Các bên có quyền kháng kiện đối với lệnh áp thuế chống bán phá giá không?

24/12/2022 12:06 - 1 lượt xem

Pháp luật Hoa Kỳ cho phép khởi kiện bất kỳ quyết định hành chính nào của cơ quan hành chính ra các Tòa án thích hợp (tùy thuộc loại quyết định hành chính). Các thủ tục và kết luận điều tra chống bán phá giá (mà về bản chất là các loại quyết định hành chính do DOC hoặc ITC ban hành) cũng không phải là ngoại lệ. Cụ thể, nếu ngành sản xuất nội địa Hoa Kỳ hoặc nhà sản xuất xuất khẩu nước ngoài trong một vụ kiện chống bán phá giá của Hoa Kỳ không đồng ý hoặc không thỏa mãn với các kết quả trong quá trình điều tra chống bán phá giá có thể khởi kiện ra Tòa.

 

Tòa án có thẩm quyền trong các trường hợp này là Tòa án Thương mại Quốc tế Hoa Kỳ.

 

Vấn đề có thể bị khiếu kiện ra Tòa là:

 

-    Các vấn đề liên quan đến quyền tố tụng trong quá trình điều tra chống bán phá giá (ví dụ quyền tiếp cận thông tin, quyền được giải trình, quyền giữ bí mật kinh doanh…);


-    Các vấn đề liên quan đến các thủ tục tố tụng (đặc biệt là các thủ tục công khai hóa và tiếp nhận các bình luận của các bên);


-    Các tiêu chí được sử dụng để xem xét, ra kết luận (bao gồm cả các phương pháp tính toán và các phương pháp điều tra khác)


-    Kết luận sơ bộ/cuối cùng


-    Quyết định áp dụng biện pháp tạm thời


-    Lệnh áp dụng thuế chống bán phá giá chính thức

 

Tòa án Thương mại Quốc tế Hoa Kỳ (CIT) chỉ xem xét các khía cạnh pháp lý (legal issues) của các vấn đề mà không xem xét các khía cạnh thực tế của chúng. Nói cách khác, chỉ những lập luận liên quan đến các tiêu chí, phương pháp mà DOC và ITC đã sử dụng, hoặc việc áp dụng các quy định pháp lý của các cơ quan này mới được chấp thuận xem xét. Những lập luận liên quan sự tồn tại hay không tồn tại của một yếu tố, chứng cứ, sự kiện thực tế sẽ không được xem xét trong quá trình này.

 

Pháp luật Hoa Kỳ có quy định cụ thể và tương đối khắt khe về các thời hạn tố tụng của quá trình kháng kiện ra CIT mà các bên kháng kiện phải tuân thủ.

 

Lưu ý đối với doanh nghiệp

 

Thời hạn cho các bước tố tụng tại CIT rất ngắn, vì vậy các bên nếu muốn khởi kiện cần phải hết sức lưu ý đáp ứng. Cụ thể:

 

-    Trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày lệnh áp thuế chống bán phá giá được đăng trên Công báo Liên bang, bên muốn khởi kiện phải nộp thông báo kháng kiện lên CIT. Văn bản này tương đối ngắn, đơn giản, chỉ là một hình thức thông báo với các bên liên quan khác rằng sẽ có một vụ kháng kiện ra ITC. Vì vậy các doanh nghiệp cần lưu ý nộp văn bản này trong đúng thời hạn (mà chưa cần phải có đầy đủ các lập luận cần thiết).;


-    Trong thời hạn 60 ngày kể từ ngày lệnh áp thuế chống bán phá giá được đăng trên Công báo Liên bang, bên đã nộp thông báo kháng kiện phải trình Đơn kiện chính thức trong đó nêu rõ các vấn đề kháng kiện cụ thể. Văn bản này cũng chưa cần quá chi tiết nhưng ít nhất phải khái quát được các căn cứ/lập luận kháng kiện quyết định liên quan của DOC và/hoặc ITC.

 

Nguồn: Trung tâm WTO và Hội nhập - VCCI

Quảng cáo sản phẩm