Ảnh hưởng của kết luận sơ bộ về thiệt hại của ITC?
24/12/2022 01:22
Theo quy định, trong vụ điều tra chống bán phá giá, ITC chỉ điều tra về thiệt hại nhưng vai trò của cơ quan này lại rất quan trọng. Cụ thể, trong mọi trường hợp (điều tra sơ bộ hay điều tra cuối cùng), nếu ITC có kết luận phủ định về thiệt hại và/hoặc mối quan hệ nhân quả giữa hành vi bán phá giá với thiệt hại (tức là kết luận “không có thiệt hại”, “có thiệt hại nhưng ở mức không đáng kể” hoặc không có mối quan hệ nhân quả giữa hiện tượng hàng nhập khẩu bán phá giá với thiệt hại nói trên) thì cuộc điều tra chống bán phá giá tự động kết thúc (đối với tất cả các nhà sản xuất, xuất khẩu liên quan).
Điều này hoàn toàn khác so với kết luận điều tra của DOC. Ví dụ, nếu DOC kết luận sơ bộ là không có hành vi bán phá giá nhưng ITC kết luận sơ bộ là có thiệt hại thì cuộc điều tra vẫn tiếp tục (ngược lại nếu ITC kết luận sơ bộ là không có thiệt hại thì cuộc điều tra sẽ kết thúc ngay khi ITC có kết luận sơ bộ phủ định này)..
Thực tế
Trong phần lớn các vụ việc, do chuẩn xem xét tương đối thấp, ITC thường đi đến kết luận sơ bộ khẳng định có thiệt hại và có tồn tại mối quan hệ nhân quả giữa hành vi bán phá giá và thiệt hại cho ngành sản xuất nội địa (affirmative injury determination).
Lưu ý đối với doanh nghiệp
Tuy ITC ít khi ra kết luận “phủ định” – không tồn tại thiệt hại và/hoặc không có mối quan hệ nhân quả giữa việc bán phá giá và thiệt hại của ngành sản xuất nội địa (negative injury affirmation) trong giai đoạn điều tra sơ bộ, doanh nghiệp bị đơn vẫn cần có gắng trong giai đoạn này, ít nhất bởi 02 lý do:
- Khả năng thấp nhưng không phải không có (10-20% thắng) và những lợi ích nó mang lại (thoát hoàn toàn khỏi vụ kiện ngay từ giai đoạn đầu, tiết kiệm thời gian, công sức và rất nhiều tiền bạc) có thể đáng để doanh nghiệp thử (trong một số trường hợp, những bằng chứng về thiệt hại đặc biệt thiếu thuyết phục và do đó bên bị kiện vẫn có thể lập luận để ITC ra kết luận sơ bộ phủ định);
- Đây là giai đoạn mà các vấn đề cơ bản trong điều tra thiệt hại của ITC được khoanh vùng, vì vậy doanh nghiệp cần tham gia để đảm bảo hiệu quả kháng kiện của giai đoạn điều tra cuối cùng. Nếu doanh nghiệp không tham gia và để bên nguyên đơn khoanh vùng các vấn đề như họ muốn, việc kháng kiện sẽ khó khăn hơn nhiều.
Lưu ý là ITC sẽ không xác định thiệt hại gây ra do một doanh nghiệp (trong trường hợp có nhiều doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu liên quan) mà là thiệt hại gây ra từ việc nhập khẩu hàng hóa từ một nước xuất khẩu (nhiều nước xuất khẩu trong trường hợp cộng gộp), vì vậy việc kháng kiện liên quan đến vấn đề này cần lưu ý:
- Tăng cường sự tập hợp và hoạch định chiến lược kháng kiện chung giữa các doanh nghiệp (tốt nhất nên thực hiện qua hiệp hội doanh nghiệp của ngành liên quan) nhằm:
+ Tiết kiệm nguồn lực (không trùng lặp công việc); và
+ Tiết kiệm tiền bạc (nếu thuê chung luật sư/người tư vấn)
- Mặc dù ITC thường tính toán thiệt hại cộng gộp (tức là thiệt hại gây ra bởi nhập khẩu hàng hóa liên quan từ tất cả các nước bị kiện), trên thực tế mũi nhọn của nhiều vụ điều tra chỉ hướng tới một/một số nước xuất khẩu trong số các nước xuất khẩu bị kiện; vì vậy việc chứng minh trong giai đoạn này cần tận dụng cơ hội để chứng minh thiệt hại gây ra hoàn toàn không phải do nhập khẩu từ Việt Nam mà là do nhập khẩu từ nước khác (qua việc xem xét tính trùng khớp về thời gian, số lượng nhập khẩu từ các nước khác với thiệt hại được nêu) để thoát khỏi phương pháp cộng gộp bất lợi.
Nguồn: Trung tâm WTO và Hội nhập - VCCI
Các tin khác
- Thuế chống bán phá giá được qui định tại những văn bản nào trong pháp luật Hoa Kỳ? (24/12/2022)
- Biện pháp phòng vệ thương mại ở Hoa Kỳ là gì? (24/12/2022)
- Tính chất của các biện pháp phòng vệ thương mại Hoa Kỳ? (24/12/2022)
- Pháp luật và thực tiễn phòng vệ thương mại Hoa Kỳ bảo vệ ai? (24/12/2022)
- Ai có quyền yêu cầu điều tra chống bán phá giá? (24/12/2022)