựa trên các số liệu cụ thể thực tế của doanh nghiệp đó liên quan đến việc sản xuất, xuất khẩu sản phẩm bị điều tra. Biên độ phá giá của các doanh nghiệp bị đơn không được lựa chọn điều tra sẽ được xác định dựa trên kết quả biên độ phá giá của các bị đơn bắt buộc.

 

Biên độ phá giá chỉ xác định cho các lô hàng được nhập khẩu vào EU trong giai đoạn điều tra

 

Trên thực tế, một doanh nghiệp có thể xuất khẩu một loại sản phẩm vào EU trong suốt một thời gian dài với rất nhiều lô hàng. Nếu sản phẩm đó bị điều tra chống bán phá giá thì chỉ những lô hàng nào xuất khẩu trong giai đoạn điều tra của vụ việc đó bị xem xét (chứ không phải xem xét giá của toàn bộ các lô hàng liên quan đã từng xuất sang EU).

 

Theo quy định của EU, giai đoạn điều tra chống bán phá giá của mỗi vụ điều tra được ấn định trong thông báo khởi xướng điều tra và thường là khoảng 1 năm liền trước Đơn kiện. Ví dụ nếu đơn kiện được nộp vào ngày 1/5/2008 thì giai đoạn điều tra phá giá sẽ là 1/5/2007-30/4/2008. Biên độ phá giá sẽ được tính toán trên cơ sở giá thông thường và giá xuất khẩu của tất cả các giao dịch bán sản phẩm liên quan sang EU trong giai đoạn 1/5/2007-30/4/2008.

 

Biên độ phá giá được tính tổng cộng cho tất cả các giao dịch bán hàng của doanh nghiệp

 

Một doanh nghiệp có thể xuất khẩu theo nhiều giao dịch bán hàng (loại hàng bị điều tra) sang EU trong giai đoạn điều tra. Biên độ phá giá xác định cho doanh nghiệp đó sẽ là biên độ phá giá tính chung của tất cả các giao dịch chứ không phải chỉ của một giao dịch được lựa chọn nào.

 

Lưu ý đối với doanh nghiệp

 

Do biên độ phá giá được tính toán riêng nên kết quả của một cuộc điều tra chống bán phá giá là khác nhau giữa các doanh nghiệp. Vì vậy biên độ phá giá (và tiếp theo là mức thuế chống bán phá giá) của doanh nghiệp phụ thuộc rất lớn vào cách thức kháng kiện của chính doanh nghiệp đó trong quá trình điều tra.

 

Với công thức này thì để đảm bảo biên độ phá giá thấp nhất có thể, doanh nghiệp bị đơn cần cung cấp các bằng chứng và lập luận chứng minh sao cho:

 

-    Giá Thông thường càng thấp càng tốt;
-    Giá Xuất khẩu càng cao càng tốt;
-    Càng nhiều yếu tố được điều chỉnh để hai loại giá trên càng về gần với giá xuất xưởng càng tốt.

 

Nguồn: Trung tâm WTO và Hội nhập - VCCI

Quảng cáo sản phẩm