Phương pháp xác định các yếu tố khác trong điều tra thiệt hại của ITC?

22/12/2022 03:22 - 1 lượt xem

Trong quá trình điều tra thiệt hại (xác định “thiệt hại đáng kể” và “mối quan hệ nhân quả”), tùy từng vụ việc cụ thể, ITC có thể sẽ xem xét thêm các vấn đề sau:

 

- Phương pháp cộng gộp (trong trường hợp vụ điều tra được tiến hành đồng thời với nhiều nước xuất khẩu);

 

- Các hình thức thiệt hại khác (trong trường hợp ITC xác định không có thiệt hại thực tế nhưng có bằng chứng cho thấy có khả năng xảy ra thiệt hại trong tương lai hoặc tác động ngăn cản sự hình thành một ngành sản xuất Hoa Kỳ);

 

Các nội dung này tuy không phải xuất hiện trong tất cả các vụ việc nhưng doanh nghiệp cũng cần tính đến để có chiến lược đầy đủ khi cần thiết.

 

Phương pháp cộng gộp

 

Trong trường hợp vụ điều tra chống bán phá giá được tiến hành cùng lúc với một sản phẩm nhập khẩu từ nhiều nước vào Hoa Kỳ (ví dụ vụ điều tra chống bán phá giá tôm nước ấm đông lạnh của Hoa Kỳ đối với Việt Nam, Thái Lan, Braxin, Trung Quốc, Ấn Độ, Ecuador), khi xác định xem có đúng là thiệt hại của ngành sản xuất nội địa là do hàng nhậu khẩu gây ra hay không, ITC có thể lựa chọn xem xét:

 

  1.  

- Hệ quả thiệt hại của việc nhập khẩu của từng nước xuất khẩu; hoặc

 

- Hệ quả thiệt hại của việc nhập khẩu của tất cả các nước bị kiện (cộng gộp).

 

Trường hợp ITC lựa chọn phương pháp (ii) thì hệ quả sẽ bất lợi hơn cho doanh nghiệp bị đơn (bởi khả năng kết luận khẳng định có mối quan hệ nhân quả lớn hơn nếu cộng gộp với các nước khác – đặc biệt trong các vụ kiện liên quan đến một nước xuất khẩu rất lớn và thiệt hại chủ yếu là do hàng nhập khẩu từ nước đó gây ra, nếu Việt nam là nước xuất khẩu nhỏ nhưng cùng bị điều tra thì sẽ dễ phải chịu hệ quả liên lụy).

 

Trước đây ITC có quyền lựa chọn sử dụng phương pháp cộng gộp hay không tùy ý. Từ năm 1984, pháp luật Hoa Kỳ đã được sửa đổi theo hướng bắt buộc ITC phải tính cộng gộp trong trường hợp có đủ các điều kiện sau:

 

- Việc nhập khẩu vào Hoa Kỳ của các nước này cùng đang bị điều tra chống bán phá giá;

 

- Sản phẩm nhập khẩu vào Hoa Kỳ của các nước này cạnh tranh với nhau và cạnh tranh với hàng nội địa của Hoa Kỳ;

 

- Việc marketing sản phẩm của các nước này tương tự nhau.

 

Trên thực tế, nếu sản phẩm bị điều tra từ các nước xuất khẩu được xếp chung vào một loại/dạng hàng hóa thì các điều kiện này rất dễ được đáp ứng. Vì vậy nếu trong một vụ điều tra về cùng một loại sản phẩm nhập khẩu từ nhiều nước và có thiệt hại thực tế đáng kể thì khả năng ITC sử dụng phương pháp tính toán cộng gộp này là tương đối chắc chắn.

 

Các hình thức thiệt hại khác

 

Trong một vụ điều tra chống bán phá giá, thiệt hại có thể xem như tồn tại dưới một trong ba hình thức sau:

 

- Thiệt hại thực tế (trên thực tế đã có thiệt hại xảy ra)

 

- Đe dọa thiệt hại (chưa có thiệt hại xảy ra nhưng khả năng lớn là sẽ xảy ra);

 

- Tác động kìm hãm sự hình thành một ngành sản xuất Hoa Kỳ.

 

 

Như vậy, ngay cả khi ITC xác định không có thiệt hại thực tế thì vẫn có khả năng cơ quan này kết luận khẳng định có thiệt hại nhưng là thiệt hại tồn tại dưới các hình thức khác.

 

Đe dọa thiệt hại

 

Để xác định có tồn tại “đe dọa thiệt hại” hay không, ITC sẽ thực hiện việc xem xét ý định xuất khẩu sang Hoa Kỳ của doanh nghiệp bị đơn cũng như tiềm năng xuất khẩu của doanh nghiệp trong tương lai.

 

Cụ thể, ITC sẽ xem xét:

 

- Doanh nghiệp bị đơn có còn dư năng lực sản xuất sản phẩm bị điều tra hay không ?

 

- Có sự tăng đột biến mới nào về thị phần của sản phẩm nhập khẩu không ?

 

- Lượng tồn có tại Hoa Kỳ của sản phẩm nhập khẩu có sự gia tăng đáng kể không ?

 

- Liệu có khả năng hàng nhập khẩu gây ra sự sụt giảm về giá (do hàng nhập khẩu có thị phần lớn hoặc do tình hình kinh doanh của ngành sản xuất nội địa Hoa Kỳ) không ?

 

Nếu qua quá trình xem xét các yếu tố này mà ITC xác định được các chứng cứ cho thấy nguy cơ thiệt hại là tương đối chắc chắn và rằng thiệt hại thực tế là « sắp xảy ra » thì cơ quan này có thể sẽ kết luận là có « nguy cơ thiệt hại ». Tuy nhiên, ITC sẽ không thể kết luận về « nguy cơ thiệt hại » chỉ dựa trên những thiệt hại suy đoán.

 

Lưu ý là trong trường hợp xác định « đe dọa thiệt hại » việc sử dụng phương pháp cộng gộp tác động từ nhiều nguồn (nếu có nhiều nước xuất khẩu cùng bị kiện) phụ thuộc vào cân nhắc của ITC về xu hướng nhập khẩu từ các nguồn. Nếu xu hướng từ các nguồn đều như nhau (ví dụ cùng tăng) thì ITC có thể dùng phương pháp cộng gộp. Nhưng nếu có nguồn tăng  lại có nguồn giảm thì ITC có thể quyết định không cộng gộp mà xem xét tác động gây thiệt hại của việc nhập khẩu theo từng nguồn nhập khẩu một.

 

Những trường hợp khó kết luận là có « nguy cơ thiệt hại »

 

- Nếu doanh nghiệp bị đơn có thị trường bán hàng lớn khác, kể cả là thị trường trong nước hay thị trường nước thứ ba

 

Trong trường hợp này, dù doanh nghiệp có gia tăng năng lực sản xuất thì cũng khó có thể nói việc này sẽ dẫn tới « cơn lũ » hàng xuất khẩu sang Hoa Kỳ để kết luận là nguy cơ thiệt hại sẽ rất cao;

 

- Nếu việc nhập khẩu sản phẩm bị điều tra vào Hoa Kỳ bị ràng buộc bởi các hiệp định đa phương, song phương hoặc lệnh hạn chế xuất khẩu bởi nước xuất khẩu

 

Trong trường hợp này, khả năng tăng nhập khẩu vào Hoa Kỳ một cách đột biến cũng không hiện thực, vì vậy khó có thể kết luận về nguy cơ thiệt hại ít nhất trong thời gian gần ;

 

Ngăn cản sự hình thành một ngành sản xuất

 

Trong trường hợp này, ngành sản xuất nội địa của Hoa Kỳ chưa được hình thành và thiệt hại được xem xét dưới tác động ngăn cản hoặc làm chậm quá trình hình thành ngành sản xuất nội địa liên quan của Hoa Kỳ.

 

Hình thức « thiệt hại » này rất hiếm khi được sử dụng trong thực tế điều tra của ITC.

 

Nguồn: Trung tâm WTO và Hội nhập - VCCI

Quảng cáo sản phẩm