Biện pháp tạm thời được áp dụng như thế nào?

24/12/2022 12:59 - 3 lượt xem

Biện pháp tạm thời chỉ được áp dụng nếu cả ITC và DOC đều kết luận sơ bộ khẳng định có việc bán phá giá và có thiệt hại đáng kể gây ra bởi hiện tượng nhập khẩu hàng hóa bị bán phá giá này vào Hoa Kỳ. Như vậy nếu DOC kết luận phủ định về bán phá giá mà ITC kết luận khẳng định về thiệt hại thì vụ điều tra sẽ vẫn được tiếp tục mà sẽ không có biện pháp tạm thời nào được áp dụng cả.

 

Biện pháp tạm thời thực chất là thuế chống bán phá giá tạm thời với mức thuế bằng biên độ phá giá được xác định trong điều tra sơ bộ của DOC và thời điểm áp dụng là kể từ ngày kết luận sơ bộ của DOC được đăng trên Công báo. Theo quy định của WTO (mà Hoa Kỳ buộc phải tuân thủ), biện pháp tạm thời không kéo dài quá 4 tháng (trường hợp gia hạn cũng không được quá 6 tháng) và trường hợp biên độ phá giá trong kết luận chính thức thấp hơn hoặc không có thì khoản ký quỹ đã nộp sẽ được hoàn trả tương ứng với phần chênh lệch giữa biên độ phá giá tại kết luận cuối cùng và kết luận sơ bộ.

 

Tuy nhiên, nếu bên nguyên đơn thuyết phục được cả ITC và DOC rằng tồn tại “tình hình nghiêm trọng” trong vụ việc liên quan thì biện pháp tạm thời có thể bị áp dụng hồi tố, tức là biện pháp này sẽ có hiệu lực cả đối với các lô hàng liên quan nhập khẩu vào Hoa Kỳ trong 90 ngày liền trước ngày công bố kết luận sơ bộ.

 

Thực tế

 

Trên thực tế, tuyên bố có “tình hình nghiêm trọng” (crucial circumstance) là tương đối phổ biến trong thực tiễn điều tra chống bán phá giá của Hoa Kỳ. Và bởi vì quyết định về vấn đề này có ý nghĩa quan trọng (ngay cả khi kết luận sơ bộ của DOC là “phủ định”, tức là không có biện pháp tạm thời nào bị áp dụng thì việc xác định có tồn tại “tình hình nghiêm trọng” cũng sẽ khiến cho kết luận cuối cùng và quyết định áp thuế chính thức có thể có giá trị áp dụng hồi tố) nên thực tiễn này được xem là rất bất lợi cho các nhà sản xuất, xuất khẩu nước ngoài.

 

Phía nguyên đơn có thể nêu ra vấn đề này để yêu cầu DOC và ITC xem xét vào bất kỳ giai đoạn nào của vụ điều tra (muộn nhất là 21 ngày trước khi ra kết luận cuối cùng). Trên thực tiễn, phổ biến nhất vẫn là những cáo buộc về “tình hình nghiêm trọng” xuất hiện ngay trong đơn kiện (bởi nếu được chấp nhận, bên nguyên đơn sẽ đạt được mục tiêu áp thuế sớm hơn).

 

Lưu ý đối với doanh nghiệp

 

Mặc dù không phải là yếu tố điều tra chính nhưng vấn đề xác định “tình hình nghiêm trọng” trong một vụ điều tra có thể ảnh hưởng tương đối đến lợi ích của bên bị đơn (chủ yếu ở việc thời hạn áp thuế sẽ bị kéo dài thêm khoảng 90 ngày nữa so với trường hợp không có “tình hình nghiêm trọng”). Vì vậy các doanh nghiệp cũng cần đặc biệt chú ý chứng minh các yếu tố liên quan để thuyết phục DOC và ITC rằng không tồn tại “tình hình nghiêm trọng” trong vụ việc của mình.

 

Tiêu chí đánh giá “tình hình nghiêm trọng” của DOC

 

Hai tiêu chí để DOC đánh giá “tình hình nghiêm trọng” khi quyết định áp dụng hồi tố biện pháp tạm thời trong vụ điều tra chống bán phá giá bao gồm:

 

- Có tồn tại tiền sử phá giá (ở Hoa Kỳ hoặc một nước nào đó) hoặc Nhà nhập khẩu biết rằng mình đang mua hàng bị bán phá giá (DOC sẽ suy đoán là điều kiện này được thỏa mãn nếu biên độ phá giá được xác định trong kết luận sơ bộ là trên 20%)

 

- Có hiện tượng nhập khẩu ồ ạt trong một thời gian ngắn vào Hoa Kỳ: Để xem xét tiêu chí này, DOC sẽ phân tích cách thức mà hàng nhập khẩu liên quan chiếm lĩnh thị trường Hoa Kỳ và các phương thức nhập khẩu trong quá khứ (thường với mức tăng trên 15% trong khoảng thời gian liền trước đơn kiện là có thể coi như “nhập khẩu ồ ạt”)

 

Tiêu chí đánh giá “tình hình nghiêm trọng” của ITC

 

ITC xác định “tình hình nghiêm trọng” dựa trên việc xem xét xem liệu có cần thiết áp dụng hồi tố biện pháp tạm thời để ngăn chặn việc thiệt hại tái diễn không. Để xem xét điều này, ITC sẽ cân nhắc nhiều yếu tố trong đó có:

 

- Tình hình của ngành sản xuất nội địa liên quan của Hoa Kỳ như thế nào?

 

- Có hiện tượng nhập khẩu ồ ạt ngay trước khi có kết luận sơ bộ của DOC để tránh thuế không? và

 

- Liệu việc nhập khẩu ồ ạt nói trên có gây ra những ảnh hưởng tiêu cực trên thị trường khi thuế chống bán phá giá được áp dụng không?

Nguồn: Trung tâm WTO và Hội nhập - VCCI

Quảng cáo sản phẩm