Bảng câu hỏi của DOC bao gồm những nội dung gì?

24/12/2022 01:18 - 10 lượt xem

Bảng câu hỏi trong vụ kiện chống bán phá giá thường bao gồm các phần nội dung sau đây:

 

-    Phần A (Section A): Bao gồm các câu hỏi chung về Nhà xuất khẩu và Thực tế bán hàng của họ; Tất cả các doanh nghiệp xuất khẩu đều được trả lời các câu hỏi trong Phần này trong tất cả các trường hợp;


-    Phần B (Section B): Bao gồm các câu hỏi để có thông tin về việc bán hàng tại thị trường nội địa nước xuất khẩu và bán sang các nước khác (ngoài Hoa Kỳ) của Nhà xuất khẩu; Phần này chỉ dành cho nhà xuất khẩu được lựa chọn điều tra (còn gọi là bị đơn bắt buộc) trong các trường hợp nền kinh tế thị trường (Bị đơn Việt Nam không phải trả lời phần này);


-    Phần C (Section C): Bao gồm các câu hỏi về việc bán hàng sang Hoa Kỳ của Nhà xuất khẩu; Phần này chỉ dành cho nhà xuất khẩu được lựa chọn điều tra trong tất cả các trường hợp;


-    Phần D (Section D): Bao gồm các câu hỏi để thu thập thông tin về chi phí thực tế để sản xuất ra sản phẩm bị điều tra; Phần này chỉ dành cho nhà xuất khẩu được lựa chọn điều tra trong một số trường hợp nhất định;


-    Phần E (Section E): Bao gồm các câu hỏi để thu thập thông tin về chi phí suy đoán để sản xuất sản phẩm bị điều tra; Phần này chỉ dành cho nhà xuất khẩu được lựa chọn điều tra trong một số trường hợp nhất định (Bị đơn Việt Nam không phải trả lời phần này do thông tin này không được sử dụng trong trường hợp nước bị điều tra là nền kinh tế phi thị trường).

 

Bộ Thương mại Hoa Kỳ (cơ quan điều tra và xác định biên độ phá giá) sử dụng các thông tin trả lời Bảng câu hỏi này của từng công ty để tiến hành so sánh “giá Mỹ” (giá xuất khẩu hàng hóa liên quan sang Hoa Kỳ) với “giá hàng hóa tại thị trường nước xuất khẩu” hoặc “giá thông thường”, từ đó xác định liệu có tồn tại hiện tượng bán phá giá hay không.

 

Lưu ý đối với doanh nghiệp

 

Về nguyên tắc, DOC sẽ xây dựng một Bảng câu hỏi riêng cho từng vụ kiện (phù hợp với loại hàng hóa bị kiện và nước xuất khẩu bị kiện). Tuy nhiên, có những câu hỏi cơ bản tồn tại trong Bảng câu hỏi của tất cả các vụ kiện. Các doanh nghiệp có thể tham khảo Mẫu Bảng Câu hỏi của DOC trên trang web của DOC tại địa chỉ www.ita.doc.gov, mục “Find a form”.

 

Trả lời Bảng câu hỏi được xem là một trong những phần việc quan trọng nhưng cũng khó khăn nhất trong quá trình theo kiện chống bán phá giá tại Hoa Kỳ. Nó quan trọng bởi thông tin trả lời từ các Bảng câu hỏi có ảnh hưởng lớn đến biên độ phá giá và mức thuế chống bán phá giá được xác định cho doanh nghiệp sau đó. Nó khó khăn bởi Bảng câu hỏi bao gồm rất nhiều câu hỏi, và các câu hỏi thường chi tiết, luôn yêu cầu những diễn giải kèm theo cũng như các bằng chứng cho các nội dung, thông tin trả lời câu hỏi đó. Những nội dung trả lời cũng thường đòi hỏi nhiều thông tin mà không phải doanh nghiệp nào cũng lưu trữ theo các tiêu chí yêu cầu; bằng chứng không phải lúc nào cũng sẵn có; thời hạn để thu thập thông tin và tìm kiếm bằng chứng cho Bảng câu hỏi lại rất ngắn. Doanh nghiệp cần sự hỗ trợ của luật sư tư vấn để có thể trả lời Bảng câu hỏi trung thực, chính xác mà vẫn đảm bảo có lợi nhất cho doanh nghiệp.

 

Về kỹ năng trả lời Bảng câu hỏi, doanh nghiệp cần lưu ý đảm bảo:

 

-    Trả lời trung thực, đúng, đủ và thống nhất (logic) (với kỹ năng phân tích được rèn luyện qua nhiều vụ việc, và các chương trình phần mềm chuyên dụng, các cán bộ DOC có thể nhanh chóng phát hiện ra các trả lời gian lận; doanh nghiệp gian lận sẽ bị xem là không hợp tác và sẽ bị DOC áp dụng “thông tin sẵn có” – mà chủ yếu là thông tin do phía nguyên đơn đưa ra, rất bất lợi cho kết quả tính toán);


-    Chuẩn bị đầy đủ bằng chứng cho các thông tin đã nêu trong phần trả lời Bảng câu hỏi (chủ yếu bằng văn bản sổ sách kế toán kèm theo);


-    Trường hợp doanh nghiệp có lý do chính đáng để xin gia hạn việc trả lời Bảng câu hỏi thì có thể cân nhắc làm đơn xin gia hạn (trước khi kết thúc thời hạn theo quy định);


-    Việc gửi Bảng câu hỏi đã được trả lời được thực hiện theo đúng quy định của DOC (bởi thủ tục gửi đi tương đối phức tạp và không phải dễ đáp ứng nếu không có luật sư tư vấn, ví dụ phải gửi đến cho tất cả các bên liên quan thông qua luật sư của họ, phải có bản tự xác nhận đã gửi…).

 

Gửi bảng câu hỏi là cách thu thập thông tin chủ yếu của DOC. Cụ thể, DOC sẽ gửi các bản yêu cầu cung cấp thông tin hoặc bảng câu hỏi đến các nhà sản xuất, xuất khẩu nước ngoài... có liên quan.

 

Các bảng câu hỏi này thường là rất dài vàphức tạp. Người nhận thường chỉ có thời hạn 30 ngày (có thể có gia hạn trong một số trường hợp) để trả lời tất cả các câu hỏi nêu trong đó. Trường hợp có quá nhiều nhà sản xuất, xuất khẩu hoặc nhập khẩu liên quan thì DOC có thể chỉ gửi bảng hỏi đến các chủ thể được lựa chọn.

 

Nếu DOC cho rằng các câu trả lời mà họ nhận được chưa thoả đáng thì DOC sẽ thông báo về việc này cho các chủ thể liên quan. Các chủ thể này có thể bổ sung thêm các thông tin trong thời hạn do DOC qui định hoặc giải thích lý do về sự không thoả đáng này.

 

Theo qui định, DOC phải tính đến những khó khăn mà các bên, đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ của các nước đang phát triển, gặp phải khi cung cấp thông tin cho DOC trong các quyết định của mình (ví dụ quyết định gia hạn thời hạn trả lời, các yêu cầu đối với các câu trả lời...). DOC có trách nhiệm phải cung cấp những hỗ trợ hợp lý nếu có thể để giảm bớt khó khăn cho các bên liên quan. Thực tế cho thấy các công ty bị đơn hầu hết đều cảm thấy khó khăn trước bảng câu hỏi rắc rối mà họ nhận được từ DOC mà cơ quan này thì không mấy mặn mà trong việc "giúp đỡ" các bị đơn như luật định.

 

Nguồn: Trung tâm WTO và Hội nhập - VCCI

Quảng cáo sản phẩm