Việt Nam có thể chứng minh là nền kinh tế phi thị trường trong một vụ kiện chống bán phá giá cụ thể không?

08/12/2022 01:43 - 2 lượt xem

Trong khi vận động EU đơn phương công nhận Việt Nam là nền kinh tế thị trường chưa có kết quả, Việt Nam có thể chứng minh với EU rằng Việt Nam đáp ứng đủ các tiêu chí để được công nhận là nền kinh tế thị trường trong một vụ kiện chống bán phá giá cụ thể.

 

Theo quy định của EU, có 5 tiêu chí để xem xét công nhận một nước có nền kinh tế thị trường:

 

  1. Ảnh hưởng của Chính phủ tới việc phân bổ các nguồn lực và ra quyết định của doanh nghiệp 
  2. Không có những méo mó trong hoạt động của doanh nghiệp tư nhân hóa xuất phát từ phía Nhà nước; 
  3. Sự tồn tại và thực thi của một luật doanh nghiệp minh bạch 
  4. Một hệ thống pháp luật đảm bảo quyền sở hữu tồn tại và được thực thi 
  5. Tồn tại một khu vực tài chính thực sự độc lập với Nhà nước

 

Mặc dù các tiêu chí này tương đối kỹ thuật và về mặt nguyên tắc là khách quan, việc xem xét một nền kinh tế có thỏa mãn hay không các yếu tố này lại phụ thuộc tương đối lớn vào ý kiến đánh giá chủ quan của Ủy ban châu Âu, cơ quan xem xét vấn đề này.

 

Trên thực tế, liên quan đến từng tiêu chí lớn, Ủy ban châu Âu qua quá trình xử lý các vấn đề tương tự đã thiết lập một hệ thống các nhóm tiêu chí nhỏ hơn, được áp dụng theo thông lệ. Cụ thể

 

i. Đối với tiêu chí về mức độ “Ảnh hưởng của Chính phủ tới việc phân bổ các nguồn lực và ra quyết định của doanh nghiệp”:

 

Để đáp ứng các tiêu chí này, Việt Nam phải chứng minh rằng Chính phủ không gây tác động đến việc phân bổ các nguồn lực kinh tế trong các quyết định của doanh nghiệp, đặc biệt là:

 

•    Chính phủ có ấn định giá hay không (tuy nhiên Nga đã được thừa nhận quy chế thị trường năm 2002 dù nước này có một hệ thống ấn định giá)
•    Chính phủ có quy định các nghĩa vụ phải sản xuất để xuất khẩu (gắn với các lợi ích, ví dụ giảm/miễn thuế…) hay không
•    Chính phủ có hạn chế đối với việc xuất khẩu nguyên liệu thô (dưới hình thức đánh thuế hoặc hạn chế số lượng) hay không
•    Chính phủ có cung cấp các hỗ trợ về các yếu tố đầu vào cho ngành sản xuất (các ưu tiên cho các doanh nghiệp nội địa hoặc các trợ cấp nội địa làm thay đổi giá nội địa, trợ cấp hóa các nguồn nguyên liệu đầu vào) hay không.

  •  

Liên quan đến tiêu chí này, Việt Nam gặp khó khăn trong việc chứng minh thỏa mãn, chủ yếu là do Việt Nam vẫn duy trì nguyên tắc sở hữu toàn dân về đất đai và quyền quyết định của Chính phủ trong việc xác định giá đất đai và kiểm soát ở mức độ khác nhau giá các nguồn tài nguyên tự nhiên (dầu mỏ, than…).

 

Tuy nhiên, về những thành tố khác, Việt Nam có lợi thế khi:

 

•    Đã loại bỏ một loạt các biểu hiện can thiệp vào sản xuất (không còn yêu cầu về tỷ lệ xuất khẩu hay nghĩa vụ sử dụng nguyên liệu trong nước);
•    Đã loại bỏ các loại trợ cấp bị cấm;
•    Vẫn duy trì kiểm soát xuất khẩu đối với một số mặt hàng nhạy cảm (gạo, một số sản phẩm gỗ, khoáng sản) nhưng phù hợp với WTO;
•    Giá điện, nước, các sản phẩm từ dầu mỏ, giá vé máy bay, xe bus, dịch vụ bưu chính, viễn thông vẫn do Chính phủ kiểm soát nhưng một phần đã phản ánh các yếu tố thị trường (ví dụ giá xăng, dầu..)

 

ii. Đối với tiêu chí về việc “Không có những méo mó trong hoạt động của doanh nghiệp tư nhân hóa xuất phát từ phía Nhà nước”

 

Để đáp ứng được tiêu chí này, Việt Nam phải chứng minh rằng không còn tồn tại bất kỳ biểu hiện bóp méo thị trường nào đối với hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp tư nhân hóa xuất phát từ tàn dư của nền kinh tế kế hoạch hóa trước đây, đặc biệt là:

 

- Những tiến triển của quá trình cải cách các Doanh nghiệp Nhà nước

 

Lý do: Các doanh nghiệp Nhà nước có vai trò có thể bóp méo thương mại và số lượng các doanh nghiệp này ở nhiều nước có nền kinh tế phi thị trường là rất lớn

 

Thủ tục: Ủy ban châu Âu sẽ xem xét khung pháp lý về cổ phần hóa các doanh nghiệp (ví dụ quy định hạn chế số lượng cổ phần mà nhà đầu tư nước ngoài có thể nắm giữ trong doanh nghiệp cổ phần hóa, những lĩnh vực kinh tế không tư nhân hóa…). Sau đó Ủy ban châu Âu sẽ cân nhắc các thông tin liên quan đến quá trình thực thi các luật đó bằng cách lựa chọn các vụ việc cụ thể, phân tích các số liệu liên quan đến quá trình tư nhân hóa (ví dụ: nếu trong một trường hợp được nghiên cứu đa số các thành viên hội đồng quản trị từ các Doanh nghiệp Nhà nước trước đây lại tiếp tục là thành viên hội đồng quản trị của doanh nghiệp thì sẽ không thể coi là đã “loại bỏ sự can thiệp của Nhà nước” đối với doanh nghiệp).

     

Hộp - Đánh giá của Ủy ban châu Âu trong vụ giầy mũ da – tiêu chí về cải cách doanh nghiệp Nhà nước

 

Dù đánh giá rằng Việt Nam đã có những tiến bộ vượt bậc trong quá trình tư nhân hóa (thông qua số liệu 2007: 1854 doanh nghiệp 100% vốn Nhà nước; 158 doanh nghiệp đã cải tổ và 101 doanh nghiệp cổ phần hóa) Ủy ban châu Âu vẫn cho rằng Việt Nam cần đẩy mạnh hơn nữa quá trình này, đặc biệt khi có dấu hiệu những nỗ lực đang chững lại (ví dụ 8 tháng đầu năm 2008 chỉ có 80 DNNN thay đổi cơ cấu sở hữu (chỉ đạt được 15% kế hoạch năm của Chính phủ).

 

Ủy ban châu Âu cũng tham khảo quan điểm của IMF trong một báo cáo của họ rằng chưa có những tiến triển cần thiết trong quản trị DNNN; quá trình cổ phần hóa thực hiện chậm chạp; vai trò của các doanh nghiệp quân đội còn lớn…

 

Ủy ban châu Âu cũng lưu ý đến sự dính dáng của các doanh nghiệp Nhà nước vào lĩnh vực tài chính bên ngoài lĩnh vực kinh doanh chuyên môn của họ (ví dụ thị trường nhà đất, hoặc ví dụ như Điện lực Việt Nam chưa thành công trong lĩnh vực phát điện nhưng lại đầu tư vào điện thoại di động và ngân hàng). Phương pháp định giá doanh nghiệp Nhà nước trong quá trình cổ phần hóa vẫn còn là điều mà Ủy ban châu Âu quan ngại.

     

- Phương thức quản lý thị trường đất đai:

 

Ủy ban châu Âu sẽ xem xét các vấn đề liên quan đến các quyền đối với đất đai (quyền sở hữu/sử dụng,…) và sự hình thành giá đất (ví dụ: các trường hợp giao dịch phi thị trường đối với đất đai, chuyển quyền sử dụng đất hoặc thế chấp đất đai sẽ bị coi là không thể chấp nhận được).

 

Hộp - Đánh giá của Ủy ban châu Âu trong vụ giầy mũ da – tiêu chí về thị trường đất đai

 

Ủy ban châu Âu có đánh giá tốt đối với những biến chuyển trong lĩnh vực này (đặc biệt khi thực thi Luật Đất đai 2003, các cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam đã ban hành một số Nghị định và Thông tư trong đó quy định phương pháp định giá đất gần với giá thị trường (các phương pháp mới trong việc tính trị giá phần đất được xem là phần đánh giá của Nhà nước vào các doanh nghiệp cổ phần hóa, và các biện pháp để đảm bảo sự vận hành suôn sẻ của thị trường nhà đất).

 

Tuy nhiên, dường như những nỗ lực vẫn còn phải tiếp tục do kết quả như vậy là chưa đủ bởi vấn đề quan trọng nhất là giá đất vẫn còn được xác định theo các phương pháp hành chính.

 

- Các hình thức thương mại phi thị trường hoặc các cơ chế bù đắp:

Về vấn đề này, theo thông lệ Ủy ban châu Âu sẽ xem xét các giao dịch phi thị trường (ví dụ trao đổi hàng).

 

iii. Đối với tiêu chí “Tồn tại và Thực thi một luật công ty minh bạch”

 

Mặc dù tiêu chí đề cập đến luật công ty nói chung nhưng trên thực tế, Ủy ban châu Âu chủ yếu tập trung vào các vấn đề minh bạch về tài chính của công ty. Do đó những vấn đề được Ủy ban châu Âu xem xét, đánh giá là pháp luật về kế toán, kiểm toán và tình hình thực thi thực tế của các văn bản này.

 

Hộp - Đánh giá của Ủy ban châu Âu trong vụ giầy mũ da – tiêu chí về hệ thống pháp luật và tình hình thực thi pháp luật kế toán, kiểm toán

 

Liên quan đến pháp luật về kế toán, Ủy ban châu Âu ghi nhận những nỗ lực trong hoàn thiện pháp luật về kế toán của Việt Nam (ví dụ việc thông qua Nghị định năm 2007 về việc kiểm soát chất lượng dịch vụ kế toán, kiểm toán; đã ban hành 26 chuẩn kế toán (VAS), sẽ ban hành 10 chuẩn nữa trong giai đoạn 2009-2012). Những nỗ lực về thực thi pháp luật kế toán (qua số lượng người có chứng chỉ liên quan gia tăng) cũng được ghi nhận.

 

Tuy nhiên, Ủy ban châu Âu vẫn cho rằng còn nhiều tồn tại trong lĩnh vực này, đặc biệt là:

 

•    Có vấn đề trong việc tuân thủ các thời hạn theo Nghị định 2004 về kiểm toán độc lập (chuyển đổi từ DNNN sang công ty TNHH, doanh nghiệp tư nhân và doanh nghiệp hợp danh)
•    Các vấn đề liên quan đến sự vận hành của các công ty kiểm toán (lỗi, ký báo cáo kiểm toán mà không hề thực hiện việc kiểm toán, kiểm toán viên thực hiện việc kiểm toán mà không có chứng nhận…)
•    Nhiều công ty còn chưa bắt buộc phải kiểm toán (và do đó không có đông lực để thực hiện IAS); IAS không được áp dụng thống nhất trong hệ thống kế toán của các công ty nội địa
•    Đối với khu vực kinh tế Nhà nước: Luật năm 2006 về kiểm toán Nhà nước đã có hiệu lực nhưng việc thực thi còn nhiều vấn đề (theo ADB và Ngân hàng thế giới thì hệ thống kế toán vấn chưa đảm bảo; khu vực kinh tế Nhà nước không được kiểm toán đúng đắn, 55% DNNN không thực hiện kiểm toán…)
•    Chưa có đủ số lượng kiểm toán viên
•    Phạm vi kiểm toán quá hạn chế theo luật

 

iv. Đối với tiêu chí “hệ thống pháp luật đảm bảo quyền sở hữu trí tuệ tồn tại và được thực thi”

 

Ủy ban châu Âu xem xét tiêu chí này trên cơ sở đánh giá sự tồn tại của hệ thống pháp luật về các quyền sở hữu, thực thi pháp luật về phá sản và bảo vệ quyền sở hữu.

 

Lý do: Trong phòng vệ thương mại, các quy định rõ ràng về quyền sở hữu tư nhân là rất quan trọng bởi chúng có thể ảnh hưởng đến quyền tiếp cận tín dụng của các doanh nghiệp khối tư nhân.

 

Hộp - Đánh giá của Ủy ban châu Âu trong vụ giầy mũ da – tiêu chí về hệ thống pháp luật về quyền sở hữu và tình hình thực thi

 

Theo quan điểm của Ủy ban châu Âu thì pháp luật về quyền sở hữu ở Việt Nam tương đối đầy đủ.

 

Tuy nhiên, tình hình thực thi lại kém hiệu quả, đặc biệt là:

 

-    Hệ thống tư pháp (để bảo vệ quyền sở hữu khi bị xâm phạm còn yếu kém, thiếu hiệu quả; 1000 vụ được giải quyết trong số 100000 đơn kiện);
-    Hệ thống các văn bản hướng dẫn thực thi pháp luật sở hữu còn thiếu do thiếu nguồn lực để soạn thảo
-    Tình hình hàng giả, hàng nhái làm thiệt hại cho chủ sở hữu tràn lan
-    Tình hình thực thi luật phá sản không sáng sủa, số lượng các vụ hoàn thành thủ tục phá sản vẫn còn rất thấp so với tổng số doanh nghiệp đăng ký hoạt động (năm 2006, 53 vụ phá sản (16 vụ đã tuyên bố, 37 vụ đang giải quyết) - năm 2007, 100 vụ phá sản (bao gồm cả 37 vụ chưa được giải quyết trong năm 2006); 99 vụ tuyên bố phá sản và 1 vụ đang giải quyết)

 

v. Đối với tiêu chí “tồn tại một hệ thống tài chính độc lập với Nhà nước”

 

Để đáp ứng tiêu chí này nước xuất khẩu liên quan phải chứng minh được rằng ngành tài chính của mình độc lập với Nhà nước và hoạt động tuân thủ các tiêu chí thị trường về chi phí tín dụng

 

Hộp - Đánh giá của Ủy ban châu Âu trong vụ giầy mũ da – tiêu chí về hệ thống tài chính độc lập

 

Theo quan điểm của Ủy ban châu Âu thì hệ thống tài chính của Việt Nam vẫn còn phụ thuộc vào Nhà nước. Cụ thể:

 

-    Nhà nước vẫn còn duy trì sự kiểm soát rất lớn đối với ngành tài chính
-    Trên thực tế, sự phân bổ các nguồn vốn cho doanh nghiệp không phải lúc nào cũng tuân thủ các nguyên tắc kinh tế thị trường

 

Nguồn: Trung tâm WTO và Hội nhập - VCCI

Quảng cáo sản phẩm