ITC điều tra sơ bộ về thiệt hại như thế nào?

24/12/2022 01:28 - 11 lượt xem

Trong thời hạn 45 ngày kể từ ngày Đơn kiện được nộp, Ủy ban Thương mại Quốc tế (ITC) sẽ phải ra kết luận sơ bộ về thiệt hại mà ngành sản xuất sản phẩm tương tự của Hoa Kỳ phải chịu từ việc nhập khẩu mặt hàng bị kiện. Thời hạn 45 ngày này là cố định, không có gia hạn.

 

Nếu ITC ra quyết định sơ bộ khẳng định có thiệt hại thì vụ điều tra được tiếp tục. Ngược lại nếu ITC ra quyết định sơ bộ phủ định việc có thiệt hại thì vụ điều tra chấm dứt ngay lập tức ở cả DOC và ITC.

 

Thủ tục điều tra sơ bộ về thiệt hại của ITC tương đối đơn giản:

 

-    Sau đơn kiện khoảng 1 tuần (có khi chỉ 1-2 ngày), ITC sẽ thông báo lịch trình cho việc điều tra sơ bộ về thiệt hại trên Công báo Liên bang;


-    Một cuộc điều trần giữa các cán bộ của ITC (chứ không phải là các ủy viên ITC, những người có quyền bỏ phiếu quyết định) với các bên liên quan (cả nguyên đơn và bị đơn trong vụ kiện) sẽ được thực hiện. Trong quá trình điều trần, các bên liên quan có thể trình các lập luận và thông tin mà mình cho rằng có thể thuyết phục các thành viên ITC trong quá trình ra quyết định;


-    ITC gửi các bảng câu hỏi đến các thành viên của ngành sản xuất nội địa liên quan của Hoa Kỳ, đến các nhà nhập khẩu sản phẩm bị kiện và đến các nhà xuất khẩu nước ngoài để thu thập thông tin cần thiết cho việc ra quyết định của ITC.

 

Thực tế

 

Khoảng thời gian dành cho giai đoạn điều tra sơ bộ của ITC rất ngắn, do đó, quy trình điều tra, xem xét thiệt hại sơ bộ của ITC được thực hiện rất nhanh, với các “chuẩn” để xem xét khá thấp. Cụ thể, trong giai đoạn điều tra sơ bộ này, ngành sản xuất nội địa chỉ cần đưa ra được “những dữ liệu hợp lý” rằng mình bị thiệt hại đáng kể hoạc bị đe dọa thiệt hại đáng kể là đủ để ITC ra kết luận sơ bộ khẳng định có thiệt hại.

 

Trên thực tế, kết quả điều tra sơ bộ về thiệt hại có chất lượng rất khác nhau giữa các vụ việc. Nếu vụ việc liên quan đến một ngành sản xuất đã được ITC điều tra trong một vụ việc trước đó, ITC đã có sẵn những dữ liệu quan trọng và nếu điều tra viên của ITC đã có kinh nghiệm với ngành này thì kết quả điều tra sơ bộ sẽ có chất lượng cao. Ngược lại, nếu vụ việc liên quan đến một ngành sản xuất mới, đặc biệt là những ngành có cấu trúc phức tạp, biến động, chất lượng thông tin thu được ở giai đoạn điều tra sơ bộ này rất hạn chế.

 

Với “chuẩn xem xét” thấp và thời gian hạn chế dẫn tới chất lượng thông tin thu thập không ổn định, hầu như trong các vụ việc kết luận sơ bộ của ITC thường là “khẳng định có thiệt hại đáng kể” và vụ việc được tiếp tục điều tra. Theo thống kê, ở Hoa Kỳ, chỉ có khoảng 15% vụ kiện chống bán phá giá nhận được kết luận sơ bộ của ITC về việc không có thiệt hại đáng kể (kết luận phủ định) và việc điều tra được chấm dứt ngay từ giai đoạn đầu này.

 

Lưu ý đối với doanh nghiệp

 

Mặc dù cơ hội để chấm dứt vụ kiện ngay từ giai đoạn điều tra sơ bộ về thiệt hại của ITC là không lớn nhưng các doanh nghiệp xuất khẩu vẫn cần cố gắng tham gia tích cực trong giai đoạn này, ít nhất vì lý do:

 

-    Đã từng có những vụ kiện mà ngành sản xuất nội địa của Hoa Kỳ có sai sót nghiêm trọng khi đưa đơn kiện (chú ý là việc xem xét trước Dự thảo Đơn kiện để hướng dẫn điều chỉnh do DOC chứ không phải ITC tiến hành) và do đó các nhà xuất khẩu nước ngoài có thể tận dụng điều này để thuyết phục ITC kết thúc vụ kiện;


-    Mặc dù khả năng nhận được kết quả khả quan (kết luận không có thiệt hại và chấm dứt vụ kiện) ở giai đoạn này là không lớn nhưng thống kê cho thấy nhiều vụ kiện đã được chấm dứt khi trong giai đoạn điều tra cuối cùng về vấn đề thiệt hại của ITC (khoảng 30-40%). Và nếu trong giai đoạn điều tra về thiệt hại ban đầu các nhà xuất khẩu đã tham gia tích cực thì có nhiều khả năng thuyết phục ITC xem xét vấn đề theo hướng có lợi cho mình và do đó cơ hội để thành công trong giai đoạn điều tra cuối cùng sẽ tăng lên. Nếu không tham gia từ giai đoạn đầu thì rất có khả năng nguyên đơn sẽ thuyết phục ITC đi theo các vấn đề có lợi cho họ và kết quả ở giai đoạn điều tra cuối cùng đương nhiên sẽ không dễ chịu với các nhà xuất khẩu bị đơn.

 

Cần lưu ý rằng việc điều tra thiệt hại mà ITC thực hiện (cả ở giai đoạn sơ bộ và giai đoạn cuối cùng) đều là thiệt hại chung mà việc nhập khẩu toàn bộ sản phẩm liên quan từ nước bị kiện vào Hoa Kỳ gây ra chứ không phải của việc nhập khẩu từ từng nhà xuất khẩu. Kết luận của ITC cũng sẽ áp dụng chung cho tất cả các nhà xuất khẩu liên quan chứ không riêng cho một nhà xuất khẩu nào. Vì vậy việc “chiến đấu” về vấn đề này cần được thực hiện một cách hiệp đồng giữa tất cả các nhà xuất khẩu liên quan (khác với việc chứng minh về biên độ phá giá nơi mỗi nhà xuất khẩu phải tự chứng minh cho mình).

 

Ngoài ra, trong trường hợp có nhiều nước cùng bị kiện, hầu như ITC sẽ tính toán thiệt hại gây ra cho ngành sản xuất nội địa Hoa Kỳ từ việc nhập khẩu sản phẩm bị kiện từ tất cả các nước bị kiện (gọi là thiệt hại cộng gộp) chứ không tính riêng cho từng nước. Vì vậy, việc có một chiến lược để kết hợp hoặc tách riêng thiệt hại là điều cần tính toán.

 

Theo qui định, ITC có thể xác định gộp ảnh hưởng về số lượng và giá cả gây ra bởi hàng hóa bị điều tra nhập khẩu từ tất cả các nguồn (các nước xuất khẩu khác nhau) nếu (i) các đơn kiện về các sản phẩm nhập khẩu từ các nguồn này được nộp cùng một ngày, của cùng một ngành sản xuất và (ii) nếu các hàng hóa nhập khẩu từ các nguồn khác nhau này cạnh tranh lẫn nhau và cạnh tranh với hàng nội địa. Thường thì cũng không khó khăn gì để ITC quyết định tính gộp thiệt hại từ nhiều nguồn khác nhau. Và khi đó các thiệt hại gây ra bởi việc nhập khẩu sản phẩm bị điều tra từ tất cả các nguồn sẽ được đánh giá như thể thiệt hại đó được gây ra từ việc nhập khẩu hàng từ một nước duy nhất. Vì vậy, kết luận khẳng định về việc có thiệt hại đối với ngành sản xuất nội địa cũng có nhiều khả năng xảy ra hơn trong những trường hợp như thế này.

 

Tuy nhiên, khi xác định thiệt hại để ra kết luận cuối cùng, ITC không được tính gộp đối với những trường hợp sau:

 

-    Hàng hóa nhập khẩu từ một nước nào đó đã bị điều tra trong một vụ chống phá giá khác đã kết thúc trước đó; hoặc


-    Hàng hóa nhập khẩu đã được DOC xác định là không bán phá giá trong quyết định sơ bộ (trừ khi DOC ra quyết định cuối cùng trước khi ITC ban hành quyết định cuối cùng về thiệt hại)


-    Các trường hợp đặc biệt khác (nhập khẩu từ Israel, nước thuộc hiệp ước CBERA...)

 

Nguồn: Trung tâm WTO và Hội nhập - VCCI

Quảng cáo sản phẩm