Thủ tục điều tra cuối cùng về thiệt hại trong điều tra chống bán phá giá của ITC

21/12/2022 02:11 - 16 lượt xem

Thủ tục điều tra cuối cùng về thiệt hại phức tạp và lâu hơn thủ tục điều tra sơ bộ về vấn đề này rất nhiều (nhắc lại là quá trình điều tra sơ bộ về thiệt hại của ITC được thực hiện khá sơ sài, với chuẩn xem xét tương đối thấp và do đó phần lớn các vụ việc ITC ra kết luận sơ bộ khẳng định có thiệt hại).

 

Thủ tục điều tra cuối cùng về thiệt hại của ITC bao gồm các hoạt động sau:

 

Nhóm Hoạt động 1: Thu thập thông tin về thiệt hại

 

Khác với quá trình điều tra sơ bộ, trong điều tra cuối cùng ITC có đủ thời gian để thực hiện rất kỹ các công đoạn của hoạt động quan trọng này. Bao gồm:

 

(i) Soạn thảo Bảng câu hỏi điều tra

 

Sau khi cán bộ ITC đưa ra Dự thảo Bảng câu hỏi điều tra, các bên có thể đưa ý kiến bình luận về Dự thảo này, vì vậy doanh nghiệp bị đơn có thể tranh thủ cơ hội này để hướng câu hỏi của cán bộ ITC về các vấn đề có lợi cho mình (đặc biệt là phần câu hỏi dành cho khách hàng);

 

(ii) Gửi Bảng câu hỏi điều tra cuối cùng đến cho các bên liên quan

 

Doanh nghiệp bị đơn cần lưu ý các vấn đề sau trong quá trình trả lời Bảng câu hỏi này:

 

- Liên quan đến các câu hỏi về “năng lực sản xuất thực tế”, doanh nghiệp thường có xu hướng trả lời bằng năng lực sản xuất trên lý thuyết của mình (công suất lý thuyết của máy móc) và như thế là đã thổi phồng năng lực thực tế (vì năng suất thực tế thường thấp hơn công suất lý thuyết) và đây lại là điểm bất lợi (bởi cán bộ ITC có thể sẽ đánh giá rằng với năng lực sản xuất lớn như vậy, doanh nghiệp có khả năng gây thiệt hại lớn hơn cho phía Hoa Kỳ);

 

- Liên quan đến các thông tin cung cấp: Doanh nghiệp có xu hướng cung cấp rất ít thông tin về mình trong các câu trả lời (vì không có thời gian, vì không muốn tiết lộ bí mật kinh doanh, vì câu hỏi khó – đòi hỏi nhiều công sức để sắp xếp thông tin trả lời…). Đây là nhận thức sai lầm bởi việc trả lời câu hỏi là rất quan trọng và càng nhiều thông tin chi tiết được đưa vào câu trả lời càng tốt cho doanh nghiệp.

 

Tại sao doanh nghiệp cần trả lời chi tiết Bảng câu hỏi điều tra của ITC?

Trong điều tra chống bán phá giá, việc trả lời Bảng câu hỏi điều tra là hình thức cung cấp thông tin cơ bản và quan trọng. Đối với việc trả lời Bảng câu hỏi điều tra ITC, việc này càng quan trọng hơn bởi:

 

- Đây là cơ hội tốt để đưa các chứng cứ có lợi cho doanh nghiệp vào dữ liệu của cơ quan điều tra, vì vậy càng nhiều thông tin được đưa vào câu trả lời càng tốt;

 

- Các dữ liệu trong câu trả lời Bảng câu hỏi được cán bộ ITC tin tưởng hơn và có sức thuyết phục họ hơn là các lập luận của luật sư hay người tư vấn xuất trình cho cán bộ ITC sau đó;

 

- Trong điều tra thiệt hại, bên nguyên đơn luôn chuẩn bị rất kỹ lưỡng, với rất nhiều dữ liệu về thiệt hại của chính mình, vì vậy nếu doanh nghiệp bị đơn không cung cấp thông tin đầy đủ, thì khả năng thuyết phục sẽ kém hơn rất nhiều và vì vậy nguy cơ thua tại ITC sẽ khó tránh hơn.

 

Nhóm Hoạt động 2: Đánh giá các thông tin thu thập được

 

Hoạt động này bao gồm một loạt các hoạt động cụ thể sau

 

(i) Báo cáo trước phiên điều trần (Pre-hearings staff report)

 

Trên cơ sở các thông tin thu thập được, cán bộ ITC sẽ tóm tắt lại các dữ liệu trong một “Báo cáo trước phiên điều trần”, chủ yếu bao gồm:

 

- Các số liệu (định lượng) thu thập từ các câu trả lời Bảng câu hỏi;

 

- Các chuẩn phân tích mà cán bộ ITC đã sử dụng;

 

- Một số bình luận về các vấn đề mà các bên xác định.

 

Chất lượng của báo cáo này tùy thuộc nhiều yếu tố (kinh nghiệm của cán bộ điều tra với ngành sản xuất liên quan, thời gian mà họ dành cho vụ việc bên cạnh các vụ việc khác mà họ đang phụ trách…). Vì vậy có không ít trường hợp Báo cáo này không hoàn chỉnh và đầy đủ như dự đoán.

 

Báo cáo này được công khai để các bên bình luận.

 

(ii) Các bản lập luận trước phiên điều trần (Pre-hearings briefs)

 

Một tuần sau khi có “báo cáo trước phiên điều trần”, các bên thường trình cho cán bộ ITC các bản lập luận trước phiên điều trần.

 

Thông thường các bên hay tận dụng cơ hội này để trình các bản lập luận rất dài về các lý lẽ của mình dựa trên báo cáo trước phiên điều trần được công khai, các thông tin ghi trong biên bản hành chính và bất kỳ thông tin nào có lợi cho mình. ITC chấp nhận cho các bên được đưa thêm thông tin phụ lục cho các bản lập luận này.

 

(iii) Phiên điều trần (Public hearings)

 

Phiên điều trần được thực hiện sau khi có báo cáo trước phiên điều trần của các cán bộ ITC khoảng 1 tuần.

 

Khác với cuộc họp cán bộ ITC trong giai đoạn điều tra sơ bộ, phiên điều trần có sự tham gia các Ủy viên ITC (cùng với rất nhiều cán bộ phụ tá riêng của mỗi Ủy viên) và cán bộ ITC.

 

Một phiên điều trần thường diễn ra với các nội dung sau:

 

- Trình bày của mỗi bên:

 

Mỗi bên sẽ được dành thời gian như nhau để trình bày. Thường các bên đều cố gắng đưa ra nhân chứng của mình. Những thông tin từ nhân chứng khách hàng là ngành sản xuất có sức thuyết phục hơn và được xem là đáng tin cậy hơn những tuyên bố đơn thuần của các bên (bởi họ thường là người đồng thời mua sản phẩm nhập khẩu và sản phẩm nội địa và vì thế họ có thể cung cấp thông tin tin cậy về tính cạnh tranh của các sản phẩm này trên thị trường).

 

- Phần các Ủy viên ITC đặt câu hỏi cho các bên

 

Đây là phần có ý nghĩa cơ bản trong phiên điều trần. Các câu hỏi của các Ủy viên là nhằm làm rõ lập luận của mỗi bên cũng như kiểm chứng những lập luận của mỗi bên so với các chứng cứ nêu trong hồ sơ.

 

Vì vậy cách hỏi của các Ủy viên là lấy lại các điểm nêu trong bản lập luận của luật sư, chuyển nó thành câu hỏi cho nhân chứng – và trên thực tế rất nhiều trường hợp nhân chứng nói mâu thuẫn với luật sư, do đó doanh nghiệp cần chú ý chuẩn bị tốt để tránh việc này.

 

Phần trả lời của mỗi bên được tính vào thời gian được phép trình bày của bên đó. Vì vậy để tránh mất thời gian (vốn đã rất ít), câu trả lời cần ngắn gọn, trúng vấn đề và rõ ràng.

 

- Việc hỏi qua lại giữa các bên với nhau và đối chứng giữa một bên với nhân chứng của bên kia hầu như không diễn ra trong các phiên điều trần này.

 

(iv) Các bản lập luận sau phiên điều trần (Post-hearings briefs)

 

Sau khi phiên điều trần kết thúc, các bên có thể đệ trình các bản lập luận sau điều trần. Các bản lập luận này chỉ giới hạn ở các các vấn đề được nêu ra trong phiên điều trần và trong các bản lập luận trước phiên điều trần của phía bên kia. Đây là cơ hội để mỗi bên trình bày thêm về những vấn đề chưa có điều kiện nói rõ trong phiên điều trần (đặc biệt là trong việc trả lời hoặc bổ sung thông tin về những vấn đề mà các Ủy viên ITC hoặc cán bộ ITC đặt ra trong phiên điều trần).

 

(v) Báo cáo cuối cùng của cán bộ ITC (Final staff report)

 

Sau khi nhận các bản lập luận sau phiên điều trần của các bên, các cán bộ ITC sẽ soạn thảo “Báo cáo cuối cùng của cán bộ ITC”.

 

Bản này dựa trên báo cáo trước phiên điều trần mà cán bộ ITC đã soạn trước đó nhưng

 

- Có bổ sung thêm nhưng thông tin mới từ phiên điều trần và các bản lập luận của các bên;

 

- Điều chỉnh các sai sót, nếu có;

 

- Có thể có giải trình/trả lời về các lập luận của các bên.

 

Báo cáo này cùng với các bản giải trình bổ sung mà các Ủy viên có thể yêu cầu cán bộ ITC thực hiện thêm sẽ là cơ sở chính để các Ủy viên ITC ra quyết định của mình.

 

Phần nội dung không mật của báo cáo cuối cùng này sẽ được công bố công khai. Tuy nhiên, không nhiều báo cáo kiểu này thực sự có ý nghĩa với các bên liên quan (bởi những nội dung quan trọng hầu hết có liên quan đến tình trạng cụ thể của một vài doanh nghiệp chủ chốt trong ngành sản xuất nội địa hoặc tình hình nhập khẩu vào Hoa Kỳ của doanh nghiệp bị đơn nên sẽ không được công khai).

 

(vi) Bình luận về các số liệu

 

Sau tất cả các hoạt động điều trần và bản lập luận, ITC sẽ chính thức đóng hồ sơ điều tra khoảng 5 ngày sau khi có báo cáo cuối cùng của cán bộ ITC. Một khi hồ sơ đã đóng, các bên sẽ không có quyền đưa thêm bất kỳ thông tin thực tế nào nữa. Lúc này, cơ hội cuối cùng của các bên là bình luận về các thông tin thực tế mới mà cán bộ ITC tập hợp hoặc các bên cung cấp tại các bản lập luận sau phiên điều trần.

 

Đây là cơ hội có ý nghĩa bởi lúc này các vấn đề đã được xác định khá rõ và các bên cũng đã biết đầy đủ về những vấn đề mà họ có cơ hội để thuyết phục các Ủy viên ITC bỏ phiếu theo hướng có lợi cho mình. Vì vậy cần một bản bình luận chặt chẽ, nêu một cách thuyết phục tại sao với các thông tin thực tế như đã có Ủy viên ITC cần bỏ phiếu theo hướng (có lợi cho mình).

 

Nhóm Hoạt động 3: Ủy viên ITC bỏ phiếu

 

Thủ tục cuối cùng của giai đoạn này là ITC bỏ phiếu để xác định xem có hay không thiệt hại đáng kể do việc nhập khẩu hàng hóa liên quan gây ra. Các ủy viên sẽ căn cứ vào báo cáo cuối cùng của các nhân viên ITC tổng hợp các thông tin thu thập được trong quá trình điều tra và các văn bản đệ trình của các bên trong quá trình điều tra.

 

Thủ tục bỏ phiếu này thường được thực hiện khoảng 1 tuần trước thời hạn ITC phải ra kết luận cuối cùng về thiệt hại (để sau đó có đủ thời gian để các Ủy viên có nêu lý do tại sao mình quyết định như vậy và các cán bộ ITC có thể soạn thảo quyết định chính thức của ITC. Việc bỏ phiếu được thực hiện công khai.

 

ITC có 6 thành viên, kết quả bỏ phiếu theo đa số. Trường hợp kết quả bằng nhau thì kết luận cuối cùng của ITC sẽ được coi là “kết luận khẳng định” (có thiệt hại).

 

Chú ý: Nếu DOC kết luận phủ định về bán phá giá thì ITC sẽ ngay lập tức chấm dứt quy trình điều tra cuối cùng của mình và vụ việc xem như chấm dứt luôn.

 

Thực tế

 

Chuẩn xem xét của ITC trong giai đoạn này khắt khe hơn nhiều so với giai đoạn điều tra sơ bộ. Cụ thể nếu như ở giai đoạn điều tra sơ bộ ngành sản xuất nội địa chỉ cần chỉ ra những dấu hiệu hợp lý về thiệt hại và mối quan hệ nhân quả thì ở giai đoạn này họ phải có bằng chứng cụ thể chứng minh về thiệt hại đáng kể hoặc đe dọa thiệt hại đáng kể.

 

Với những chuẩn khắt khe như vậy, có khoảng 30% vụ điều tra đã kết thúc với kết luận cuối cùng phủ định của ITC.

 

Lưu ý đối với doanh nghiệp

 

Quá trình điều tra cuối cùng về thiệt hại có thể xem là cơ hội cuối cùng trong quá trình điều tra gốc để các nhà sản xuất xuất khẩu nước ngoài ngăn chặn việc áp thuế đối với hàng hóa liên quan. Vì vậy doanh nghiệp cần tập trung các nguồn lực thích đáng cho giai đoạn này, đặc biệt khi trước đó DOC đã ra kết luận cuối cùng với biên độ phá giá được xác định ở mức cao.

 

Nỗ lực này rất đáng để thực hiện bởi trên thực tế, như đã biết, khả năng rút hoàn toàn khỏi vụ điều tra bằng kết luận cuối cùng phủ định của ITC là tương đối lớn. Vì vậy doanh nghiệp cần đặc biệt chú ý đến giai đoạn này.

 

Nguồn: Trung tâm WTO và Hội nhập - VCCI

Quảng cáo sản phẩm