Phương pháp để xác định tình trạng “thiệt hại đáng kể” của ngành sản xuất nội địa Hoa Kỳ?

22/12/2022 03:32 - 1 lượt xem

Việc xác định ngành sản xuất nội địa Hoa Kỳ có ở tình trạng hoặc bị đe dọa ở tình trạng “thiệt hại đáng kể” hay không là một trong hai quyết định quan trọng mà ITC cần thực hiện trong điều tra chống bán phá giá của mình.


Để đi đến kết luận này, ITC sẽ xem xét các số liệu về tình trạng của ngành sản xuất nội địa Hoa Kỳ trong 3 năm liền trước Đơn kiện ở các yếu tố kinh tế khác nhau, bao gồm:


-    Thị phần của nhà sản xuất nội địa;


-    Sản lượng nội địa;


-    Năng lực sản xuất và mức sử dụng thực tế;


-    Tình trạng tiêu thụ và tồn kho;


-    Tình trạng sử dụng lao động;


-    Khả năng sinh lời;


-    Khả năng tăng vốn; và


-    Chi phí cho nghiên cứu và phát triển (R&D).


Không yếu tố nào trong danh sách này được xem là quan trọng hơn các yếu tố khác, vì vậy rất khó có thể đoán định về quyết định cuối cùng của ITC về vấn đề này.


ITC tiến hành thu thập thông tin về các yếu tố này thông qua nhiều nguồn khác nhau, trong đó phải kể đến:


-    Các câu trả lời Bảng câu hỏi điều tra của ITC từ các bên;


-    Các nguồn thông tin độc lập (ví dụ từ Ủy ban Chứng khoán Hoa Kỳ)


-    Các bài báo


-    Điện thoại đến các thành viên ngành sản xuất nội địa


Về nguyên tắc các thông tin phải trực tiếp liên quan đến việc sản xuất kinh doanh sản phẩm tương tự với sản phẩm bị điều tra. Tuy nhiên nếu không có đủ thông tin về (và thường là như vậy), ITC sẽ thu thập thông tin về tình hình sản xuất kinh doanh của ngành theo dòng sản phẩm có chứa sản phẩm tương tự.


Về thị phần của ngành sản xuất nội địa


-    Nếu tiêu dùng nội địa tăng trong khi thị phần của ngành sản xuất nội địa lại giảm thì khả năng ITC kết luận có thiệt hại sẽ cao hơn;


-    Nếu tiêu dùng nội địa giảm, điều này đồng nghĩa với việc có nguyên nhân nào đó (ngoài việc nhập khẩu) gây ra thiệt hại cho ngành sản xuất nội địa (tình trạng lỗi thời, gu/thị hiếu tiêu dùng thay đổi, nhu cầu thay đổi…); trong trường hợp này khả năng ITC đi đến kết luận có thiệt hại đáng kể sẽ thấp hơn.


-    Trong mọi trường hợp, việc giảm thị phần nội địa là chỉ số tương đối quan trọng trong đánh giá về thiệt hại.


Về sản lượng nội địa


-    Yếu tố này thường được xem xét trong mối quan hệ với các yếu tố khác (nếu sự sụt giảm sản lượng nội địa không gắn với các lý do thị trường rõ ràng nào thì chỉ yếu tố này sẽ được gắn với các lý do về việc sụt giảm năng lực sản xuất, bán hàng hay nhân công đơn thuần và vì thế khả năng ITC đi đến kết luận có thiệt hại sẽ thấp hơn);


-    Nếu việc sụt giảm sản lượng nội địa được xác định là xuất phát từ lý do hàng nhập khẩu tăng quá mạnh thì khả năng ITC kết luận có thiệt hại là tương đối cao;


Về năng lực sản xuất và mức sử dụng thực tế


-    Nếu năng lực sản xuất của ngành sản xuất nội địa không đổi trong khi mức độ sử dụng thực tế giảm sút nghiêm trọng thì đây được xem là yếu tố tương đối rõ của « thiệt hại đáng kể » ;


-    Nếu ngành sản xuất nội địa đã sử dụng quá năng lực sản xuất thì ITC rất có thể sẽ kết luận rằng thiệt hại là do nguyên nhân nội tại của chính ngành sản xuất nội địa chứ không phải từ hàng nhập khẩu.


Tình trạng tiêu thụ và tồn kho


-    Số lượng bán hàng của ngành được xem là chỉ số về sức cạnh tranh của ngành, ngược lại việc xây dựng kho chứa được xem là biểu hiện của việc ngành đang gặp khó khăn;


-    Nếu doanh nghiệp của ngành ngừng tiêu thụ và bắt đầu xây dựng nhà kho thì khả năng ITC kết luận có thiệt hại sẽ cao.


Tình trạng sử dụng lao động


-    Việc giảm số lượng việc làm trong ngành được xem là biểu hiện cho thấy ngành đang không vận hành tốt; tình trạng thất nghiệp (tính cả số công nhân được sử dụng và số giờ công lao động) sẽ được xem như chỉ số quan trọng cho thấy có thiệt hại đáng kể;


-    Trên thực tế, đây là chỉ số rất được ITC chú trọng (xét trong bản chất bảo hộ của pháp luật chống bán phá giá Hoa Kỳ cũng như ý nghĩa chính trị của chỉ số thất nghiệp)
Khả năng sinh lời


-    Sự sụt giảm khả năng sinh lời (xét trong mối quan hệ với tình trạng sụt giảm giá bán) được coi là một biểu hiện của thiệt hại đáng kể;


-    Khả năng sinh lời cũng ảnh hưởng đến các yếu tố khác mà ITC xem xét (ví dụ khả năng sinh lời sụt giảm sẽ dẫn tới việc giảm nhân công, giảm chi phí dành cho R&D…)


Khả năng tăng vốn


-    Nếu một ngành gặp khó khăn, các nhà đầu tư hoặc đơn vị cung cấp vốn sẽ e dè hơn khi rót vốn vào ngành; vì vậy đánh giá của nhà đầu tư/đơn vị cung cấp vốn về tình trạng của ngành sẽ được ITC cân nhắc;


-    Nếu một doanh nghiệp gặp khó khăn trong việc vay vốn thì sẽ có khả năng bị xem là đang chịu “thiệt hại đáng kể”.


Chi phí cho nghiên cứu và phát triển (R&D)


-    Nhu cầu cho R&D tăng có thể là một chỉ số cho thấy ngành sản xuất đang chịu thiệt hại (đặc biệt đối với các ngành kỹ thuật cao);


Nguồn: Trung tâm WTO và Hội nhập - VCCI

Quảng cáo sản phẩm