DOC xác định Giá Thông thường như thế nào?

24/12/2022 11:34 - 3 lượt xem

Cách thức xác định Giá thông thường (giá công bằng) của DOC giống với các nguyên tắc về vấn đề này của WTO.

 

Cụ thể, nếu nước xuất khẩu bị điều tra là nước có nền kinh tế thị trường thì Giá thông thường được DOC tính theo một trong ba cách sau:

 

Cách 1: Giá tại thị trường nội địa (còn gọi là Phương pháp tính theo Giá)

 

Giá TT = Giá bán của sản phẩm tương tự tại thị trường nước xuất khẩu.

 

Đây là cách được ưu tiên áp dụng trước nếu việc dựa trên giá bán tại thị trường nước xuất khẩu là phù hợp, cụ thể là nếu:

 

- Sản phẩm tương tự với sản phẩm bị điều tra được bán tại nước xuất khẩu trong điều kiện thương mại bình thường; và

 

- Sản phẩm tương tự với sản phẩm bị điều tra được bán với số lượng đáng kể (không thấp hơn 5% số lượng sản phẩm đó bán tại nước nhập khẩu).

 

Khái niệm “bán hàng trong điều kiện thương mại thông thường” được hiểu như thế nào trong pháp luật Hoa Kỳ?

 

Hiệp định về chống bán phá giá của WTO không có định nghĩa cụ thể thế nào là hàng hoá bán trong điều kiện thương mại thông thường. Tuy nhiên, Hiệp định này có nêu một trường hợp có thể được coi là không được bán theo điều kiện thương mại thông thường: đó là khi sản phẩm tương tự được bán tại thị trường nội địa hoặc bán sang một nước thứ ba với mức giá không đủ bù đắp chi phí sản xuất theo đơn vị sản phẩm (giá thành sản xuất + chi phí bán hàng, quản trị, chi phí chung) (bán lỗ vốn).

 

Tuy vậy, sản phẩm tương tự bị bán lỗ vốn tại thị trường nội địa chỉ bị coi là không được bán theo các điều kiện thương mại thông thường và do đó, giá bán sản phẩm tại thị trường nội địa không được coi là giá thông thường khi:

 

- Việc bán hàng lỗ vốn đó được thực hiện trong một khoảng thời gian kéo dài (thường là 1 năm, và trong mọi trường hợp cũng không được ít hơn 6 tháng); và

 

- Số sản phẩm bị bán lỗ vốn này được bán với một số lượng đáng kể, tức là:

 

+ lượng sản phẩm bán lỗ vốn không ít hơn 20% tổng số sản phẩm được bán (trong giao dịch đang được xem xét để xác định giá trị thông thường); hoặc

 

+ giá bán bình quân gia quyền thấp hơn chi phí bình quân gia quyền.

 

Tuy nhiên nếu sản phẩm bị bán với giá thấp hơn mức chi phí sản xuất nhưng giá bán này vẫn cao hơn chi phí bình quân gia quyền trong khoảng thời gian được điều tra thì việc bán lỗ vốn này được xem như hành động bán hàng để thu hồi vốn (bù đắp các chi phí) trong khoảng thời gian hợp lý và vẫn được coi là việc bán hàng theo các điều kiện thương mại thông thường.

 

Khái niệm bán hàng trong điều kiện thương mại thông thường trong pháp luật Hoa Kỳ cũng được quy định tương tự như trong WTO. Tuy nhiên, bên cạnh quy định coi bán lỗ vốn là một hình thức bán hàng ngoài điều kiện thương mại thông thường, Hoa Kỳ quy định thêm một số vấn đề sau:

 

- Đối với trường hợp  bán hàng lỗ vốn trong giai đoạn “khởi sự sản xuất” (“startup operations”)[1]: mức chi phí sản xuất trong giai đoạn này được xác định theo chi phí sản xuất ra sản phẩm vào thời điểm kết thúc giai đoạn khởi sự - tức là khi chi phí cho sản xuất đã trở lại điều kiện bình thường, không bị đội lên bởi các chi phí về công nghệ, kỹ thuật... nữa[2]

 

- Ngoài trường hợp bán lỗ vốn, DOC có thể xác định thêm các trường hợp khác cũng bị coi là bán hàng ngoài điều kiện thương mại thông thường (ví dụ: bán hàng với tỉ lệ lãi cao một cách bất bình thường; bán hàng mẫu...). Quy định này thực tế đã trao cho DOC thẩm quyền rộng, khó lường trước, gây khó khăn không nhỏ đối với nhà sản xuất, xuất khẩu là bị đơn trong các vụ kiện bán phá giá.

 

Cách 2: Giá bán sang nước thứ ba

 

Giá TT = Giá bán của sản phẩm nước ngoài tương tự sang một nước thứ ba (khác Hoa Kỳ)

 

Cách này chỉ được áp dụng nếu có đủ các điều kiện:

 

- Giá bán sang một nước thứ ba có tính đại diện,

 

- Số lượng sản phẩm tương tự bán tại thị trường này không thấp hơn 5% lượng sản phẩm bán tại hoặc xuất sang Hoa Kỳ và tình hình thị trường tại nước này là thích hợp cho việc so sánh.

 

Cách 3: Giá tính toán (còn gọi là phương pháp tính theo Chi phí)

 

Giá TT = “chi phí sản xuất” + Chi phí quản lý và chi phí chung (SG&A) + lợi nhuận

 

Về chi phí sản xuất thì DOC có thể căn cứ vào chi phí sản xuất thực tế của các nhà sản xuất sản phẩm bị điều tra liên quan.

 

Đối với các khoản chi phí khác và lợi nhuận, DOC sẽ xác định các khoản này căn cứ vào chi phí thực tế của các bị đơn liên quan và các lợi nhuận dựa trên việc bán SPTT với giá bán cao hơn chi phí sản xuất. Trường hợp DOC không thể có được các thông tin về những vấn đề này thì DOC sẽ tính các chi phí quản lý, chi phí chung, chi phí bán hàng và lợi nhuận (gọi chung là SGA) theo lần lượt một trong ba cách sau đây:

 

- SGA bằng tổng chi phí SGA thực tế của nhà sản xuất, xuất khẩu trong việc bán các sản phẩm cùng chủng loại bởi cùng một nhà sản xuất;

 

- SGA bằng SGA bình quân gia quyền của tổng số chi phí và lợi nhuận của các nhà sản xuất, xuất khẩu khác trong việc bán các SPTT trong các điều kiện thương mại thông thường;

 

- SGA tính theo bất cứ phương pháp hợp lý nào khác nhưng không vượt quá tổng số chi phí và lợi nhuận của nhà sản xuất, xuất khẩu khác trong việc bán sản phẩm cùng loại với sản phẩm bị điều tra.

 

Cách 3 có thể áp dụng trong mọi trường hợp khi cách 1 không thể áp dụng

 

Cách 2 và 3 có thể được lựa chọn áp dụng khi không đủ điều kiện áp dụng cách 1, tức là khi:

 

- Sản phẩm tương tự không được bán tại thị trường nước xuất khẩu; hoặc

 

- Lượng sản phẩm tương tự được bán tại thị trường nước xuất khẩu thấp hơn 5% so với lượng sản phẩm nhập khẩu từ nước đó vào Hoa Kỳ (còn gọi là trường hợp việc bán SPTT tại thị trường nước xuất khẩu không “phù hợp”); hoặc

 

- Việc bán sản phẩm nước ngoài tương tự tại thị trường nước xuất khẩu ở trong “tình trạng thị trường đặc biệt” không cho phép việc so sánh công bằng với giá xuất khẩu (bao gồm cả tình trạng chính phủ can thiệp quá mức vào việc định giá sản phẩm nước ngoài tương tự, hoặc khi có sự khác nhau về nhu cầu giữa thị trường Hoa Kỳ và thị trường nước xuất khẩu)

 

Trong các vụ điều tra chống bán phá giá ở Hoa Kỳ, nếu cách 1 không áp dụng được thì DOC thường dùng cách 3 để tính toán Giá thông thường, rất ít khi cách 2 được sử dụng.

 

Phương pháp tính Giá thông thường nào là phổ biến nhất ở Hoa Kỳ?

 

Pháp luật Hoa Kỳ quy định cách tính Giá thông thường theo Giá bán thực tế của hàng hóa tương tự tại thị trường nội địa nước xuất khẩu (cách tính theo Giá thực) là cách ưu tiên áp dụng (tất nhiên chỉ xét đối với các trường hợp nước xuất khẩu là nền kinh tế thị trường). Các cách tính Giá thông thường theo Chi phí hoặc giá bán sang nước thứ ba chỉ áp dụng khi không đủ điều kiện áp dụng cách tính theo Giá thực.

 

Tuy nhiên, thông lệ các vụ kiện chống bán phá giá của Hoa Kỳ cho thấy càng ngày phương pháp tính Giá Thông thường theo cách 3 (Giá tính toán theo Chi phí) càng được sử dụng phổ biến hơn.

 

Đây là xu hướng bất lợi cho các nhà xuất khẩu nước ngoài là bị đơn trong các vụ kiện (bởi phương pháp này khiến việc tính toán trở lên phức tạp và tốn nhiều công sức hơn và kết quả cũng khó dự kiến và thường là cho biên độ phá giá cao hơn). Cũng vì vậy mà các ngành sản xuất nội địa của Hoa Kỳ khi đi kiện thường cố gắng thuyết phục để DOC sử dụng cách tính Giá Thông thường theo Chi phí này.

 

Về mặt nguyên tắc, phương pháp xác định Giá thông thường thông qua tính toán Chi phí chỉ được sử dụng khi:

 

- Giá bán tại thị trường nội địa nước xuất khẩu không thể sử dụng được (do giá đó thấp hơn chi phí sản xuất và bán hàng – gọi là giá thấp hơn chi phí); hoặc

 

- Doanh nghiệp xuất khẩu không bán sản phẩm giống hệt hoặc tương tự với sản phẩm bị điều tra tại thị trường nội địa cũng như thị trường nước thứ ba.

 

Trên thực tế, các nguyên đơn thường tìm mọi cơ hội để đề xuất với DOC rằng giá bán thực tế tại thị trường nội địa nước xuất khẩu là “thấp hơn Chi phí” và rằng cần sử dụng phương pháp tính toán Giá Thông thường theo Chi phí. Việc này thường được họ thực hiện bằng một trong hai con đường:

 

- Nêu ngay trong Đơn kiện

 

Nguyên đơn tính tạm tính giá thành sản xuất của doanh nghiệp xuất khẩu rồi đem so sánh với giá xuất khẩu của doanh nghiệp xuất khẩu để nói rằng doanh nghiệp xuất khẩu bán hàng với giá thấp hơn chi phí. Thường thì nguyên đơn ít khi nào tiếp cận được thông tin về chi phí sản xuất của doanh nghiệp xuất khẩu bị đơn nên họ dùng luôn chi phí sản xuất của chính mình rồi điều chỉnh để tính ra chi phí sản xuất suy đoán cho doanh nghiệp xuất khẩu;

 

- Nêu vấn đề này trong giai đoạn sau của quá trình điều tra

 

Dù trong Đơn kiện nguyên đơn không đề cập gì đến việc bán hàng dưới chi phí, pháp luật Hoa Kỳ cho phép nguyên đơn được nêu vấn đề này trong các giai đoạn sau của vụ điều tra. Đây là một bất lợi cho bị đơn bởi thường là nguyên đơn sẽ chờ đợi kết quả trả lời Bảng câu hỏi của bị đơn và dùng chính các thông tin trong bản trả lời này để tính toán và khiếu nại về việc hàng được bán dưới giá thành và do đó DOC cần sử dụng phương pháp tính theo Chi phí chứ không dùng Giá thực.

 

Theo quy định mới, yêu cầu về vấn đề này của nguyên đơn không được thực hiện muộn hơn 20 ngày kể từ ngày các bên bị đơn nộp bản trả lời Bảng câu hỏi điều tra (có thể được gia hạn với một số lý do). Quy định mới này đã góp phần hạn chế phần nào những khiếu kiện loại này và cũng giúp các doanh nghiệp bị đơn chủ động hơn về thời gian (biết được khi nào thì hết nguy cơ bị tính Giá Thông thường theo Chi phí).

 

[1] Giai đoạn “khởi sự sản xuất” được định nghĩa là giai đoạn mà nhà sản xuất đang sử dụng công nghệ sản xuất mới hoặc đang sản xuất loại sản phẩm đòi hỏi những khoản đầu tư bổ sung lớn.

 

[2] Khi đó, khoản chênh lệch giữa các mức chi phí này sẽ được khấu hao dần trong các giai đoạn tiếp theo của vòng đời sản phẩm, được tính gộp vào giá của sản phẩm nếu trong tương lai lại phát sinh vấn đề điều tra chống bán phá giá.

 

Nguồn: Trung tâm WTO và Hội nhập - VCCI

Quảng cáo sản phẩm