DOC lựa chọn nước thay thế nào trong các vụ kiện chống bán phá giá đối với hàng hóa Việt Nam?

23/12/2022 04:01 - 2 lượt xem

Theo quy định, nước thứ ba để lấy giá trị thay thế (gọi là nước thay thế) chỉ được lựa chọn nếu nước đó đáp ứng đủ các điều kiện:

 

-    Là nước có nền kinh tế thị trường;


-    Là nước ở mức độ phát triển tương ứng với nước xuất khẩu đang bị điều tra; và


-    Có dữ liệu tốt để xác định các giá trị thay thế

 

Nếu DOC không xác định được một nước thứ ba nào đáp ứng đủ những đòi hỏi trên (ví dụ không có nước nào ngoài nước xuất khẩu sản xuất mặt hàng đó) thì DOC sẽ xác định giá thông thường dựa trên giá của một loại sản phẩm có thể so sánh được với sản phẩm bị điều tra, được sản xuất tại một nước có nền kinh tế thị trường ở mức độ phát triển có thể so sánh được với nước xuất khẩu liên quan và đang được bán tại các nước khác, kể cả Hoa Kỳ.

 

Việc lựa chọn nước thay thế nào là quyết định của DOC, tuy nhiên các bên nguyên đơn và bị đơn có quyền nộp các bản bình luận về đề xuất lựa chọn của DOC trước khi cơ quan này đi đến quyết định cuối cùng về nước thay thế.

 

Đối với Việt Nam, thông lệ ở các vụ kiện đã từng xảy ra cho thấy DOC thường chọn Bangladesh làm nước thay thế cho Việt Nam để xác định giá thay thế.

 

Phương pháp tính toán đối với NME có thể gây ra những bất lợi gì cho phía các doanh nghiệp xuất khẩu bị đơn?

 

Việc sử dụng giá cả tại một nước thứ ba thay thế khi xác định giá thông thường đối với hàng hoá nhập khẩu từ một nước có nền kinh tế phi thị trường có thể đem đến nhiều bất lợi cho các nhà sản xuất, xuất khẩu liên quan, ví dụ:

 

-    Không thể có nước nào có điều kiện sản xuất, hoàn cảnh kinh doanh thương mại và giá cả hoàn toàn giống Việt Nam, vì thế giá thay thế được sử dụng có thể khác xa giá cả tại Việt Nam;
 

-    Rất có thể các nhà sản xuất sản phẩm tương tự tại nước thay thế là những đối thủ cạnh tranh của các nhà sản xuất Việt Nam đang bị điều tra và vì thế họ có thể khai báo mức giá dẫn tới kết quả bất lợi cho những nhà sản xuất Việt Nam.

 

Việc bị xem là nền kinh tế phi thị trường và bị áp dụng giá trị thay thế thay vì lấy chính chi phí thực của mình khiến các doanh nghiệp Việt Nam dễ bị thiệt hơn trong các vụ kiện chống bán phá giá (do giá trị thay thế thường cao dẫn tới Giá thông thường cao và biên độ phá giá cũng như mức thuế chống bán phá giá áp dụng cũng bị đội lên).

 

Nguồn: Trung tâm WTO và Hội nhập - VCCI

Quảng cáo sản phẩm