Mối quan hệ giữa các Hiệp định của WTO với pháp luật và thực tiễn phòng vệ thương mại Hoa Kỳ

21/12/2022 02:22 - 733 lượt xem

WTO có 04 Hiệp định quy định các nguyên tắc cơ bản về các biện pháp phòng vệ thương mại, bao gồm:

 

- Hiệp định chung về Thuế quan và Thương mại (GATT 1994) : Hiệp định về thương mại hàng hóa này có chứa một số điều khoản về các biện pháp phòng vệ thương mại;

 

- Hiệp định về chống bán phá giá giá (Antidumping Agreement – ADA) : Quy định cụ thể và chuyên biệt về biện pháp chống bán phá giá

 

- Hiệp định về trợ cấp và thuế đối kháng (Subsidy and Countervailing Measures Agreement - SCM) : Một phần quan trọng của Hiệp định này quy định về biện pháp chống trợ cấp ;

 

- Hiệp định về biện pháp Tự vệ (Safeguards Agreement - SG) : Quy định cụ thể và chuyên biệt về biện pháp tự vệ.

 

Các quy định tại các Hiệp định này là bắt buộc đối với tất cả các nước thành viên WTO. Nói cách khác, mỗi quốc gia thành viên WTO có quyền ban hành và áp dụng pháp luật về phòng vệ thương mại riêng của nước mình nhưng phải tuân thủ đầy đủ các qui định mang tính bắt buộc về nội dung cũng như thủ tục trong Hiệp định ADA, SCM và SG của WTO. Pháp luật nội địa của mỗi quốc gia có thể cụ thể hoá nhưng không được trái với các qui định liên quan tại các Hiệp định này của WTO.

 

Như vậy, Hoa Kỳ có nghĩa vụ đảm bảo rằng các quy định và việc thực thi các quy định liên quan đến biện pháp chống bán phá giá, chống trợ cấp, tự vệ của Hoa Kỳ phù hợp với các nguyên tắc trong các Hiệp định liên quan của WTO. Trường hợp nhận thấy Hoa Kỳ có quy định pháp luật hoặc cơ quan điều tra của Hoa Kỳ trên thực tế không phù hợp với các quy định của WTO, các quốc gia thành viên WTO có thể khiếu kiện Hoa Kỳ ra Cơ quan giải quyết tranh chấp của WTO (theo thủ tục giải quyết tranh chấp trong khuôn khổ WTO).

 

Nguồn gốc các quy định về biện pháp phòng vệ thương mại trong WTO

 

Hoa Kỳ là một trong những nước áp dụng các biện pháp chống bán phá giá sớm nhất (từ năm 1906). Đến năm 1930, Luật về Thuế quan của Hoa Kỳ đã có các quy định tương đối chi tiết về vấn đề này. Và việc các quy định về phòng vệ thương mại như một công cụ « rào cản nhập khẩu » hợp pháp được đưa vào Hiệp định chung về Thuế quan và Thương mại GATT 1947 trên thực tế cũng là hệ quả của nhiều sức ép, trong đó đáng kể là Hoa Kỳ.

 

Các Hiệp định về phòng vệ thương mại trong WTO hiện tại được phát triển từ các quy định tương đối đơn giản trong Hiệp định chung về Thuế quan và Thương mại GATT 1947 nói trên. Quá trình chi tiết hóa các quy định tại GATT 1947 trong khuôn khổ Vòng đàm phán Uruguay thực chất là quá trình đàm phán, đấu tranh, nhân nhượng giữa nhóm các nước muốn sử dụng các công cụ này (vào thời điểm đó chủ yếu là các nước phát triển, đặc biệt là Hoa Kỳ) và nhóm nước không muốn sử dụng chúng (chủ yếu là các nước đang phát triển với thế mạnh xuất khẩu).

 

Các Hiệp định này ra đời như là biểu hiện rõ nét của sự thỏa hiệp giữa hai xu hướng này. Một mặt các Hiệp định này thừa nhận tính hợp pháp của việc sử dụng công cụ chống bán phá giá, chống trợ cấp, tự vệ (mà bản chất là các biện pháp hạn chế luồng hàng nhập khẩu từ nước này vào nước kia – đi ngược lại với mục tiêu tự do hóa thương mại của WTO). Mặt khác các Hiệp định cũng đưa ra những quy tắc nhằm hạn chế việc sử dụng các công cụ này trong khuôn khổ nhất định và có thể kiểm soát được.

 

Nguồn: Trung tâm WTO và Hội nhập - VCCI

Quảng cáo sản phẩm