Hoạt động tố tụng sau thẩm tra thực địa được thực hiện như thế nào?

24/12/2022 12:44 - 3 lượt xem

Có 3 thủ tục có thể được thực hiện sau khi tiến hành thẩm tra thực địa, bao gồm:

 

-    Nộp bản đệ trình lập luận


-    Nộp bản phản biện


-    Phiên điều trầ

 

Các thủ tục này đều không bắt buộc đối với các bên nhưng nếu đã muốn thực hiện thì các bên phải tuân thủ đầy đủ các quy định liên quan (đặc biệt là về thời hạn).

 

Thực tế

 

Cụ thể, sau khi cán bộ DOC ra Báo cáo về kết quả thẩm tra thực địa, các bên liên quan (thông qua luật sư của mình) chuẩn bị các bản đệ trình lập luận để gửi cho DOC. Các bản đệ trình này bao gồm những lập luận của mỗi bên và đề xuất cách thức xử lý về:

 

-    những vấn đề quan trọng trong vụ điều tra


-    những vấn đề được nêu ra trong báo cáo thẩm tra thực địa


-    những vấn đề khác phát sinh trong quá trình thẩm tra thực địa

 

Thời hạn để nộp các bản đệ trình này thường được nêu trên Công báo liên bang đăng kèm theo Kết luận sơ bộ về vụ việc của DOC. Tuy nhiên, các thời hạn này có thể thay đổi trên thực tế tùy vào tình hình cụ thể của vụ việc, thường là sau khi DOC công bố báo cáo thẩm tra thực địa và trước khi tiến hành phiên điều trần (vì vậy các bản đệ trình này còn có tên là “đệ trình trước điều trần” (pre-hearings briefs).

 

Sau đó, thường là khoảng 1 tuần sau thời hạn nộp đệ trình trước điều trần, các bên nộp cho DOC bản phản biện (rebuttal briefs). Trong bản phản biện này, các bên chỉ được phép nêu ý kiến bình luận (phản biện) về những lập luận mà bên kia đưa ra trong bản đệ trình trước điều trần.

 

Cuối cùng, DOC thường sẽ tiến hành một phiên điều trần công khai khoảng một tuần sau khi các bản lập luận trước điều trần được đệ trình (tức là ngay sau khi các bên nộp bản tóm tắt phản biện). Pháp luật không buộc DOC phải tiến hành các phiên điều trần như thế này trừ khi có yêu cầu của một bên liên quan trong vụ điều tra.

 

Lưu ý đối với doanh nghiệp

 

Trên thực tế, trong tất cả các vụ việc, các bên đều cố gắng tận dụng các thủ tục về nộp đệ trình, phản biện và điều trần để trình bày nhiều nhất lập luận của mình cho DOC và phản biện những lập luận của đối phương. Vì vậy, ngay cả những thủ tục không bắt buộc như phiên điều trần thì trên thực tế vụ việc nào cũng có phiên điều trần bởi luôn có một bên nào đó yêu cầu điều trần (thường là bên nguyên đơn).

 

Điều này là có lý bởi trên thực tế những lập luận này của các bên cũng như bất kỳ lập luận nào được luật sư các bên đệ trình theo đúng thủ tục trong quá trình điều tra đều được DOC cân nhắc trong các phiên thảo luận của cán bộ DOC về kết luận cuối cùng của vụ việc. Do đó các công ty bị đơn không nên bỏ qua những cơ hội như thế này để chứng minh và thuyết phục DOC về trường hợp của mình.

 

Phiên điều trần

 

Một phiên điều trần công khai được mở cho bất kỳ ai muốn tham gia. Vì vậy tất nhiên các bên đều có thể tham gia. Về phía DOC, một số cán bộ DOC, trong đó có các cán bộ trực tiếp tiến hành cuộc điều tra, sẽ tham gia phiên điều trần này.

 

Một phiên điều trần thường kéo dài khoảng từ 2-4 tiếng, đôi khi kéo dài hơn (phụ thuộc vào số lượng các doanh nghiệp liên quan muốn tham gia phiên điều trần).

 

Về nguyên tắc, mục tiêu của phiên điều trần là để cán bộ DOC hỏi các bên về các vấn đề, từ đó quyết định các vấn đề quan trọng trong cuộc điều tra. Trên thực tế, các cán bộ DOC rất hiếm khi đặt câu hỏi cho các bên (mặc dù cũng có một vài vị, trong một vài vụ việc không đi theo thông lệ này). Vì vậy phiên điều trần chủ yếu là cơ hội để các bên lôi kéo sự chú ý của cán bộ DOC vào những vấn đề quan trọng và có lợi cho mình trong vụ việc.

 

Lưu ý:

•    Trong phiên điều trần, đại diện pháp lý của nguyên đơn và bị đơn trình bày các lập luận liên quan đến vấn đề của vụ kiện.


•    Sau phiên điều trần, các bên chuẩn bị và nộp các bản tóm tắt trong đó trình bày chi tiết về các vấn đề của vụ kiện, sau đó là các bản tóm tắt phản bác lại các lập luận trong bản tóm tắt của đối phương.


•    DOC sẽ không chấp nhận bất kỳ thông tin mới nào về các vấn đề thực tiễn được chấp nhận cả ở phiên điều trần lẫn trong bản tóm tắt gửi sau đó

Nguồn: Trung tâm WTO và Hội nhập - VCCI

Quảng cáo sản phẩm