ITC điều tra vấn đề gì và theo chuẩn nào?

22/12/2022 03:51 - 2 lượt xem

ITC chịu trách nhiệm điều tra để xác định xem ngành sản xuất nội địa Hoa Kỳ có chịu thiệt hại đáng kể không và liệu thiệt hại đó có phải do việc nhập khẩu bán phá giá gây ra không. Quá trình này thường được đề cập đến dưới cái tên chung là « Điều tra thiệt hại ».


Theo quy định, hoạt động điều tra thiệt hại của ITC bao gồm các nhóm công việc chính sau (sắp xếp theo trình tự thời gian):


-    Định nghĩa “sản phẩm tương tự” (để từ đó xác định phạm vi ngành sản xuất nội địa Hoa Kỳ có liên quan;


-    Xác định thành phần ngành sản xuất nội địa Hoa Kỳ có liên quan (chủ yếu là xác định những doanh nghiệp nào không nằm trong diện này);


-    Xác định tình trạng của ngành sản xuất nội địa Hoa Kỳ liên quan (để xác định xem có đúng là đang hoặc có nguy cơ bị thiệt hại đáng kể hay không);


-    Xác định mối quan hệ nhân quả giữa việc hàng nhập khẩu bán phá giá và thiệt hại đáng kể của ngành sản xuất nội địa Hoa Kỳ.


Khác với điều tra của DOC với những phương pháp tính toán chi tiết mang tính kỹ thuật, điều tra của ITC khó định lượng hơn (bởi các yếu tố liên quan đều chủ yếu là định tính). Vì vậy, mặc dù vẫn có chuẩn chung (theo chuẩn của WTO về những nội dung bắt buộc phải điều tra) chuẩn xem xét của ITC để kết luận có hay không có thiệt hại và mối quan hệ nhân quả mang tính chủ quan hơn DOC. 


Lưu ý đối với doanh nghiệp


Thực tế các vụ điều tra chống bán phá giá ở Hoa Kỳ cho thấy trong khi số các vụ DOC đi đến kết luận không có phá giá hầu như rất ít thì tỷ lệ vụ việc ITC kết luận phủ định không có thiệt hại đáng kể hoặc mối quan hệ nhân quả lại lớn hơn nhiều (khoảng 15% các kết luận điều tra sơ bộ và khoảng 20-30% các kết luận điều tra cuối cùng của ITC).


Vì vậy, mặc dù khả năng dự báo kết quả trong điều tra thiệt hại của ITC thấp hơn nhiều so với kết quả điều tra của DOC (bởi điều tra ở ITC liên quan đến những yếu tố không định lượng được cụ thể và kết luận phụ thuộc nhiều vào quan điểm chủ quan của Ủy viên ITC), việc tập trung tham gia kháng kiện tại ITC là rất quan trọng và mang lại nhiều hy vọng khả quan hơn cho doanh nghiệp để thoát khỏi hoàn toàn vụ điều tra.


Đối với doanh nghiệp Việt Nam, với những phương pháp tính toán biên độ phá giá mà DOC hiện đang áp dụng (theo quy chế nền kinh tế phi thị trường), khả năng doanh nghiệp thoát ra khỏi vụ kiện chống bán phá giá nhờ biên độ phá giá dưới 2% là rất thấp (mặc dù vẫn có). Do đó doanh nghiệp không nên bỏ qua cơ hội kháng kiện rất có ý nghĩa tại ITC.


Nguồn: Trung tâm WTO và Hội nhập - VCCI

Quảng cáo sản phẩm