Phương pháp định nghĩa “sản phẩm tương tự” của ITC?

22/12/2022 03:38 - 6 lượt xem

Trước khi tiến hành mọi hoạt động điều tra về thiệt hại, ITC phải thực hiện việc định nghĩa “sản phẩm tương tự”. Định nghĩa này sẽ là cơ sở để xác định phạm vi “ngành sản xuất nội địa của Hoa Kỳ” (bởi theo pháp luật Hoa Kỳ, ngành sản xuất nội địa Hoa Kỳ được xem xét là ngành sản xuất sản phẩm tương tự với sản phẩm bị điều tra), từ đó việc xem xét thiệt hại mà ngành này phải chịu và mối quan hệ nhân quả mới có thể thực hiện được. 


Với ý nghĩa này, việc định nghĩa “sản phẩm tương tự” sẽ có ảnh hưởng đến các phân tích về thiệt hại của ITC sau đó. 


Có 05 yếu tố mà ITC thường cân nhắc khi định nghĩa “sản phẩm tương tự”, bao gồm:


-    Sự tương đồng về mục đích sử dụng của sản phẩm;


-    Những đặc điểm vật lý và bề ngoài giống nhau;


-    Quy trình sản xuất và kênh phân phối chung;


-    Sự tương đồng về giá;


-    Quan điểm tương tự của khách hàng.


Không có yếu tố nào trong số các yếu tố nói trên có vai trò quyết định trong kết luận của ITC về sản phẩm tương tự. Vì vậy, trong quá trình lập luận, các doanh nghiệp cần lưu ý phối hợp và chứng minh cả 5 yếu tố nói trên để xác định xem sản phẩm nào là sản phẩm tương tự với sản phẩm bị điều tra.


Về mục đích sử dụng của các sản phẩm


-    Hai sản phẩm có mục đích sử dụng giống nhau hoặc có thể thay thế nhau thì dễ bị coi là sản phẩm tương tự;


-    Nếu một sản phẩm phục vụ một mục đích sử dụng riêng khác với sản phẩm bị điều tra và không thể chuyển đổi sang mục đích sử dụng như của sản phẩm bị điều tra thì khả năng lập luận rằng đó không phải sản phẩm tương tự sẽ cao hơn;


-    Trường hợp một sản phẩm có thể chuyển đổi để sử dụng cho nhiều mục đích khác nhau: ITC sẽ xem xét đến chi phí để chuyển đổi sản phẩm đó sang mục đích sử dụng như sản phẩm bị điều tra. Nếu người sử dụng cuối cùng lại là người tiêu dùng (các bà nội trợ chẳng hạn) thì dù chi phí chuyển đổi thấp, ITC vẫn có thể kết luận rằng hai sản phẩm đó không tương tự nhau. Ngược lại, nếu đối tượng sử dụng cuối cùng là các nhà sản xuất (dùng sản phẩm đó làm nguyên liệu đầu vào) thì dù chi phí chuyển đổi cao, vẫn có khả năng ITC xác định rằng đó là các sản phẩm tương tự nhau.


Về đặc tính vật lý của các sản phẩm


-    Hai sản phẩm càng có nhiều đặc tính vật lý giống nhau càng dễ được xem là tương tự nhau;


-    Nếu phần đặc tính vật lý chiếm đa số trị giá của hai sản phẩm là giống nhau thì khả năng chúng là sản phẩm tương tự sẽ lớn (như vậy là chấp nhận những khác biệt về vật lý nếu chung chiếm trị giá nhỏ trong trị giá của sản phẩm đem so sánh).


Về quy trình sản xuất


-    Hai loại sản phẩm càng giống nhau về quy trình, phương pháp sản xuất thì càng có khả năng được xem là “tương tự”nhau;


-    Việc hai sản phẩm có chung nhân công sản xuất và cơ sở hạ tầng cho sản xuất không có nghĩa là chúng “tương tự” nhau; tuy nhiên điều này lại có giá trị nếu kết hợp với các yếu tố khác;


-    Nếu hai loại sản phẩm được bán theo những kênh phân phối chung, bởi cùng một đội ngũ bán hàng và có cùng khách hàng thì khả năng kết luận chúng là sản phẩm tương tự sẽ lớn hơn.


Về giá cả


-    Giá là yếu tố quan trọng trong lựa chọn của khách hàng và vì vậy có thể được sử dụng để phân biệt các sản phẩm với nhau, tuy nhiên chỉ khác biệt về giá thôi thì không đủ để nói hai sản phẩm là khác nhau; 


-    Sự khác biệt về giá nếu kết hợp với những yếu tố khác (như mục đích sử dụng, đặc tính vật lý, quan niệm của người tiêu dùng…) có thể làm căn cứ phân biệt.


Về quan niệm của người tiêu dùng


-    Quan niệm của người tiêu dùng không thể là yếu tố duy nhất để xác định hai sản phẩm là tương tự nhau hay không nhưng nó có thể sử dụng nếu kết hợp với những yếu tố khác; tuy nhiên do khó có dữ liệu đầy đủ về quan niệm của người tiêu dùng nên ITC thường ít sử dụng yếu tố này;


-    Nếu người tiêu dùng cho rằng hai sản phẩm là khác nhau nhưng mục đích sử dụng và thành phần của sản phẩm là giống nhau thì ITC vẫn có khả năng kết luận hai sản phẩm là tương tự.


Trên thực tế, các bên trong vụ điều tra thường tranh cãi rất gay gắt về định nghĩa “sản phẩm tương tự” xung quanh 05 yếu tố nêu trên:


-    Bên nguyên đơn sẽ cố gắng thuyết phục ITC định nghĩa sản phẩm tương tự theo hướng nào đó để bao gồm ngành sản xuất nội địa bao gồm nhóm nhà sản xuất ở tình trạng tồi tệ nhất và loại trừ nhóm có khả năng cạnh tranh tốt (để tối đa hóa khả năng ITC kết luận rằng “ngành” đang phải chịu thiệt hại đáng kể);


-    Bên bị đơn lại cố gắng lập luận theo hướng ngược lại, để phạm vi ngành sản xuất nội địa có thể bao gồm nhóm các nhà sản xuất nội địa có tình hình kinh doanh khả quan (từ đó thuyết phục ITC rằng ngành này không hề chịu thiệt hại).


Lưu ý đối với doanh nghiệp


Việc định nghĩa sản phẩm tương tự có ảnh hưởng lớn đến các kết luận của ITC, vì vậy doanh nghiệp cần đặc biệt lưu ý đến việc kháng kiện liên quan đến vấn đề này.


Và mặc dù trong quá trình điều tra cuối cùng, ITC vẫn sẽ xem xét lại vấn đề này nhưng một khi những vấn đề cơ bản về “định nghĩa sản phẩm tương tự” đã được quyết định trong quá trình điều tra sơ bộ của ITC, chúng sẽ không được xem xét lại trong giai đoạn sau đó. Vì vậy doanh nghiệp cần đưa ra lập luận của mình về vấn đề này ngay từ giai đoạn điều tra ban đầu của ITC. 


Tuy nhiên, có một ngoại lệ cần lưu ý: nếu doanh nghiệp thực sự tin là mình có thể thắng trong phân tích của ITC về thiệt hại ngay từ giai đoạn điều tra sơ bộ thì cần cân nhắc việc tranh cãi về “sản phẩm tương tự” (bởi theo các luật sư có kinh nghiệm, khiếu nại về định nghĩa sản phẩm thường dẫn tới một kết luận sơ bộ khẳng định về thiệt hại – lý do: ITC không có đủ thời gian trong điều tra sơ bộ để xem xét một vấn đề khó như “định nghĩa sản phẩm tương tự” nên nếu có khiếu nại về vấn đề này, ITC thường sẽ ra kết luận sơ bộ khẳng định để có thời gian trong điều tra tiếp theo cho việc xử lý khiếu nại này).


Nguồn: Trung tâm WTO và Hội nhập - VCCI

Quảng cáo sản phẩm