Kết luận cuối cùng của DOC có ảnh hưởng như thế nào đến doanh nghiệp xuất khẩu?

24/12/2022 12:38 - 2 lượt xem

Kết luận cuối cùng của DOC là kết luận chính thức về biên độ phá giá của từng nhà sản xuất xuất khẩu bị điều tra (và các biên độ phá giá khác cho những trường hợp tự nguyện hợp tác nhưng không phải là bị đơn bắt buộc và những trường hợp không hợp tác khác).

 

Nếu biên độ phá giá thấp hơn 2% thì sẽ được xem là biên độ không đáng kể (hay còn gọi là biên độ phá giá tối thiểu - de minimis) và kết luận cuối cùng tương ứng sẽ là “phủ định” (không có phá giá). Khi đó, vụ điều tra coi như chấm dứt hoàn toàn, không phụ thuộc vào kết luận cuối cùng của ITC là phủ định hay khẳng định.

 

Trường hợp biên độ phá giá không rơi vào trường hợp de minimis thì kết luận cuối cùng của DOC sẽ là “khẳng định” (có phá giá) và vụ điều tra sẽ vẫn được tiếp tục cho đến khi ITC ra kết luận cuối cùng về việc có thiệt hại đáng kể hay không.

 

Ngày kết luận cuối cùng của DOC được công bố trên Công báo liên bang có ý nghĩa quan trọng đối với việc nộp thuế chống bán phá giá tạm thời của doanh nghiệp. Cụ thể:

 

-    Trong giai đoạn từ khi có kết luận sơ bộ và kết luận cuối cùng, hàng hóa liên quan khi nhập khẩu sẽ phải chịu thuế bằng hoặc thấp hơn biên độ phá giá trong kết luận sơ bộ;


-    Sau khi DOC ban hành kết luận cuối cùng (cho đến khi ITC có kết luận cuối cùng về thiệt hại), mức thuế thu sẽ bằng biên độ phá giá trong kết luận cuối cùng của DOC (có thể thấp hơn hoặc cao hơn mức thuế trong kết luận sơ bộ). 

 

Lưu ý là các mức thuế theo kết luận cuối cùng không phải là mức thuế “cuối cùng”. Trên thực tế đây vẫn chỉ là mức thuế tạm thu (gọi là đặt cọc) cho giai đoạn tiếp theo, hết mỗi năm kể từ khi có quyết định áp thuế DOC có thể rà soát lại thực tế bán phá giá/trợ cấp trong năm đó để xác định mức thuế chính thức “cuối cùng”.

 

Nguồn: Trung tâm WTO và Hội nhập - VCCI

Quảng cáo sản phẩm