Hệ thống kế toán như thế nào là phù hợp?

22/12/2022 02:34 - 5 lượt xem

Trong điều tra chống bán phá giá/chống trợ cấp, các ghi chép, chứng từ sổ sách kế toán, tài chính của doanh nghiệp bị đơn bắt buộc là dữ liệu có ý nghĩa quan trọng đối với kết quả cuộc điều tra (mà chủ yếu là biên độ phá giá tính toán cho bị đơn). Cụ thể, những thông tin mà doanh nghiệp bị đơn cung cấp cho cơ quan điều tra có được sử dụng làm căn cứ để tính toán hay không phụ thuộc vào việc thông tin đó có dựa trên những bằng chứng được chấp nhận hay không. Và vì thế, để bảo vệ tốt nhất lợi ích của mình, doanh nghiệp xuất khẩu bị đơn cần đảm bảo duy trì và lưu trữ số sách chứng từ theo cách thức có thể chấp nhận được.

 

Việc chấp nhận hay không các thông tin cụ thể phụ thuộc vào đánh giá của cán bộ thẩm tra thực địa, tuy nhiên để có thể được chấp nhận, ít nhất doanh nghiệp cần đảm bảo rằng sổ sách kế toán của mình:

 

- Được ghi chép và lưu trữ theo các nguyên tắc kế toán được chấp nhận chung (thông lệ quốc tế (GAAP – General Accepted Accounting Principles);

 

- Có thể cung cấp số liệu theo các tiêu chí điều tra được yêu cầu

 

Đối với phần lớn các doanh nghiệp Việt Nam, kể cả những doanh nghiệp được xem là lớn, việc đáp ứng các điều kiện này không phải dễ dàng, ví dụ:

 

- Đối với điều kiện GAAP: đây không phải là điều kiện bắt buộc về kế toán đối với các doanh nghiệp Việt Nam (các doanh nghiệp chỉ phải tuân thủ tiêu chuẩn kế toán Việt Nam là chủ yếu) nên không nhiều doanh nghiệp duy trì hệ thống sổ sách kế toán theo nguyên tắc này.

 

- Về điều kiện “cung cấp số liệu theo tiêu chí điều tra”: các tiêu chí điều tra của DOC được thiết kế thuần túy để điều tra và rất nhiều trường hợp là không tương đồng với tiêu chí kinh doanh thông thường khiến cho việc chuyển đổi/phân bổ số liệu cho phù hợp của doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn (ví dụ trong vụ kiện túi nhựa PE tại Hoa Kỳ, liên quan đến thông tin về số lượng xuất khẩu sang Hoa Kỳ, có doanh nghiệp lưu trữ số liệu theo “kg”, có doanh nghiệp lại dùng số liệu theo “m2” nhưng DOC lại yêu cầu cung cấp số liệu theo “cái”).

 

- Đối với cả hai điều kiện: việc xem xét các số liệu của cơ quan điều tra được thực hiện với các lô hàng thực hiện trong một thời gian dài (ít nhất là 1 năm liền trước đơn kiện), vì vậy các số liệu của doanh nghiệp phải được lưu trữ theo các điều kiện nói trên trong một thời gian dài trước khi vụ điều tra diễn ra. Điều này có nghĩa là doanh nghiệp phải áp dụng các quy tắc lưu trữ số sách kế toán theo các điều kiện trên không phải khi vụ điều tra đã xảy ra mà phải từ trước đó rất lâu. Không nhiều doanh nghiệp có “tầm nhìn xa” để tự nguyện thực hiện được các yêu cầu tốn kém và phức tạp này (mặc dù điều này là rất hữu ích).

 

Kinh nghiệm của các doanh nghiệp thủy sản về hệ thống kế toán

 

Ngành thủy sản Việt Nam đã phải đối mặt với hai vụ điều tra chống bán phá giá đối với cá tra-basa (2002) và tôm (2003).

 

Trong vụ điều tra đầu tiên (cá tra-basa), hầu hết các doanh nghiệp thủy sản đều gặp rất nhiều khó khăn trong việc cung cấp các chứng cứ số liệu cho cơ quan điều tra, phần nhiều là do không duy trì hệ thống sổ sách kế toán minh bạch và đúng tiêu chuẩn. Ngoài ra, không ít trường hợp các số liệu bị bỏ qua do không thể phân bổ cho các sản phẩm liên quan một cách hợp lý hoặc không thể chuyển đổi theo tiêu chí yêu cầu của cơ quan điều tra.

 

Tuy nhiên, sau vụ việc này, nhiều doanh nghiệp (đặc biệt là các doanh nghiệp lớn) đã có những cải thiện đáng kể đối với hệ thống sổ sách kế toán của mình. Thậm chí có những doanh nghiệp xây dựng một chương trình phần mềm riêng để quản lý các số liệu phục vụ mục tiêu điều tra chống bán phá giá/chống trợ cấp).

 

Nhờ vậy trong vụ tôm, việc điều tra đối với các doanh nghiệp này đã suôn sẻ, thuận lợi hơn nhiều. Điều này đã góp một phần quan trọng vào kết quả biên phá giá thấp trong vụ tôm.

 

Nguồn: Trung tâm WTO và Hội nhập - VCCI

Quảng cáo sản phẩm