DOC xác định biên độ phá giá cho doanh nghiệp như thế nào?

23/12/2022 04:19 - 6 lượt xem

Đối với mỗi doanh nghiệp bị đơn bắt buộc, sau khi xác định Giá thông thường và Giá xuất khẩu (đã được điều chỉnh để đưa về mức có thể so sánh được) của từng CONNUM, DOC sẽ xác định biên độ phá giá của doanh nghiệp theo các Bước sau:

 

Bước 1: Tính hiệu số chênh lệch giữa Giá Thông thường và Giá Xuất khẩu của mỗi CONNUM

 

Việc tính toán này được thực hiện theo công thức thông thường:

 

Hiệu số chênh lệch (mức phá giá) CONNUM = (Giá Thông thường – Giá xuất khẩu) x Số lượng sản phẩm của CONNUM

 

Trong đó:

 

Giá Thông thường: Giá thông thường bình quân gia quyền của tất cả các giao dịch trong CONNUM

 

Giá Xuất khẩu: Giá Xuất khẩu bình quân gia quyền của tất cả các giao dịch trong CONNUM

 

Bước 2: Tính biên độ phá giá của doanh nghiệp bằng cách cộng tổng hiệu số chênh lệch của tất cả các CONNUM và chia cho tổng trị giá các giao dịch xuất khẩu sang Hoa Kỳ.

 

Lưu ý: Trong bước này, DOC hiện vẫn đang áp dụng phương pháp zeroing (quy về 0). Cụ thể, khi tính biên độ phá giá bình quân gia quyền của doanh nghiệp, DOC chỉ lấy chính xác các hiệu số dương (lớn hơn hoặc bằng 0), còn các hiệu số âm (nhỏ hơn 0) sẽ bị chuyển thành 0. Phương pháp này khiến cho biên độ phá giá cuối cùng được tính cho doanh nghiệp (chung cho tất cả các CONNUM) bị tăng lên đáng kể. Trên thực tế, qua các vụ tranh chấp trong khuôn khổ WTO, việc sử dụng phương pháp zeroing của Hoa Kỳ đã bị một số Ban Hội thẩm và Cơ quan phúc thẩm WTO xác định là trái với các nguyên tắc liên quan của WTO và sau nhiều tranh cãi phản đối, Hoa Kỳ đã đồng ý không sử dụng phương pháp này cho các vụ điều tra đang hoặc bắt đầu được tiến hành vào thời điểm đó (ngày 16/1/2007).  Điều này có nghĩa là DOC vẫn sử dụng phương pháp này cho các vụ kiện đang trong giai đoạn rà soát hành chính hàng năm và rà soát cuối kỳ năm năm của các vụ kiện có giai đoạn điều tra diễn ra trước năm 2007.

 

Ví dụ về cách tính biên độ phá giá cho doanh nghiệp

 

Giả sử một doanh nghiệp Việt Nam là bị đơn bắt buộc trong một vụ kiện chống bán phá giá đối với sản phẩm A (với 05 loại sản phẩm cụ thể với số lượng mỗi loại khác nhau). DOC đã xác định Giá Thông Thường, Giá Xuất khẩu (đã điều chỉnh).

 

Số kiểm soát (loại sản phẩm)

Số lượng sản phẩm xuất sang Hoa Kỳ

Giá Xuất khẩu bình quân gia quyền

Tổng trị giá xuất khẩu

Giá thông thường bình quân gia quyền

Hiệu số Giá TT và Giá XK (theo đơn vị sản phẩm)

Tổng hiệu số giữa Giá TT và Giá XK

CONNUM 1

60

100

6.000

110

10

600

CONNUM 2

17

110

1.870

105

-5

-85

CONNUM 3

5

120

600

125

5

25

CONNUM 4

3

95

285

100

5

15

CONNUM 5

15

104

1.560

103

-1

-15

Tổng

 

 

10.315

 

 

 

 

Trường hợp dùng phương pháp zeroing, biên độ phá giá của doanh nghiệp sẽ là:

                                (600+0+25+15+0)

BĐPG =                 ________________         = 6,2%

               10.315

Trường hợp không dùng phương pháp zeroing, biên độ phá giá của doanh nghiệp sẽ là:

                          (600-85+25+15-15)

BĐPG =             _______________      = 5,24%

                                  10.315

Như vậy, trong tính toán biên độ phá giá (sau khi đã xác định Giá Thông thường và Giá xuất khẩu), những yếu tố sau sẽ có ảnh hưởng lớn đến kết quả:

 

-    Số lượng sản phẩm trong một CONNUM (CONNUM nào có số lượng sản phẩm càng lớn thì mức độ ảnh hưởng đến kết quả cuối cùng càng lớn)


-    Trị giá sản phẩm của CONNUM (CONNUM nào có trị giá sản phẩm càng lớn thì mức độ ảnh hưởng đến kết quả cuối cùng càng lớn).

 

Nguồn: Trung tâm WTO và Hội nhập - VCCI

Quảng cáo sản phẩm