Những điều chỉnh nào có thể thực hiện đối với Giá Xuất khẩu và Giá Thông thường?

23/12/2022 04:23 - 3 lượt xem

Để tính đến những khác biệt trong cấp độ thương mại giữa Giá xuất khẩu (giá bán sang thị trường Hoa Kỳ) và Giá thông thường (chỉ trong trường hợp Giá thông thường là giá bán tại thị trường nội địa) – những khác biệt khiến cho việc so sánh giữa hai loại giá này là không phù hợp với logic thông thường, theo quy định, DOC phải tiến hành điều chỉnh để cả hai loại Giá này trở về cùng cấp độ giá xuất xưởng (giá tại nhà máy của doanh nghiệp sản xuất xuất khẩu) để đảm bảo rằng việc so sánh được thực hiện giữa các lô hàng bán:


-    Các sản phẩm giống hệt hoặc gần giống;


-    Cho khách hàng ở cùng cấp độ thương mại;


-    Thực hiện tại cùng một thời điểm (giá tại cổng nhà máy); và


-    Theo các điều kiện bán hàng tương tự nhau.


Theo quy định, có một loạt các yếu tố có thể được điều chỉnh đối với Giá tại thị trường nội địa và Giá Xuất khẩu (xem Hộp dưới đây). Tuy nhiên việc chấp nhận điều chỉnh yếu tố nào lại phụ thuộc vào quyết định của DOC trong từng trường hợp. Vì vậy doanh nghiệp muốn DOC điều chỉnh yếu tố nào thì cần lưu ý đến các điều kiện mà DOC đặt ra liên quan đến yếu tố đó (điều kiện để được phép điều chỉnh) và đảm bảo rằng việc trả lời Bảng câu hỏi và cung cấp thông tin của mình thỏa mãn các điều kiện này. Chỉ có như vậy doanh nghiệp mới có thể hy vọng DOC sẽ chấp thuận các điều chỉnh đối với những yếu tố mà mình mong muốn.

 

Các yếu tố có thể được điều chỉnh vào giá

 

Điều chỉnh giá xuất khẩu (giá Mỹ)

 

•    Các khoản chiết khấu và hạ giá
•    Chi phí vận chuyển
•    Chi phí tín dụng được tính vào giá
•    Chi phí bán hàng trực tiếp
•    Tiền hoa hồng
•    Chi phí bán hàng gián tiếp
•    Lợi nhuận của đơn vị phụ thuộc (đối với trường hợp Giá xuất khẩu tính toán - CEP)

 

Điều chỉnh Giá tại thị trường nội địa nước xuất khẩu (chỉ áp dụng cho trường hợp Giá Thông thường tính theo cách 1 – tính toán theo Giá thực – đối với nước có nền kinh tế thị trường)

 

•    Chiết khấu và giảm giá
•    Chi phí vận chuyển
•    Chi phí tín dụng đã được tính vào giá
•    Chi phí bán hàng trực tiếp
•    Chi phí hàng tồn kho đã được tính vào giá
•    Chi phí bán hàng gián tiếp (phụ thuộc vào khoản đền bù CEP)
•    Tiền Hoa hồng
•    Chi phí đóng gói

 

Điều chỉnh để tính đến các khác biệt về sản phẩm

 

Theo quy định, để đảm bảo rằng Giá Xuất khẩu và Giá Thông thường (tính theo Giá thực) là các loại giá “có thể so sánh được”, chúng cần phải là giá của các sản phẩm giống nhau. Vì vậy, việc điều chỉnh để tính đến các khác biệt vật lý và kỹ thuật của sản phẩm được xuất khẩu sang Hoa Kỳ và sản phẩm được bán tại thị trường nội địa nước xuất khẩu là bắt buộc.

 

Trên thực tế DOC sẽ thực hiện điều chỉnh Giá tại thị trường nội địa nước xuất khẩu để khiến nó ở mức “so sánh được” với Giá xuất khẩu. Cụ thể, DOC sẽ cộng vào hoặc trừ đi phần chênh lệch giữa biến số chi phí sản xuất của sản phẩm bán tại thị trường nội địa nước xuất khẩu và biến số chi phí sản xuất của sản phẩm bán sang Hoa Kỳ (với điều kiện mức chênh lệch này không quá 20% tổng chi phí sản xuất của sản phẩm bán sang Hoa Kỳ - nếu mức chênh lệch cao hơn, hai sản phẩm không được xem như đủ tương tự để so sánh).

 

Để được thực hiện các điều chỉnh liên quan, các doanh nghiệp bị đơn có trách nhiệm cung cấp chứng cứ chứng minh mình có đủ điều kiện để được điều chỉnh, bao gồm:


-    Trách nhiệm chứng minh khẳng định: 


Đây là những trường hợp liên quan đến các khoản có thể bị điều chỉnh trừ khỏi Giá xuất khẩu (càng trừ nhiều thì Giá xuất khẩu càng giảm, gây thiệt hại cho doanh nghiệp bị đơn). Trong những trường hợp này, nếu doanh nghiệp không chứng minh được một khoản chi phí nào đó liên quan là có tồn tại và ở mức cụ thể nào đó, DOC có thể tự ý tăng chi phí đó lên đến hai, ba lần để điều chỉnh;


-    Trách nhiệm chứng minh phủ định: 


Nếu nguyên đơn viện dẫn đến một loại chi phí nào đó và đề nghị DOC trừ đi khỏi Giá xuất khẩu, pháp luật Hoa Kỳ buộc doanh nghiệp bị đơn phải chứng minh rằng chi phí đó là không tồn tại, nếu không DOC sẽ thực hiện việc điều chỉnh theo yêu cầu của nguyên đơn. Đây là việc rất khó khăn và trên thực tế thành công của việc chứng minh chủ yếu phụ thuộc vào việc hệ thống sổ sách kế toán của doanh nghiệp có đầy đủ và đáng tin cậy trong mắt các cán bộ điều tra DOC hay không và thái độ làm việc của doanh nghiệp có đủ để họ tin rằng doanh nghiệp đang nói đúng hay không.


Việc điều chỉnh này được thực hiện theo từng giao dịch. Tuy nhiên nếu cách này  là không thể thực hiện được thì DOC sẽ chấp nhận điều chỉnh theo bình quân gia quyền. Cụ thể, DOC có thể chấp nhận một mức điều chỉnh chung về một yếu tố nào đó cho tất cả các giao dịch trong suốt giai đoạn điều tra trừ khi có sự biến động mạnh giữa các tháng giao dịch.


Lưu ý đối với doanh nghiệp


Trường hợp nước xuất khẩu là nước có nền kinh tế phi thị trường (Việt Nam), Giá Thông thường không được lấy theo Giá bán sản phẩm tương tự tại thị trường Việt Nam nên việc điều chỉnh Giá không đặt ra.


Vì vậy, doanh nghiệp Việt Nam chỉ cần lưu ý tới các điều chỉnh đối với Giá xuất khẩu. Mục tiêu là đạt được càng nhiều điều chỉnh khiến Giá xuất khẩu cao lên càng tốt (bởi khi đó biên độ phá giá cũng sẽ giảm tương ứng).
 

Những loại điều chỉnh có thể thực hiện đối với Giá xuất khẩu

 

Theo quy định, DOC có thể thực hiện các điều chỉnh đối với Giá xuất khẩu về một số yếu tố, đặc biệt là:

 

(i) trừ khỏi Giá xuất khẩu các khoản (nếu đã được tính gộp vào giá XK trước đó) sau đây:

 

-    Chi phí vận chuyển (bao gồm cước vận chuyển nội hạt, thuê kho ở nước xuất khẩu; cước vận chuyển hàng đến Hoa Kỳ, cước vận chuyển nội hạt ở Hoa Kỳ, phí môi giới..) để đưa hàng hoá liên quan từ nơi bốc hàng tại nước xuất khẩu đến địa điểm giao hàng trên lãnh thổ Hoa Kỳ;


-    Thuế xuất khẩu hoặc các loại thuế, phí khác mà nước xuất khẩu đã đánh vào hàng hoá xuất khẩu sang Hoa Kỳ đó;

 

Trường hợp giá XK được tính theo cách 2 (giá XK tự tính toán) thì DOC sẽ còn trừ tiếp những khoản sau:

 

-    Chi phí bán hàng trực tiếp hoặc gián tiếp mà nhà sản xuất/xuất khẩu phải chịu


-    Chi phí cho bất kỳ một hoạt động lắp ráp thêm nào được thực hiện tại Hoa Kỳ


-    Lợi nhuận phân bổ từ việc bán hàng, phân phối và sản xuất thêm ở Hoa Kỳ 
 

(ii) cộng thêm vào Giá xuất khẩu các khoản (nếu chưa được tính gộp vào giá XK) sau đây:

 

-    Các chi phí bao bì, đóng gói và các chi phí khác liên quan để hàng hoá ở tình trạng đóng gói hoàn hảo sẵn sàng cho việc vận chuyển sang Hoa Kỳ;


-    Thuế nhập khẩu do nước xuất khẩu đánh vào nguyên liệu nhập khẩu để sản xuất hàng hóa nhưng đã được miễn trừ hoặc trả lại vì lý do hàng được xuất khẩu sang Hoa Kỳ; 


-    Thuế đối kháng (thuế chống trợ cấp) mà Hoa Kỳ đã áp dụng đối với sản phẩm (nếu có)

 

Nguồn: Trung tâm WTO và Hội nhập - VCCI

Quảng cáo sản phẩm