DOC xác định có hiện tượng bán phá giá hay không như thế nào?

24/12/2022 11:41 - 3 lượt xem

DOC xác định có bán phá giá hay không thông qua việc so sánh về giá giữa giá thông thường và giá xuất khẩu theo công thức khái quát sau (trên thực tế việc tính toán chi tiết phức tạp hơn nhiều, đặc biệt trong việc xác định mỗi trị giá thành phần trong công thức):

 

Giá thông thường (giá TT) - Giá xuất khẩu (giá XK)

X =     _______________________________________

                                 Giá xuất khẩu

 

Trong đó

 

X : Biên độ phá giá (được tính theo phần trăm)

 

Giá Thông thường: Giá bán sản phẩm tương tự tại thị trường nội địa nước xuất khẩu; hoặc Giá bán sản phẩm đó sang một nước thứ ba hoặc Giá thông thường tính toán

 

Giá xuất khẩu: Giá bán sản phẩm bị điều tra sang Hoa Kỳ; hoặc Giá xuất khẩu tính toán (giá bán cho người mua độc lập đầu tiên tại Hoa Kỳ)           

 

(i) Nếu X>0% thì có hiện tượng bán phá giá.

 

Nói cách khác, nếu Giá Thông thường (còn gọi là Giá công bằng) cao hơn Giá Xuất khẩu (còn gọi là Giá Hoa Kỳ) thì có bán phá giá. Nếu Giá thông thường thấp hơn Giá Xuất khẩu thì không có bán phá giá.

 

(ii) X đồng thời là căn cứ để tính mức thuế chống bán phá giá, nếu được áp dụng.

 

Tuy nhiên không phải mọi biên độ phá giá lớn hơn 0 (biên độ dương) đều bị áp thuế.

 

Theo quy định của WTO mà Hoa Kỳ phải tuân thủ thì:

 

(i)    Nếu X ≥ 2% thì mức độ bán phá giá bị xem là đáng kể và có thể bị áp thuế


(ii)    Nếu X < 2% thì mức độ phá giá giá được xem là không đáng kể, và không thể bị áp thuế.

 

Chú ý

 

- Biên độ phá giá được  tính riêng cho từng doanh nghiệp xuất khẩu

 

Về nguyên tắc, cơ quan điều tra phải tiến hành điều tra theo số liệu cụ thể của từng doanh nghiệp xuất khẩu và tính toán biên độ phá giá riêng cho từng doanh nghiệp. Các phân tích dưới đây liên quan đến việc tính toán biên độ phá giá được hiểu là tính toán riêng đối với từng bị đơn chứ không phải một biên độ phá giá chung cho tất cả các doanh nghiệp bị đơn trong một vụ kiện.

 

Tuy nhiên, WTO và pháp luật Hoa Kỳ đều cho phép DOC hạn chế số lượng các nhà sản xuất xuất khẩu nước ngoài ở một số lượng nhất định trong trường hợp vụ việc có liên quan đến một số lượng lớn các nhà sản xuất xuất khẩu nước ngoài. Các nhà sản xuất xuất khẩu nước ngoài được lựa chọn điều tra được gọi là bị đơn bắt buộc và được điều tra cụ thể để tính biên độ phá giá tương ứng. Vì vậy, trên thực tế, biên độ phá giá chỉ được tính riêng cho doanh nghiệp trong trường hợp doanh nghiệp là bị đơn bắt buộc mà thôi.

 

- Biên độ phá giá được tính riêng cho mỗi loại/mẫu sản phẩm của doanh nghiệp (rồi sau đó mới tính chung cho mỗi doanh nghiệp)

 

Trong mỗi vụ điều tra chống bán phá giá, sản phẩm liên quan có thể vẫn thuộc cùng một mã HS nhưng lại bao gồm nhiều mẫu mã khác nhau (với chi phí sản xuất và giá xuất khẩu khác nhau). Những mẫu mã gần giống nhau sẽ được xếp chung vào một nhóm gọi là CONNUM (Số kiểm soát) và DOC sẽ tính toán biên độ phá giá riêng của từng CONNUM. Mỗi doanh nghiệp bị đơn có thể có nhiều CONNUM (tùy vào thực tế xuất khẩu sản phẩm liên quan sang Hoa Kỳ của doanh nghiệp đó) và biên độ phá giá tính cho doanh nghiệp sẽ bằng bình quân gia quyền biên độ phá giá tính cho từng CONNUM của doanh nghiệp.

 

Số kiểm soát (CONNUM)

 

Số kiểm soát (CONNUM) là gì?

 

CONNUM là ký hiệu chỉ “Control Number”, một cách thức để DOC phân biệt các loại sản phẩm khác nhau trong cùng một nhóm sản phẩm là đối tượng điều tra. Biên độ phá giá được tính chung cho cả nhóm sản phẩm bị điều tra nhưng có tính đến số liệu riêng về số lượng và giá cả của từng loại sản phẩm trong nhóm.

 

Mỗi CONNUM biểu thị một mẫu sản phẩm riêng, cho phép DOC tính toán các điều chỉnh và biên độ phá giá dựa trên cơ sở sản phẩm/mẫu cụ thể

 

Các CONNUM khác nhau biểu thị những đặc điểm sản phẩm khác nhau.

 

Các giao dịch mua bán có đặc điểm sản phẩm/mẫu giống nhau thì được tính vào cùng một CONNUM.

 

Ý nghĩa của số kiểm soát ?

 

- CONNUM là cơ sở để so sánh sản phẩm – xác định các sản phẩm tương tự và giống hệt, vì vậy có ảnh hưởng đến kết quả các điều chỉnh để tính đến sự khác biệt của sản phẩm

 

- CONNUM có thể ảnh hưởng đến việc xác định tỷ giá hối đoái (tỷ giá hối đoái được xác định theo bình quân gia quyền các tỷ giá tính cho các giao dịch bán hàng sang Hoa Kỳ)

 

Lưu ý đối với doanh nghiệp

 

Như vậy, việc xác định có bán phá giá hay không và mức độ phá giá lớn hay nhỏ (biên độ phá giá cao hay thấp) sẽ phụ thuộc chủ yếu vào các yếu tố sau:

 

(i)    Cách tính Giá xuất khẩu của sản phẩm;


(ii)    Cách tính Giá thông thường của sản phẩm;


(iii)    Cách tính hiệu số giữa hai loại giá trên (các điều chỉnh đối với hiệu số này)

 

Các thông tin mà doanh nghiệp cung cấp cho DOC (tự nguyện hoặc theo yêu cầu/Bảng câu hỏi của cơ quan này) đều nhằm mục đích thiết lập dữ liệu để xác định 03 yếu tố trên. Vì vậy việc cung cấp thông tin cần được đặc biệt chú trọng, sao cho DOC có đủ chứng cứ chính xác để tính 03 yếu tố này theo hướng:

 

(iii)    Giá Thông thường càng thấp càng tốt;


(iv)    Giá Xuất khẩu càng cao càng tốt;


(v)    Càng nhiều yếu tố được điều chỉnh để hai loại giá trên càng về gần với giá xuất xưởng càng tốt.

 

Nguồn: Trung tâm WTO và Hội nhập - VCCI

Quảng cáo sản phẩm