DOC xác định mức thuế chống bán phá giá cho các doanh nghiệp bị đơn như thế nào?

23/12/2022 04:15 - 46 lượt xem

Về nguyên tắc, mọi doanh nghiệp nước xuất khẩu bị kiện xuất khẩu sản phẩm bị kiện chống bán phá giá vào Hoa Kỳ đều là bị đơn trong vụ điều tra liên quan. Và nếu ITC và DOC cùng đi đến kết luận cuối cùng khẳng định có hiện tượng phá giá gây thiệt hại đáng kể cho ngành sản xuất nội địa Hoa Kỳ thì hàng hóa của tất cả các doanh nghiệp bị đơn đều sẽ phải chịu biện pháp chống bán phá giá (mà chủ yếu là thuế chống bán phá giá) khi nhập khẩu vào Hoa Kỳ. 


Mức thuế chống bán phá giá của mỗi doanh nghiệp xuất khẩu bị đơn sẽ bằng với biên độ phá giá được xác định cho doanh nghiệp bị đơn đó.


Tuy nhiên, pháp luật Hoa Kỳ cho phép DOC được giới hạn số lượng bị đơn điều tra trong trường hợp vụ điều tra có quá nhiều bị đơn. Vì vậy không phải tất cả các bị đơn trong một vụ điều tra chống bán phá giá đều được xác định biên độ phá giá (và từ đó là mức thuế chống bán phá giá) riêng cho mình.


Cụ thể, biên độ phá giá sẽ được xác định cho 3 nhóm theo 3 cách khác nhau:


(i)    Mức thuế cho bị đơn bắt buộc (Calculated rates): Là mức thuế suất tính toán riêng cho từng bị đơn được lựa chọn điều tra. 


Mức thuế này bằng với biên độ phá giá mà DOC xác định cho doanh nghiệp bị đơn bắt buộc. 


(ii)    Mức thuế riêng cho các bị đơn tự nguyện (Separated rates): Là mức thuế suất riêng cho các bị đơn không được lựa chọn nhưng tự nguyện xin tham gia, làm đơn và được DOC chấp nhận cho hưởng mức thuế suất riêng. 


Mức thuế riêng cho các bị đơn áp dụng cho sản phẩm của nhà xuất khẩu liên quan sẽ được tính toán bằng bình quân gia quyền biên độ phá giá của các bị đơn bắt buộc (trừ các biên độ bằng 0% và biên độ tính dựa trên thông tin sẵn có bất lợi).


(iii)    Mức thuế suất toàn quốc (Country-wide rate): Là mức thuế áp dụng cho tất cả các bị đơn còn lại trong vụ điều tra


Mức thuế suất chống bán phá giá được DOC tính toán trong trường hợp này là một mức thuế duy nhất, áp dụng chung cho tất cả các sản phẩm bị điều tra nhập khẩu vào Hoa Kỳ không phân biệt nguồn sản xuất, xuất khẩu.


Đối tượng chịu mức thuế suất toàn quốc này bao gồm: 


-    Các nhà sản xuất không được chọn là bị đơn bắt buộc hoặc không trả lời đầy đủ Bảng câu hỏi của DOC về số lượng và giá trị (Q&V); và 


-    Không nộp Đơn xin được áp dụng mức thuế suất riêng hoặc có đơn nhưng không được chấp nhận do không đủ điều kiện.


Mức thuế suất toàn quốc thường được lấy từ đơn kiện của ngành sản xuất nội địa Hoa Kỳ, và nó thường là mức thuế suất cao nhất có thể chứng thực được bằng việc sử dụng các số liệu khác trong báo cáo.


Trên thực tế, trong các vụ kiện cá tra-basa và tôm của Việt Nam, DOC thường lấy mức thuế suất toàn quốc bằng với mức thuế suất cao nhất trong nhóm các bị đơn bắt buộc.


Lưu ý đối với doanh nghiệp


Theo cam kết gia nhập WTO của Việt Nam, Việt Nam chấp nhận bị xem là nền kinh tế phi thị trường trong các điều tra chống bán phá giá, chống trợ cấp tại các nước thành viên WTO đến hết 31/12/2018. Vì vậy, Hoa Kỳ có quyền không áp dụng các phương pháp tính toán Giá Thông thường nói trên cho các doanh nghiệp xuất khẩu bị điều tra của Việt Nam.


Trên thực tế, Hoa Kỳ duy trì một phương pháp tính Giá Thông thường khác cho các doanh nghiệp xuất khẩu từ Việt Nam – nước bị xem là nền kinh tế phi thị trường. Phương pháp thay thế này thường mang đến kết quả bất lợi (Giá Thông thường bị tính cao hơn trong trường hợp dùng phương pháp tính toán chuẩn của WTO). 


Tuy nhiên, nếu Việt Nam đàm phán được với Hoa Kỳ để Hoa Kỳ đơn phương thừa nhận Việt Nam là nền kinh tế thị trường trước thời hạn 2018.  Trên thực tế, theo đánh giá của nhiều chuyên gia, khả năng này hầu như không hiện thực (mặc dù Việt Nam đã đạt được một số nước khác công nhận là nền kinh tế thị trường trong điều tra chống bán phá giá tại nước họ). 


Nguồn: Trung tâm WTO và Hội nhập - VCCI

Quảng cáo sản phẩm