Hoa Kỳ có những quy định áp dụng riêng cho trường hợp nước xuất khẩu là nước có nền kinh tế phi thị trường?

23/12/2022 04:14 - 6 lượt xem

Trong Hiệp định về chống bán phá giá của WTO, mặc dù không có quy định chính thức về nền kinh tế phi thị trường nhưng lại có điều khoản ghi nhận rằng trường hợp các nước mà Chính phủ kiểm soát về giá cả thì việc tính toán theo các cách tính chuẩn là không hợp lý. Và do đó nước điều tra có thể sử dụng phương pháp khác phù hợp hơn.


Vận dụng quy định này, pháp luật Hoa Kỳ về điều tra chống bán phá giá có một số quy định riêng về phương pháp tính toán đối với trường hợp nước xuất khẩu là nước có nền kinh tế phi thị trường (theo xác định của DOC). Cụ thể:


-    Phương pháp tính toán Giá Thông thường riêng (dựa trên trị giá thay thế): 


Logic mà phía Hoa Kỳ đưa ra là với tính chất là nền kinh tế phi thị trường, giá cả tại nước xuất khẩu liên quan không phản ánh giá thị trường, vì thế không thể sử dụng các trị giá (bao gồm cả Giá thực và Chi phí thực) của doanh nghiệp xuất khẩu mà phải dùng các trị giá thay thế từ một nước có nền kinh tế thị trường khác phù hợp.


-    Điều kiện riêng đối với các doanh nghiệp bị đơn tự nguyện xin hưởng thuế suất riêng (chứng minh sự độc lập về pháp lý và thực tế với Chính phủ).

 

Không có giải thích nào hợp lý về điều kiện này của Hoa Kỳ.


Ngoài hai điểm khác biệt nêu trên, tất cả các quy định khác về trình tự, thủ tục, nội dung… về điều tra và áp dụng biện pháp chống bán phá giá đều được áp dụng chung cho cả trường hợp nền kinh tế thị trường và nền kinh tế phi thị trường.


Lưu ý đối với doanh nghiệp


Khác biệt giữa nền kinh tế phi thị trường và nền kinh tế thị trường trong kháng kiện chống bán phá giá tại Hoa Kỳ tập trung chủ yếu ở phương pháp tính Giá Thông thường tại DOC (vấn đề này không đặt ra trong điều tra về thiệt hại tại ITC). Đây cũng chính là bất lợi lớn nhất mà doanh nghiệp thuộc nước xuất khẩu là nền kinh tế phi thị trường phải chịu bởi phương pháp tính Giá Thông thường có ảnh hưởng lớn đến biên độ phá giá (và tương ứng mà mức thuế chống bán phá giá, nếu có).


Vì vậy, doanh nghiệp Việt Nam cần đặc biệt lưu ý đến quá trình kháng kiện tại DOC và những vấn đề liên quan (ví dụ tìm luật sư có kinh nghiệm trong việc kháng kiện tại DOC đối với những vụ nền kinh tế phi thị trường…) để đảm bảo giảm thiểu thiệt hại từ phương pháp tính toán bất lợi này.


Nguồn: Trung tâm WTO và Hội nhập - VCCI

Quảng cáo sản phẩm