Phương pháp xác định “ngành sản xuất nội địa Hoa Kỳ” của ITC?

22/12/2022 03:36 - 1 lượt xem

Ngành sản xuất nội địa Hoa Kỳ được xác định bởi hai tiêu chí:


-    Sản xuất ra sản phẩm tương tự với sản phẩm nhập khẩu bị điều tra


-    Không có quan hệ phụ thuộc với các nhà sản xuất xuất khẩu nước ngoài và không nhập khẩu sản phẩm bị điều tra (để đảm bảo rằng họ không liên quan/không có cùng lợi ích với bị đơn).


Với hai “tính chất nêu trên” của khái niệm “ngành sản xuất nội địa Hoa Kỳ”, việc xác định phạm vi ngành sản xuất nội địa Hoa Kỳ sản xuất ra sản phẩm tương tự với sản phẩm nhập khẩu bị điều tra đã được thực hiện một phần sau khi ITC hoàn thành công việc định nghĩa « sản phẩm bị điều tra » (xem nội dung trình bày ở phần liền trước).


Như vậy, việc còn lại của ITC trong xác định phạm vi ngành sản xuất nội địa Hoa Kỳ là loại trừ các nhà sản xuất có quan hệ phụ thuộc với nhà sản xuất xuất khẩu nước ngoài và/hoặc đang nhập khẩu sản phẩm bị điều tra.


Trên thực tế, một nhà sản xuất nội địa Hoa Kỳ có bị loại trừ khỏi phạm vi “ngành sản xuất nội địa Hoa Kỳ” trong một vụ điều tra chống bán phá giá hay không phụ thuộc chủ yếu vào đánh giá chủ quan của ITC dựa trên các yếu tố sau:


-    Tỷ lệ phần trăm sản xuất nội địa của nhà sản xuất nội địa đang nhập khẩu hoặc có quan hệ phụ thuộc đó;


-    Lý do mà nhà sản xuất nội địa Hoa Kỳ quyết định nhập khẩu sản phẩm bị điều tra (từ đó để xác định xem công ty nhập khẩu để hưởng lợi từ việc bán hàng nhập khẩu hay buộc phải nhập khẩu để duy trì sản xuất và cạnh tranh trên thị trường Hoa Kỳ);


-    Liệu việc đưa nhà sản xuất đó vào phạm vi ngành sản xuất nội địa có khiến số liệu tổng thể về ngành sản xuất nội địa Hoa Kỳ bị lệch lạc đi hay không?


-    Tỷ lệ nhập khẩu vào Hoa Kỳ so với sản xuất nội địa của nhà sản xuất đó và lợi ích chính của nhà sản xuất đó nằm ở sản xuất nội địa hay ở việc nhập khẩu.


Vì không có chuẩn pháp lý cho việc “loại trừ” này mà chủ yếu phụ thuộc vào ITC nên vấn đề của các bên là thuyết phục ITC loại trừ hoặc đưa vào phạm vi ngành sản xuất nội địa những nhà sản xuất nhất định phù hợp với lợi ích của mình. Các cán bộ ITC tiến hành thu thập thông tin về các yếu tố nêu trên để ITC xem xét chỉ khi và đối với những trường hợp mà các bên nêu vấn đề “loại trừ”.


Ngoài khái niệm “ngành sản xuất nội địa Hoa Kỳ” thông thường nói trên (tức là xét trên toàn lãnh thổ liên bang Hoa Kỳ), pháp luật Hoa Kỳ cho phép trong một số trường hợp khái niệm này được hạn chế ở cấp “vùng”. Điều này có lợi cho bên nguyên đơn bởi khi đó việc phân tích thiệt hại sẽ hạn chế ở một nhóm nhà sản xuất nội địa một vùng (mức độ thiệt hại có thể “đậm đặc” hơn) thay vì phân tích thiệt hại trên toàn quốc (mức độ “loãng” hơn). Theo quy định, khái niệm “ngành sản xuất nội địa vùng” chỉ được chấp nhận trong trường hợp ITC xác định được sự tồn tại của đầy đủ các yếu tố sau:


-    Các nhà sản xuất nội địa bán “tất cả hoặc hầu như tất cả” sản phẩm thuộc nhóm “sản phẩm tương tự với sản phẩm bị điều tra” cho khách hàng tại một thị trường cấp vùng chứ không phải khách hàng trên toàn lãnh thổ Hoa Kỳ;


-    Khách hàng trong khu vực thị trường đó không mua một lượng đáng kể sản phẩm tương tự từ các nhà sản xuất nội địa Hoa Kỳ ngoài vùng đó; và


-    Việc nhập khẩu sản phẩm bị điều tra cũng chỉ tập trung ở vùng đó.


Trên thực tế, với xu hướng mở rộng phạm vi phân phối để tạo lập thêm càng nhiều càng tốt, khả năng ITC chấp nhận khái niệm “ngành sản xuất nội địa vùng” không nhiều. Doanh nghiệp bị đơn thường chỉ cần chứng minh rằng không phải tất cả lượng nhập khẩu đều nhập vào một cửa khẩu Hoa Kỳ là đủ.


Lưu ý đối với doanh nghiệp


Doanh nghiệp bị đơn sẽ có lợi nếu thuyết phục được ITC loại trừ các nhà sản xuất ở tình trạng yếu kém ra khỏi ngành sản xuất nội địa và giữ lại các nhà sản xuất có tình trạng khả quan càng nhiều càng tốt (bởi khi đó bức tranh chung về tình hình ngành sản xuất nội địa Hoa Kỳ sẽ sáng sủa hơn – và do đó việc chứng minh họ không ở tình trạng “thiệt hại đáng kể”cũng sẽ dễ thuyết phục hơn).


Vì vậy ngay khi doanh nghiệp bị đơn biết về Đơn kiện, doanh nghiệp có thể dùng các số liệu về kinh doanh và cạnh tranh trên thị trường Hoa Kỳ của chính mình để bước đầu xác định những nhà sản xuất nội địa nào của Hoa Kỳ nên được loại trừ khỏi ngành sản xuất nội địa Hoa Kỳ (đặc biệt là các nhà sản xuất đứng tên trong Đơn kiện).


Và vì cán bộ ITC chỉ tiến hành thu thập thông tin về vấn đề này đối với các trường hợp được nêu ra nên doanh nghiệp cùng với luật sư của mình cần xác định ngay từ giai đoạn đầu vụ kiện về việc liệu có cơ sở vững chắc để nêu vấn đề này ra trước ITC hay không để thực hiện việc này sớm.

 

Tại sao Hoa Kỳ lại có quy định loại trừ một số nhà sản xuất nội địa khỏi khái niệm ngành sản xuất nội địa Hoa Kỳ?

 

Mục tiêu của biện pháp chống bán phá giá của Hoa Kỳ là để bảo vệ ngành sản xuất nội địa Hoa Kỳ nói chung chứ không phải bảo vệ một vài công ty nước ngoài có một vài cơ sở sản xuất tại Hoa Kỳ hay một vài công ty có lợi ích gắn với nước ngoài nhiều hơn trong nước. Điều này trước đây có thể thực hiện tương đối rõ ràng.

 

Tuy nhiên cùng với quá trình toàn cầu hóa, với các công ty/tập đoàn xuyên quốc gia xuất hiện ngày càng nhiều và đã có không ít các trường hợp một doanh nghiệp thành viên của ngành sản xuất nội địa Hoa Kỳ lại hóa ra mang tính “ngoại quốc” hơn là “tính Mỹ”. Bên cạnh đó, luồng hàng hóa dịch chuyển giữa các quốc gia khiến một số doanh nghiệp Hoa Kỳ gắn lợi ích với doanh nghiệp nước ngoài thông qua việc nhập khẩu hơn là lợi ích của ngành sản xuất nội địa Hoa Kỳ.

 

Vì vậy, khi ITC xác định được rằng một doanh nghiệp có lợi ích gắn với hoạt động nhập khẩu hay các công ty nước ngoài liên quan chứ không phải lợi ích của ngành sản xuất nội địa, ITC có quyền loại trừ doanh nghiệp đó khỏi phạm vi ngành sản xuất nội địa Hoa Kỳ (và do đó, ý kiến hay tình trạng kinh doanh của doanh nghiệp đó không ảnh hưởng đến đánh giá của hoặc về ngành sản xuất nội địa Hoa Kỳ).

 

Quy định này đã được thừa nhận trong Hiệp định về chống bán phá giá của WTO.

 

Nguồn: Trung tâm WTO và Hội nhập - VCCI

Quảng cáo sản phẩm