Quyền trình bày của các bên liên quan trong vụ việc PVTM được bảo đảm như thế nào?
21/12/2022 11:26
Các thủ tục điều tra, áp dụng biện pháp PVTM là các thủ tục “bán tư pháp” (tức là các thủ tục hành chính nhưng có tính chất tố tụng tư pháp). Vì vậy, các cơ quan có thẩm quyền trong vụ việc PVTM có nghĩa vụ phải bảo đảm các quyền tố tụng của các bên liên quan, trong đó đáng chú ý có quyền được trình bày trước Cơ quan có thẩm quyền.
Theo quy định của Ấn Độ, các bên liên quan trong vụ việc điều tra PVTM phải được tạo cơ hội thích hợp để trình bày trường hợp của mình trong suốt quá trình điều tra, trong đó đáng chú ý là quyền trình bày trong các giai đoạn sau:
- Giai đoạn bắt đầu tố tụng: Các bên có quyền nộp đệ trình ý kiến, Tổng vụ PVTM Ấn Độ (DGTR) có trách nhiệm xem xét kịp thời các đệ trình này khi xem xét và đưa ra các kết quả sơ bộ của mình, (nếu có).
- Giai đoạn sau khi áp dụng các biện pháp tạm thời (nếu có): Các bên có quyền (i) gửi bình luận, phản hồi của mình đối với các kết quả sơ bộ trong thời hạn quy định và (ii) tiếp tục gửi các dữ kiện và số liệu cho DGTR trong giai đoạn xác minh thông tin của họ.
- Phiên điều trần chính thức: Tại phiên điều trần, tất cả các bên liên quan đều có cơ hội đệ trình ý kiến của mình trước DGTR (các ý kiến đệ trình nếu bằng lời nói thì sau đó phải được đệ trình lại bằng văn bản).
- Trước khi ban hành kết luận cuối cùng: DGTR có trách nhiệm cân nhắc, xem xét tất cả các đệ trình và phản hồi của tất cả các bên liên quan. Trước khi ra kết luận cuối cùng, DGTR phải công bố các thông tin quan trọng làm cơ sở cho các kết quả cuối cùng để tất cả các bên bình luận.
Nguồn: Trung tâm WTO và Hội nhập - VCCI
Các tin khác
- Có những biện pháp PVTM nào ở Ấn Độ? (21/12/2022)
- Việc điều tra và áp dụng biện pháp PVTM tại Ấn Độ được quy định ở đâu? (21/12/2022)
- Điều kiện áp dụng biện pháp PVTM ở Ấn Độ là gì? (21/12/2022)
- Một vụ việc PVTM ở Ấn Độ bao gồm những bước cơ bản nào? (21/12/2022)
- Vụ kiện PVTM ở Ấn Độ có thể do Cơ quan Nhà nước tự khởi xướng không? (21/12/2022)