Phương pháp xác định “mối quan hệ nhân quả” của ITC?

22/12/2022 03:30 - 1 lượt xem

Để có thể áp dụng biện pháp chống bán phá giá, cơ quan điều tra Hoa Kỳ phải chứng minh sự tồn tại đồng thời của cả ba yếu tố (i) hiện tượng bán phá giá; (ii) ngành sản xuất nội địa Hoa Kỳ phải chịu thiệt hại đáng kể và (iii) có mối quan hệ nhân quả giữa hành vi nhập khẩu bán phá giá và thiệt hại của ngành sản xuất nội địa Hoa Kỳ.


Vì vậy, ngay cả khi DOC đã kết luận có bán phá giá và ITC đã kết luận khẳng định có thiệt hại đáng kể, doanh nghiệp bị đơn vẫn còn cơ hội, cơ hội cuối cùng để thoát ra khỏi vụ việc: đó là chứng minh rằng thiệt hại mà ngành sản xuất nội địa Hoa Kỳ phải chịu không xuất phát từ nguyên nhân hàng nhập khẩu bán phá giá. 


Cũng giống như chuẩn xác định “thiệt hại đáng kể”, chuẩn xác định “mối quan hệ nhân quả” cũng không rõ ràng và phụ thuộc rất nhiều vào ý chí chủ quan của ITC. Pháp luật Hoa Kỳ chỉ quy định những vấn đề nguyên tắc (ví dụ các yếu tố cần xem xét, cân nhắc trong quá trình này) nhưng lại để ngỏ các nội dung định lượng (ví dụ mối quan hệ như thế nào được xem là “nhân quả”).


Trong quá khứ, mỗi Ủy viên ITC sử dụng một phương pháp khác nhau để xác định “mối quan hệ nhân quả” này. Kể cả thời điểm bắt đầu xem xét cũng khác nhau, có Ủy viên phân tích cả hai vấn đề “thiệt hại đáng kể” và “mối quan hệ nhân quả” đồng thời với nhau, có Ủy viên lại xem xét tình trạng của ngành sản xuất nội địa Hoa Kỳ, nếu xác định có thiệt hại đáng kể thì mới xem xét đến sự tồn tại “mối quan hệ nhân quả”. Kể từ những năm 90 trở lại đây, ITC thường chọn phương pháp xem xét đồng thời hai yếu tố này.


Theo quy định, khi xem xét mối quan hệ nhân quả ITC bắt buộc phải cân nhắc ít nhất các yếu tố sau:


-    Ảnh hưởng của lượng nhập khẩu;


-    Ảnh hưởng của giá;


-    Các tác động bất lợi.


Ngoài ra, pháp luật Hoa Kỳ cũng quy định rõ ITC không cần đánh giá mức độ tác động của các nguyên nhân khác gây ra thiệt hại của ngành sản xuất nội địa. Nói cách khác, chỉ cần chứng minh hàng nhập khẩu là “một” nguyên nhân gây ra thiệt hại mà không cần chứng minh đó là nguyên nhân duy nhất hay quan trọng nhất. Kể cả khi hàng nhập khẩu là nguyên nhân “ít quan trọng nhất” gây ra thiệt hại thì ITC vẫn có thể kết luận là có “mối quan hệ nhân quả” giữa hàng nhập khẩu bán phá giá và thiệt hại mà ngành sản xuất nội địa phải chịu.


Trên thực tế ITC sẽ tiến hành cân nhắc nhiều yếu tố khác nhau như:


-    Liệu mức nhập khẩu và mức tăng nhập khẩu có đáng kể không?


-    Liệu sản phẩm nhập khẩu có bị bán dưới giá của sản phẩm nội địa tương tự của Hoa Kỳ không?


-    Liệu ngành sản xuất nội địa Hoa Kỳ có bị mất đơn hàng vào tay hàng nhập khẩu hay không? và


-    Liệu việc giá bán của sản phẩm nội địa Hoa Kỳ có phải là đã bị giảm sút hoặc bị chặn không thể tăng được vì những lý do hợp lý về mặt kinh tế hay không?


Các yếu tố này sẽ được xem xét trong diễn tiến về mặt thời gian, cụ thể là trong 3 năm liền trước Đơn kiện, để có thể xác định xu hướng của chúng. Ví dụ nếu lượng nhập khẩu có xu hướng tăng lên đồng thời xu hướng giảm của giá cả tại thị trường Hoa Kỳ (hoặc xu hướng không thể tăng như bình thường của giá) thì ITC sẽ có khả năng kết luận có mối quan hệ nhân quả.


Trên thực tế, do quy định rằng hàng nhập khẩu chỉ cần là một nguyên nhân trong số các nguyên nhân gây ra thiệt hại là đủ để kết luận về “mối quan hệ nhân quả” nên thường thì nếu ITC đã kết luận khẳng định có thiệt hại thì cơ quan này cũng sẽ đi tới kết luận khẳng định rằng hàng nhập khẩu bán phá giá có “đóng góp” vào “thiệt hại” và vì vậy có tồn tại “mối quan hệ nhân quả”. Tuy nhiên, cũng có những trường hợp ITC kết luận không có mối quan hệ nhân quả, thường là trong các vụ mà ITC cho rằng thiệt hại mà ngành sản xuất nội địa của Hoa Kỳ phải chịu là do các nguyên nhân nội tại từ chính họ.


Lưu ý đối với doanh nghiệp


Trong quá trình điều tra về mối quan hệ nhân quả, nếu ITC đã kết luận là ngành sản xuất nội địa Hoa Kỳ đang phải chịu thiệt hại đáng kể thì doanh nghiệp bị đơn cần tập trung các lập luận của mình vào việc thuyết phục cơ quan này rằng các thiệt hại đó xuất phát từ chính những bất cập, tồn tại cố hữu hoặc tạm thời của ngành sản xuất nội địa Hoa Kỳ (ví dụ công nghệ lạc hậu, nhân công cao…) là chủ yếu. Ngoài ra, cũng cần lưu ý tới các nguyên nhân khách quan riêng (khủng hoảng kinh tế, thay đổi nhu cầu…) trong từng vụ việc.


Mục tiêu cuối cùng là làm sao để ITC thấy rằng những thiệt hại đáng kể mà ngành sản xuất nội địa Hoa Kỳ phải chịu không xuất phát từ hàng nhập khẩu.


Vì khả năng thắng ở ITC cao hơn nhiều lần so với khả năng thắng ở DOC nên doanh nghiệp cần chú ý đến “mặt trận này”, đặc biệt khi các tiêu chí để xem xét ở đây không rõ ràng và phụ thuộc nhiều vào quyết định chủ quan của các Ủy viên ITC. Vai trò của các lập luận trong việc thuyết phục các Ủy viên càng có ý nghĩa quan trọng hơn.


Nguồn: Trung tâm WTO và Hội nhập - VCCI

Quảng cáo sản phẩm