DOC tính Giá Xuất khẩu như thế nào?

24/12/2022 11:31 - 2 lượt xem

Khác với trường hợp tính Giá thông thường, phương pháp tính toán Giá Xuất khẩu (Giá Hoa Kỳ) đối với trường hợp nước bị điều tra có nền kinh tế phi thị trường không khác biệt so với trường hợp nước bị điều tra là nền kinh tế thị trường.

 

Cụ thể, Giá Xuất khẩu được DOC tính toán theo một trong hai cách sau đây:

 

Cách 1: Giá Xuất khẩu chuẩn (Export Price – EP)

 

Giá Xuất khẩu = Giá trong giao dịch mua bán sản phẩm bị điều tra sang Hoa Kỳ (giá ghi trên hóa đơn thương mại, vận đơn hoặc thư tín dụng...)

 

Để áp dụng cách tính Giá Xuất khẩu này cần đáp ứng cùng lúc hai điều kiện sau:

 

- Có Giá Xuất khẩu (Sản phẩm được xuất khẩu theo hợp đồng mua bán giữa nhà sản xuất/xuất khẩu với nhà nhập khẩu); và

 

- Giá Xuất khẩu là giá có thể tin cậy được (người bán và người mua không có quan hệ phụ thuộc).

 

Trên thực tế DOC thường dùng EP làm Giá Xuất khẩu khi người bán và người mua độc lập với nhau.

 

Khi tính toán Giá Xuất khẩu theo cách này, DOC sẽ không tiến hành khấu trừ đặc biệt ngoài các khấu trừ để đưa Giá này về cấp độ “ex-work” – Giá xuất xưởng tại nước xuất khẩu.

 

Cách 2: Giá Xuất khẩu tính toán (Constructed Export Price - CEP)

 

Giá Xuất khẩu = Giá bán sản phẩm nhập khẩu đó cho người mua độc lập đầu tiên tại nước nhập khẩu; hoặc một trị giá tính toán theo những tiêu chí hợp lý do DOC quyết định.

 

Lập luận đằng sau cách tính Giá Xuất khẩu tính toán là:

 

- Không phải lúc nào việc xuất khẩu hàng hoá từ một nước này sang một nước khác cũng được thực hiện trên cơ sở một hợp đồng mua bán ngoại thương (ví dụ: việc xuất khẩu chỉ là việc chuyển hàng từ nước xuất khẩu sang Hoa Kỳ trong nội bộ một công ty; sản phẩm được xuất khẩu theo hình thức trao đổi trong hợp đồng hàng đổi hàng,...). Do đó, trong những trường hợp như thế này, không có giá giao dịch để xác định giá XK theo cách thông thường; hoặc

 

- Trong một số trường hợp, mặc dù trên thực tế có hợp đồng mua bán ngoại thương nhưng giá nêu trong giao dịch không đáng tin cậy (ví dụ, giá giao dịch này là kết quả của các dàn xếp, bù trừ giữa nhà xuất khẩu và nhà nhập khẩu hoặc của một bên thứ ba; khi đó giá giao dịch có thể đã sai lệch).

 

Trên thực tế, DOC chủ yếu sử dụng CEP trong các trường hợp người mua hàng tại Mỹ có quan hệ phụ thuộc với bên bán (rồi sau đó người mua này mới bán lại hàng cho khách hàng độc lập tại Hoa Kỳ).

 

Đối với CEP, khi tính toán DOC sẽ tiến hành một số điều chỉnh đặc biệt sau (ngoài các điều chỉnh để đưa Giá Xuất khẩu về cấp độ xuất xưởng) đối với giá bán cho khách hàng (người mua độc lập) đầu tiên tại Hoa Kỳ:

 

- Trừ đi chi phí phụ thêm cho nhà nhập khẩu Mỹ có quan hệ phụ thuộc, bao gồm cả chi phí bán hàng gián tiếp;

 

- Trừ đi phần lợi nhuận phân chia cho nhà nhập khẩu Mỹ có quan hệ phụ thuộc.

 

Khái niệm “quan hệ phụ thuộc” trong pháp luật chống bán phá giá Hoa Kỳ

 

Pháp luật Hoa Kỳ về chống bán phá giá có cách hiểu khá rộng về “quan hệ phụ thuộc” giữa các chủ thể bán hàng và mua hàng:

 

- Đó có thể là các chủ thể có quan hệ gia đình, quan hệ giữa chủ sử dụng lao động và người lao động, quan hệ liên doanh hợp tác (thường thì tiêu chí để xác định quan hệ phụ thuộc này là quan hệ sở hữu: theo luật, các bên được xem là "phụ thuộc nhau" nếu một bên chiếm ít nhất 5% cổ phần có quyền biểu quyết của bên kia)...

 

- Đó có thể là quan hệ giữa các chủ thể có sự kiểm soát (một bên kiểm soát bên kia, cả hai bên cùng kiểm soát một bên thứ ba, cả hai cùng thuộc sự kiểm soát của một bên). Khái niệm kiểm soát được hiểu là "ở vào vị trí có thể thực hiện sự hạn chế hoặc điều khiển một cách hợp pháp hoặc trên thực tế". Cách định nghĩa mơ hồ này cho phép DOC có thể xác định quan hệ phụ thuộc ngay cả trên cơ sở những giao dịch thương mại nhất định giữa các chủ thể (ví dụ quan hệ cung cấp, phân phối lâu dài; quan hệ nợ...).

 

Hệ quả của “quan hệ phụ thuộc” này là giá cả trong hoạt động mua bán giữa các chủ thể bị suy đoán là không chính xác và không phản ánh đúng trị giá thị trường.

Nguồn: Trung tâm WTO và Hội nhập - VCCI

Quảng cáo sản phẩm