Những nhân tố sản xuất (FOP) nào được tính đến khi DOC xác định Giá Thông thường đối với NME?

22/12/2022 04:03 - 18 lượt xem

Theo thông lệ trong các vụ kiện chống bán phá giá đối với nước có nền kinh tế phi thị trường như Việt Nam, khi xác định Giá Thông thường cho từng bị đơn bắt buộc, DOC sẽ tính đến ít nhất 5 nhân tố sản xuất sau:

 

(i)    Nguyên liệu đầu vào (Bao gồm cả chi phí vận chuyển)


(ii)    Nhân công


(iii)    Năng lượng


(iv)    Sản phẩm phụ (thay thế)


(v)    Chi phí duy trì/vận hành tổ chức, chi phí hành chính, chi phí chung và lợi nhuận

 

Liên quan đến các nhân tố sản xuất này, bị đơn Việt Nam sẽ phải cung cấp:

 

-    Danh sách toàn bộ đầu vào được sử dụng để sản xuất hàng hóa (và phải phân biệt giữa đầu vào trực tiếp và đầu vào gián tiếp)


-    Số lượng thực tế của mỗi thành phần đầu vào để sản xuất ra 1 đơn vị hàng hóa (tính vào các yếu tố tính toán)

 

Lưu ý:

 

-    Mọi số liệu về nhân tố sản xuất mà bị đơn cung cấp phải dựa trên những chứng từ chứng minh thực tế (tức là số liệu phải lấy từ các báo cáo kế toán chi phí) và bị đơn phải trình được các chứng từ đó khi được yêu cầu (nếu không, số liệu sẽ không được chấp nhận);


-    Các số liệu này phải được bị đơn khai báo riêng cho các sản phẩm thuộc các số kiểm soát (CONNUM) khác nhau. Điều này gây ra rất nhiều khó khăn và tạo một gánh nặng lớn cho doanh nghiệp bởi thông thường doanh nghiệp không phân chia chi tiết các nhân tố đầu vào cho từng loại sản phẩm, và các loại sản phẩm theo phân biệt của DOC. Tuy nhiên, việc phân chia theo từng CONNUM này có ảnh hưởng lớn đến kết quả tính Biên độ phá giá của DOC.

 

DOC yêu cầu mỗi doanh nghiệp bị đơn phải cung cấp các thông tin rất chi tiết về các nhân tố sản xuất. Tuy nhiên, đối với mỗi loại nhân tố sản xuất, các yêu cầu của DOC có thể có điểm khác biệt mà bị đơn cần đặc biệt lưu ý.

 

(i)    Nhân tố 1 : Nguyên liệu đầu vào (nguyên liệu thô)

 

Doanh nghiệp bị đơn phải cung cấp đầy đủ thông tin về tất cả các loại nguyên liệu được sử dụng cho quá trình sản xuất ra sản phẩm và các nội dung liên quan đến các nguyên liệu đó, ví dụ:

 

- Danh sách toàn bộ nguyên liệu được sử dụng để sản xuất sản phẩm bị điều tra, bao gồm cả nguyên liệu được chế biến/xử lý trực tiếp, các nguyên liệu xúc tác/tham gia vào quá trình sản xuất ra sản phẩm, các nguyên liệu tham gia vào một phần và nguyên liệu tham gia vào cả quá trình sản xuất… (chú ý, DOC yêu cầu phải phân biệt giữa đầu vào trực tiếp và đầu vào gián tiếp);


- Số lượng thực tế của mỗi thành phần đầu vào để sản xuất ra 1 đơn vị hàng hóa (bao gồm cả số lượng theo tính toán và số lượng sử dụng thực tế);


- Nguyên liệu đầu vào bao gồm cả nguyên liệu cho việc sản xuất ra sản phẩm và nguyên liệu sử dụng làm bao bì đóng gói sản phẩm;


- Thông tin về khoảng cách địa lý giữa nhà cung cấp của bị đơn và nhà máy sản xuất (để tính giá chuyên chở nguyên liệu đầu vào đến nhà máy).
 

Chú ý là Bảng câu hỏi của DOC yêu cầu các bị đơn khai báo các nguyên liệu đầu vào sử dụng để sản xuất cho từng mẫu hoặc loại sản phẩm trong bảng kê các giao dịch bán hàng ở Mỹ, trong đó có tỷ lệ sản xuất không dành cho thị trường Mỹ.

 

DOC sẽ tính trị giá của mỗi loại nguyên liệu đầu vào bao gồm cả chi phí vận chuyển nguyên liệu đó như sau:

 

-    Chi phí vận chuyển = Khoảng cách x Giá vận chuyển thay thế


-    Giá đầu vào = FOP x (Giá đầu vào thay thế + Chi phí vận chuyển)
 

Có khả năng nào để bị đơn của nước NME được sử dụng chi phí nguyên liệu đầu vào thực của mình không?

 

Bình thường đối với trường hợp nước có nền kinh tế phi thị trường như Việt Nam, DOC sẽ định giá nguyên liệu thô (bao gồm cả nguyên liệu dùng để làm đồ đóng gói) bằng cách sử dụng các giá trị thay thế từ một nước thay thế (chứ không lấy chi phí thực mà bị đơn thực tế đã bỏ ra để mua nguyên liệu)

 

Tuy nhiên, đối với trường hợp của các bị đơn mua nguyên liệu thô từ các nước có nền kinh tế thị trường thì các bị đơn này có thể được sử dụng giá thực trả khi định giá nguyên liệu thô (“đầu vào từ nước có nền kinh tế thị trường”).

 

Để được hưởng quy chế này, việc mua nguyên liệu đầu vào phải đảm bảo các điều kiện:

 

 

–    Mua từ một chủ thể không có quan hệ phụ thuộc; và


–    Mua từ nước có nền kinh tế thị trường (trừ Hàn Quốc, Indonesia và Thái Lan); và


–    Thanh toán bằng tiền tệ của nước có nền kinh tế thị trường

 

Nếu hơn 33% tổng khối lượng nguyên liệu thô được mua từ “nền kinh tế thị trường”, DOC sẽ sử dụng trị giá mua từ nước có nền kinh tế thị trường này để định giá toàn bộ phần nguyên liệu thô của công ty liên quan.

 

Nếu phần nguyên liệu thô mua từ nước có nền kinh tế thị trường chiếm dưới 33% tổng nguyên liệu thô của công ty, DOC sẽ định giá toàn bộ nguyên liệu thô của công ty bằng bình quân gia quyền của giá mua từ nền kinh tế thị trường và trị giá thay thế.

 

(ii)    Nhân tố 2: Nhân công

 

Các bị đơn phải khai báo về toàn bộ giờ công lao động cần thiết để sản xuất hàng hóa. Số liệu khai báo phải được chứng minh bằng chứng từ thực tế (ví dụ bảng chấm công, bảng lương…)

 

DOC sẽ sử dụng phương pháp hồi quy để tính định mức chi phí lao động (nếu có điều chỉnh thì DOC chỉ điều chỉnh cách hồi quy mà thôi, không thể thuyết phục cơ quan này thay đổi định mức chi phí lao động). Số giờ lao động cần thiết để sản xuất ra một đơn vị hàng hóa sẽ được nhân với định mức chi phí lao động mà DOC đã tính toán, số liệu này sẽ là chi phí lao động sử dụng để tính giá thông thường.

 

(iii) Nhân tố 3: Năng lượng

 

Liên quan đến các loại năng lượng (điện, than, nước, khí gas, dầu hỏa, xăng…) mà doanh nghiệp bị đơn sử dụng để sản xuất ra sản phẩm bị điều tra, việc tính toán chi phí điện năng sẽ được thực hiện như sau:

 

-    Doanh nghiệp phải sử dụng sổ sách và ghi chép của mình để xác định tổng số năng lượng đã sử dụng để sản xuất ra một đơn vị sản phẩm và khai báo với DOC con số này. Chú ý là DOC sẽ dựa vào định mức tiêu thụ năng lượng trong Số liệu Thống kê Năng lượng Thế giới Cơ bản của Cơ quan Năng lượng Quốc tế để kiểm tra lại con số này.


-    DOC sẽ tính toán Chi phí năng lượng cho doanh nghiệp bị đơn bằng cách nhân số FOP điện năng đã sử dụng với giá thay thế cho điện năng do DOC xác định.
 

(iv)    Sản phẩm phụ

 

Nếu cùng một dây chuyền sản xuất, doanh nghiệp bị đơn sản xuất ra các sản phẩm phụ cùng với các sản phẩm chính (là sản phẩm bị điều tra) và doanh nghiệp có đủ dữ liệu về quá trình sản xuất đó thì trị giá của sản phẩm phụ đó có thể được trừ đi khỏi Giá thông thường tính cho doanh nghiệp đó.

 

(v)    Chi phí duy trì/vận hành tổ chức, chi phí hành chính, chi phí kinh doanh và lợi nhuận

 

Liên quan đến các yếu tố này, DOC thường sử dụng trực tiếp định mức tài chính của nhà sản xuất sản phẩm liên quan ở nước thay thế (tính trung bình các định mức của nhiều hơn một công ty thay thế).

 

Các định mức tài chính thay thế này có thể có tác động lớn đến biên độ phá giá.

 

Nguồn: Trung tâm WTO và Hội nhập - VCCI

Quảng cáo sản phẩm