Kết luận cuối cùng của DOC được ban hành như thế nào?
24/12/2022 12:41
Kết luận cuối cùng của DOC về biên độ phá giá được ban hành dựa trên các thông tin mà các bên cung cấp theo bản trả lời Bảng câu hỏi. Tuy nhiên, một số nguyên tắc sau đây sẽ được ưu tiên áp dụng:
- DOC có quyền chỉ sử dụng các thông tin đã được xác minh tính chân thực (do vậy nếu có thông tin nào thay đổi qua quá trình xác minh thì DOC buộc phải sử dụng thông tin đã được xác minh);
- Nếu quá trình thẩm tra thực địa cho thấy có quá nhiều thay đổi về thông tin thì DOC có quyền không tính đến toàn bộ bản trả lời Bảng câu hỏi và sử dụng “thông tin sẵn có” như một hình thức trừng phạt đối với doanh nghiệp sản xuất xuất khẩu nước ngoài.
Thực tế
Phương pháp mà DOC sử dụng khi ra kết luận cuối cùng thường cũng gần giống phương pháp đã sử dụng khi ra kết luận sơ bộ. Tuy nhiên có những trường hợp có thay đổi hẳn về phương pháp tính toán sử dụng cho kết luận cuối cùng so với kết luận sơ bộ. Ví dụ kết luận sơ bộ có thể dùng phương pháp so sánh giá với giá để xác định biên độ phá giá thì kết luận cuối cùng có thể sử dụng phương pháp “trị giá tính toán” (xác định theo từng chi phí).
Thường là sau khi có kết luận cuối cùng DOC sẽ tiến hành một buổi “công khai hóa” để thông báo về các phương pháp và cách thức tính toán mà cơ quan này đã sử dụng để cho ra kết quả biên độ phá giá như trong kết luận cuối cùng. Trên thực tế, mức độ công khai hóa điều này chi tiết đến đâu phụ thuộc phần lớn vào cá nhân những người liên quan. DOC thường không thoải mái lắm khi công khai hóa các vấn đề này bởi một mặt cơ quan này buộc phải làm vậy để đảm bảo quyền tố tụng của các bên liên quan (để họ biết về vấn đề này và có cơ hội kháng kiện ra tòa bảo vệ quyền lợi của mình), mặt khác việc làm này mang lại nhiều rủi ro cho DOC (bởi nếu bị kiện ra tòa thì những thông tin công khai này sẽ bất lợi cho việc bảo vệ quyết định của họ). Gần đây, DOC có xu hướng minh bạch hơn. Cụ thể, cơ quan này thường ban hành “Bản ghi nhớ về các vấn đề và các quyết định” kèm theo Kết luận cuối cùng nhằm trả lời các tranh luận của các bên trong cuộc điều tra, và đưa ra kết luận hoặc quan điểm của DOC về mỗi lập luận đó.
Liên quan đến các vấn đề thuần túy sai sót kỹ thuật, DOC cũng có vẻ cởi mở hơn với việc cho phép các bên nêu yêu cầu điều chỉnh các sai sót về tính toán hoặc đánh máy trong các kết luận cuối cùng của mình và chấp nhận thực hiện những điều chỉnh này trong nhiều trường hợp.
Lưu ý đối với doanh nghiệp
Việc tiếp cận các phương pháp tính toán mà DOC sử dụng cho kết luận cuối cùng, phân tích và yêu cầu điều chỉnh đối với những sai sót thuần túy kỹ thuật là cơ hội gần như cuối cùng của các doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu liên quan để có thể điều chỉnh mức thuế chống bán phá giá theo hướng có lợi cho mình (đặc biệt khi thông lệ gần đây cho thấy DOC đã dễ chấp nhận việc này hơn). Vì vậy các doanh nghiệp cần đặc biệt chú ý đến các hoạt động liên quan trong giai đoạn này để thực hiện những nỗ lực cuối cùng nhằm giảm thiểu thiệt hại (giảm mức thuế hoặc đôi khi là thoát khỏi thuế này) trong vụ điều tra liên quan.
Nguồn: Trung tâm WTO và Hội nhập - VCCI
Các tin khác
- Thuế chống bán phá giá được qui định tại những văn bản nào trong pháp luật Hoa Kỳ? (24/12/2022)
- Biện pháp phòng vệ thương mại ở Hoa Kỳ là gì? (24/12/2022)
- Tính chất của các biện pháp phòng vệ thương mại Hoa Kỳ? (24/12/2022)
- Pháp luật và thực tiễn phòng vệ thương mại Hoa Kỳ bảo vệ ai? (24/12/2022)
- Ai có quyền yêu cầu điều tra chống bán phá giá? (24/12/2022)