Doanh nghiệp cần chuẩn bị nguồn lực như thế nào cho việc kháng kiện?

21/12/2022 05:09 - 3 lượt xem

Chuẩn bị nguồn lực vật chất

 

Kháng kiện một vụ kiện chống bán phá giá ở Hoa Kỳ là quá trình dài và rất tốt kém. Cụ thể để kháng kiện có hiệu quả doanh nghiệp cần các khoản chi phí:

 

- Chi phí thuê luật sư tư vấn; phí tư vấn của luật sư là một khoản không hề nhỏ, nếu không nói là rất lớn.

 

- Chi phí cho các hoạt động kháng kiện cụ thể (đặc biệt là việc tập hợp thông tin, xử lý thông tin theo yêu cầu, cung cấp thông tin, dịch thuật…);

 

- Chi phí cho việc đi lại, ăn ở, tham gia vào các quy trình kháng kiện ở Hoa Kỳ, vốn rất đắt đỏ;

 

Nếu doanh nghiệp kháng kiện không chuẩn bị đủ tiền (hoặc không dám quyết định bỏ ra một khoản tiền lớn) cho việc kháng kiện (mà chủ yếu là thuê luật sư) thì khả năng lớn là họ sẽ phải chịu các kết quả bất lợi (mức thuế suất cao). Tiếc rằng đây lại là tình trạng rất phổ biến đối với các doanh nghiệp Việt Nam với quy mô vốn nhỏ bé và hầu như không có trích lập quỹ cho những rủi ro pháp lý trong quá trình kinh doanh nói chung và cho những vụ kiện như thế này nói riêng. Vì vậy, để tránh việc ngay lập tức phải huy động một số tiền quá lớn, các doanh nghiệp xuất khẩu thuộc nhóm có nguy cơ được khuyến cáo nên trích lập một quỹ riêng cho việc này từ lãi ròng hàng năm.

 

Ngoài ra, cần lưu ý rằng số tiền cho vụ việc có thể là rất lớn nhưng không phải huy động ngay một lúc (nhiều trường hợp luật sư tính phí theo từng giai đoạn, công việc thực hiện). Hơn nữa, cũng có trường hợp có thể đàm phán với luật sư để hưởng một số dịch vụ miễn phí hoặc với phí ưu đãi. Ngoài ra, nhiều trường hợp luật sư có thể tính mức phí thấp với điều kiện có nhiều doanh nghiệp cùng tham gia thuê luật sư. Vì vậy các doanh nghiệp có thể bình tĩnh để huy động nguồn lực này với mục tiêu cuối cùng là làm sao để kháng kiện tốt nhất, giữ được thị trường Hoa Kỳ và duy trì được cạnh tranh tại thị trường quan trọng này.

 

Chuẩn bị nguồn lực con người

 

Mặc dù đã thuê luật sư, các doanh nghiệp vẫn phải dành một nguồn nhân lực đáng kể cho việc kháng kiện mà cụ thể là việc phục vụ cung cấp thông tin theo đề xuất của luật sư hoặc theo yêu cầu của cơ quan điều tra. Luật sư không thể làm thay công việc của các nhân sự công ty. Vì vậy việc có nhân sự phù hợp cho việc kháng kiện là rất quan trọng.

 

Nhân sự phù hợp cho việc kháng kiện ít nhất phải bao gồm các chức danh sau:

 

Lãnh đạo cao cấp của doanh nghiệp

 

Kháng kiện trong vụ kiện chống bán phá giá là một quá trình rất phức tạp, có liên quan đến rất nhiều các bộ phận khác nhau trong doanh nghiệp. Làm thế nào để kết nối các bộ phận này, để lấy thông tin phục vụ việc kháng kiện từ những người mà công việc của họ vốn không có liên quan đến kiện tụng nên không thấy có trách nhiệm phải hợp tác, hoặc họ đã quá bận với việc chuyên môn nên không muốn hợp tác, hoặc họ là công ty con, hạch toán độc lập nên không thấy lý do tại sao phải tham gia cùng? Trong những trường hợp như vậy, chỉ có người có chức trách cao trong doanh nghiệp mới có đủ uy tín và thẩm quyền để yêu cầu những bộ phận này tham gia.

 

Ngoài ra, việc kháng kiện đòi hỏi doanh nghiệp phải cung cấp một lượng thông tin lớn và cực kỳ chi tiết về hoạt động kinh doanh, tài chính của doanh nghiệp, những thông tin mà thường doanh nghiệp giữ bí mật và không có thông lệ chia sẻ cho bất kỳ ai bên ngoài. Nếu không có lãnh đạo cấp cao của doanh nghiệp tham gia vào việc này và kịp thời cho phép cung cấp, công khai hoặc chia sẻ thông tin thì sẽ không thể xử lý được vấn đề theo đúng yêu cầu kháng kiện.

 

Vì vậy, “nhóm đặc nhiệm” cho việc kháng kiện trong doanh nghiệp nhất định phải có ít nhất một lãnh đạo cao cấp trong doanh nghiệp.

 

Cán bộ doanh nghiệp phụ trách việc bán sản phẩm liên quan

 

Xét từ góc độ lợi ích, cán bộ phụ trách việc bán sản phẩm bị điều tra vào thị trường Hoa Kỳ là người có lợi ích lớn nhất trong việc giữ thị trường Hoa Kỳ và vì thế cần phải tham gia vào việc kháng kiện để làm được điều này.

 

Trong “nhóm đặc nhiệm kháng kiện” của doanh nghiệp, cán bộ phụ trách thị trường Hoa Kỳ có vai trò quan trọng bởi người này được suy đoán là có hiểu biết đầy đủ nhất về cung cách bán hàng cũng như cạnh tranh tại thị trường Hoa Kỳ đối với mặt hàng liên quan và vì thế có khả năng cung cấp cho luật sư các thông tin quan trọng để luật sư chuẩn bị phương án và hồ sơ kháng kiện hiệu quả. Cán bộ bán hàng cũng là người hiểu về thực tiễn bán hàng sang thị trường Hoa Kỳ của doanh nghiệp và vì vậy có thể trả lời hầu hết các câu hỏi trong Bảng câu hỏi điều tra phần liên quan đến hoạt động xuất khẩu sang Hoa Kỳ.

 

Lưu ý: Mặc dù có vai trò quan trọng trong quá trình kháng kiện, bản thân cán bộ phụ trách bán hàng không thể tự mình thực hiện việc kháng kiện của doanh nghiệp bởi họ không có kiến thức chuyên môn về kế toán cũng như sổ sách kế toán để xác minh tính chính xác của các câu trả lời cho Bảng câu hỏi điều tra gửi DOC. Ví dụ khi xác định giá xuất khẩu, cán bộ phụ trách bán hàng có thể cung cấp thông tin để trả lời cho phần câu hỏi về giá bán hàng nhưng lại không có chuyên môn kế toán để xác minh tính chính xác của thông tin đó. Một ví dụ khác: khi xác định giá thông thường “tính toán”, cán bộ bán hàng có thể biết thông tin về giá hàng hóa nhưng lại không biết thông tin về cơ cấu giá (làm thế nào mà ra được giá bán đó, nó bao gồm những chi phí gì, phân bổ ra sao…) cũng như không biết dẫn chiếu các chi phí thành phần đến các sổ sách ghi chép kế toán tương ứng. Vì vậy, doanh nghiệp không nên “liều lĩnh” chỉ sử dụng cán bộ phụ trách bán hàng sang Hoa Kỳ để cung cấp thông tin kháng kiện, kể cả những thông tin chỉ liên quan đến việc bán hàng sang Hoa Kỳ mà phải cùng lúc kết hợp và xác minh thông tin từ các cán bộ khác.

 

Cán bộ phụ trách kế toán

 

Cán bộ phụ trách kế toán là thành phần không thể thiếu của “nhóm đặc nhiệm kháng kiện” của doanh nghiệp. Cán bộ kế toán bao gồm hai bộ phận (i) cán bộ kế toán tài chính và (ii) cán bộ kế toán chi phí.

 

Trong “nhóm đặc nhiệm kháng kiện”, cán bộ kế toán tài chính, với chuyên môn kế toán của mình, đóng vai trò bổ trợ cho cán bộ phụ trách bán hàng trong việc cung cấp và xác minh thông tin về việc bán hàng và giá bán hàng sang Hoa Kỳ.

 

Cán bộ kế toán chi phí chỉ tham gia vào “nhóm đặc nhiệm” trong những trường hợp mà DOC sử dụng phương pháp “tính toán giá” thay vì lấy giá thực tế. Chỉ cán bộ kế toán chi phí mới nắm vững được phương pháp và hệ thống tính toán chi phí sản xuất để chuẩn bị các thông tin về chi phí phục vụ việc điều tra. Đối với trường hợp của Việt Nam (bị coi là nền kinh tế phi thị trường đến hết 2018), phương pháp “tính toán giá” luôn luôn được DOC sử dụng và vì vậy sự tham gia tích cực vào quá trình kháng kiện của cán bộ kế toán chi phí là cần thiết và có ý nghĩa quan trọng. Ngoài ra, cần lưu ý rằng thông lệ gần đây của DOC cho thấy cơ quan này sử dụng phương pháp tính toán giá trong phần lớn các vụ việc (dù nước xuất khẩu có được công nhận là nền kinh tế thị trường hay không), vì vậy dù Việt Nam được Hoa Kỳ công nhận là nền kinh tế thị trường hay từng doanh nghiệp được DOC công nhận là hoạt động theo quy chế thị trường thì khả năng bị sử dụng phương pháp “tính toán giá” vẫn là rất lớn. Vì vậy tốt nhất là doanh nghiệp cần huy động cán bộ kế toán chi phí tham gia ngay từ đầu quá trình kháng kiện này.

 

Trên đây là 03 thành phần nhân sự nội bộ không thể thiếu trong “nhóm đặc nhiệm kháng kiện” của doanh nghiệp. Việc doanh nghiệp thuê luật sư tư vấn (hoặc chuyên gia tư vấn khác) bên ngoài là cần thiết để có thể tham gia đầy đủ, đúng thủ tục và có chiến lược phù hợp cho vụ kiện. Nhưng luật sư sẽ không thể làm gì nếu không được các nhân sự nội bộ này cung cấp đầy đủ và kịp thời các thông tin cần cho quá trình kháng kiện.

 

Lưu ý rằng “nhóm đặc nhiệm này” không chỉ cần có kiến thức chuyên môn và kiến thức về thực tiễn kinh doanh của doanh nghiệp để có thể cung cấp các thông tin cần thiết mà còn phải có hiểu biết cơ bản về bản chất của việc kháng kiện và các phương pháp tính toán chính mà cơ quan điều tra sử dụng để (i) hiểu được tầm quan trọng của việc tham gia kháng kiện và trách nhiệm của mình đối với hiệu quả công việc kháng kiện nói chung và (ii) cung cấp các thông tin chính xác, phù hợp với yêu cầu. Nói một cách khác, họ chỉ có thể tham gia kháng kiện hiệu quả nếu hiểu chính xác được tại sao họ phải làm vậy, và ảnh hưởng của công việc mà họ thực hiện đối với quy trình kháng kiện nói riêng và tương lai kinh doanh của doanh nghiệp nói chung. Do đó, việc đào tạo cơ bản về kiện chống bán phá giá đối với các đối tượng này là cần thiết./

 

Kinh nghiệm kháng kiện vụ tôm của một doanh nghiệp thủy sản

 

“Chúng tôi phải chuẩn bị dữ liệu để trả lời các câu hỏi điều  tra bằng văn bản rất nhiều, rất dài của Bộ Thương mại Mỹ (DOC). Vì là một trong bốn bị đơn bắt buộc điều tra của DOC, nên ngoài việc phải trả lời về mục A (tính riêng lẻ, độc lập, không nhận hỗ trợ từ Chính phủ như tất cả các doanh nghiệp tham gia vụ kiện), chúng tôi còn phải trả lời thêm mục C và D (về chi phí, giá thành sản xuất). Đây là khoản khai báo vất vả nhất mà chúng tôi phải làm trong suốt vụ kiện...

 

Chúng tôi đã phải tập trung nhân sự của công ty để cùng nhóm luật sư của Công ty Luật Willkie Farr & Gallager của Mỹ (được Ủy ban Tôm VASEP thuê để bảo vệ các doanh nghiệp Việt Nam) gấp rút chuẩn bị mọi dữ liệu để tiếp đoàn thẩm tra của DOC vào tháng 9-2004. Tuy nhiên, do chúng tôi và cả phía công ty luật đều lần đầu tham gia vụ kiện bán phá giá tôm, vừa phức tạp, vừa kéo dài, nên không tránh khỏi nhiều bỡ ngỡ, hiệu quả công việc lúc đầu không cao, thậm chí có lúc xảy ra căng thẳng do mỗi bên nhận thức về phương pháp làm việc khác nhau.

 

Sự căng thẳng đó không phải là cuộc đối đầu giữa một bên cố tìm và một bên cố giấu, mà do cách tính toán chi phí sản xuất của các doanh nghiệp Việt Nam không phù hợp với chuẩn chung của quốc tế. Vì vậy, trong quá trình hợp tác với công ty luật, chúng tôi có cảm giác như mình đang bị hạch hỏi quá mức.

 

Cách làm của công ty luật là mọi cái đều phải có hệ thống, mọi chứng từ dù là bản nháp, sổ tay theo dõi, hay một biên nhận viết tay cũng đều có giá trị chứng minh, thẩm định chuyện không bán phá giá. Có trường hợp nhóm luật sư cho mời một cô thư ký đã nghỉ cách đó năm tháng đến để xác nhận những chứng từ, số liệu, thậm chí nhận dạng cả nét chữ để khẳng định tính chính xác của chứng từ. Một thùng tôm lớn có bao nhiêu thùng nhỏ, có mấy túi nylon, mấy cọng dây, mấy tờ decal, mấy tấm nhãn, kích cỡ ra sao, bao nhiêu bao bì đi Mỹ, bao nhiêu bao bì đi Nhật Bản, chi phí cho một triệu thùng là bao nhiêu, tỷ lệ hư hao là bao nhiêu để đối chiếu lại tổng lượng tiền mà doanh nghiệp khai báo chi phí cho bao bì, đóng gói... Số liệu phải đầy đủ, rõ ràng theo từng năm... Họ cứ hỏi và hỏi cho đến khi ra con số tin cậy mới thôi.

 

Chuyện bao bì đã vậy, việc điều tra về tiền lương và giá thành sản phẩm càng phức tạp và mất khá nhiều thời gian. Chúng tôi đã huy động đến ba mươi người để cùng với nhóm luật sư sáu người, trong đó có hai luật sư Mỹ, làm việc thường là 14 giờ mỗi ngày, liên tục trong nhiều ngày và nhiều đợt, có đợt kéo dài gần hai tháng. Đêm về tôi còn phải thức đến một hai giờ sáng để rà soát lại công việc vừa làm, và chuẩn bị cho ngày làm việc căng thẳng tiếp theo. Giỏi chịu đựng cường độ làm việc cao như các luật sư Mỹ còn chịu không nổi trong mấy ngày cuối, một luật sư Mỹ đang làm chợt gục đầu xuống bàn ngủ ngon lành cả 15 phút, rồi giật mình thức dậy, xin lỗi và tiếp tục làm...

 

Sau suốt ba tháng làm việc căng thẳng, chúng tôi đã đạt được kết quả đáng khích lệ để trở thành bị đơn đầu tiên chứng minh một cách rõ ràng, thuyết phục việc không bán phá giá tôm vào Mỹ trong cuộc thẩm tra trực tiếp kéo dài năm ngày của DOC...

 

Và thật khó tả sự vui mừng khi chúng tôi nhận được kết quả phán quyết cuối cùng của DOC với mức thuế bình quân chỉ trên 4% vào rạng sáng ngày 31-11-2004 (dự kiến khoảng 10%). Cả nhóm luật sư Mỹ nhảy cẫng lên, ca hát, múa may và ôm chầm lấy chúng tôi để chia sẻ sự thành công ngoài mong đợi của cả hai bên.

 

Người đầu tiên gọi điện cho chúng tôi hay là một khách hàng Mỹ, kế tiếp là bạn bè thông tin cho nhau, khác với đêm 6-7-2004 không ngủ vì bị phán quyết sơ bộ của DOC áp mức thuế cao, chúng tôi đã có một đêm 31-11 không ngủ trong sự vui mừng. Thực vậy, ngay trong đêm đó nhiều doanh nghiệp thủy sản Việt Nam đã nhận được nhiều lời chào hàng hấp dẫn từ thị trường Mỹ và Nhật Bản... Giá tôm nguyên liệu đã vọt lên liên tục từ 90.000 đồng/ki-lô-gam lên 110.000 đồng loại 30 con/ki-lô-gam...”

 

Trích “Căng thẳng con tôm hầu kiện” Thời báo kinh tế Sài Gòn

 

Nguồn: Trung tâm WTO và Hội nhập - VCCI

Quảng cáo sản phẩm