Rà soát hành chính là gì?

24/12/2022 12:02 - 3 lượt xem

Hoa Kỳ áp dụng phương pháp hồi tố trong việc áp dụng biện pháp chống bán phá giá. Điều này có nghĩa là các mức thuế được nêu trong Lệnh áp thuế chống bán phá giá chỉ là tạm thời, được sử dụng làm căn cứ để tính mức ký quỹ cho các lô hàng nhập khẩu liên quan sau thời điểm có lệnh áp thuế; mức thuế chính thức sẽ được xác định bởi quá trình rà soát hành chính thực hiện mỗi năm sau đó.

 

Rà soát hành chính (administrative review), vì thế, là quá trình tính toán biên độ bán phá giá thực tế trong năm để xác định mức thuế chính thức của năm đó. Kết quả rà soát hành chính sẽ là mức thuế chính thức cho năm liền trước rà soát (hải quan sẽ thực hiện việc hoàn thuế nếu mức thuế chính thức thấp hơn mức thuế tạm thu ký quỹ trước đó hoặc truy thu thuế bổ sung nếu mức thuế chính thức cao hơn mức thuế tạm thu ký quỹ). Kết quả này cũng là mức thuế tạm thời áp dụng cho năm liền sau rà soát này.

 

Các rà soát hành chính cứ tiến hành như vậy cho đến khi lệnh áp thuế được áp dụng hết 5 năm (khi đó thay vì rà soát hành chính, DOC và ITC sẽ tiến hành rà soát cuối kỳ, thường được biết đến dưới tên “rà soát hoàng hôn” – sunset review).

 

Thủ tục rà soát hành chính gần giống với điều tra ban đầu về phá giá. Rà soát hành chính chỉ là điều tra về biên độ phá giá, không bao gồm điều tra về thiệt hại như trong điều tra ban đầu.

 

Thực tế

 

Việc rà soát hành chính được tiến hành trên thực tế như sau:

 

- Thời điểm:

 

Rà soát hành chính được tiến hành vào tháng tròn từng năm áp dụng biện pháp chống bán phá giá;

 

- Điều kiện:

 

Rà soát hành chính chỉ được DOC thực hiện khi có yêu cầu rà soát của một trong các bên của vụ điều tra ban đầu. Đây được xem như một hình thức “hạn chế” việc rà soát hành chính (so với quy định rà soát tự động trước đây). Nếu không có bên nào yêu cầu rà soát, DOC sẽ sử dụng mức thuế tạm thời đã tính trước đó làm mức thuế chính thức cho năm liên quan, và sử dụng mức thuế này làm mức thuế tạm thời cho năm kế tiếp. Trên thực tế, bên nguyên đơn thường yêu cầu rà soát hành chính.

 

- Thời hạn:

 

Rà soát hành chính thường được thực hiện trong khoảng 1 năm kể từ ngày có quyết định tiến hành rà soát. Trên thực tế DOC thường chậm trễ trong việc rà soát, có những rà soát kéo dài cả vài năm (trong thời gian đó doanh nghiệp phải nộp thuế tạm thời theo mức thuế được xác định trong đợt điều tra/rà soát liền trước đó). Rất may là gần đây những rà soát của DOC đã được thực hiện nhanh hơn;

 

- Thủ tục:

 

Về nguyên tắc, việc rà soát được thực hiện như thủ tục điều tra phá giá ban đầu. Trên thực tế thủ tục này thường ít được lưu ý, và do đó không chặt chẽ như thủ tục điều tra ban đầu. Gần đây các rà soát của DOC đã chặt chẽ hơn về thủ tục so với trước đây;

 

- Phương pháp:

 

DOC sử dụng các phương pháp xác định biên độ phá giá như trong điều tra ban đầu với một số khác biệt nhỏ liên quan đến phương pháp so sánh, zeroing và ghép mẫu (Xem Hộp dưới đây);

 

- Khả năng thoát khỏi vụ điều tra:

 

Theo quy định của Hoa Kỳ, doanh nghiệp nào đạt được biên độ phá giá/trợ cấp tối thiểu (chú ý là biên độ tối thiểu trong rà soát lại là 0,5% - so với 2% của điều tra ban đầu) trong 3 lần rà soát hành chính liên tiếp thì sẽ được “thoát” hoàn toàn khỏi thuế này. Tuy nhiên, trên thực tế, không dễ đạt được điều kiện này (bởi nguyên đơn và cơ quan điều tra có nhiều cách để khiến doanh nghiệp không thể đáp ứng điều kiện này).

 

Những khác biệt về phương pháp trong rà soát hành chính so với điều tra phá giá trong vụ điều tra ban đầu

 

- Phương pháp so sánh:

 

Khi tính toán mức phá giá, DOC tiến hành so sánh giá thông thường bình quân gia quyền với giá xuất khẩu của từng giao dịch (trong khi trong điều tra gốc DOC có thể lựa chọn một trong ba phương pháp so sánh).

 

- Phương pháp zeroing

 

Sau khi bị phán quyết vi phạm Hiệp định chống bán phá giá của WTO trong một số vụ tranh chấp, Hoa Kỳ đã phải chấp nhận bỏ phương pháp zeroing trong điều tra gốc. Tuy nhiên, Hoa Kỳ vẫn duy trì phương pháp này trong điều tra rà soát hành chính.

 

- Phương pháp ghép mẫu

 

DOC vẫn sử dụng phương pháp ghép mẫu CONNUM trong điều tra rà soát hành chính như trong điều tra gốc. Tuy nhiên, khác với điều tra gốc (không có quy định gì về thời điểm của các lô hàng có sản phẩm ghép mẫu), trong điều tra rà soát hành chính, DOC chỉ thực hiện việc ghép mẫu trong 3 tháng liền trước và 3 tháng liền sau giao dịch được xem xét

 

Lưu ý đối với doanh nghiệp

 

Như đã trình bày, mục tiêu của rà soát hành chính là xác định biên độ phá giá trong năm liên quan, từ đó xác định mức thuế chống bán phá giá/chống trợ cấp chính thức của năm đó cho các nhà xuất khẩu liên quan. Phương pháp tính thuế “hồi tố” này của Hoa Kỳ dựa trên logic rằng mức thuế trong lệnh áp thuế chỉ dựa trên biên độ phá giá được xác định cho giai đoạn điều tra, tức là thời gian trước khi có đơn kiện; vì vậy chúng chỉ có thể là căn cứ tạm thời để thu thuế chống bán phá giá; còn mức thuế thực phải được xác định dựa trên biên độ phá giá của chính giai đoạn sau khi áp thuế. Đây có vẻ là một logic đúng, tuy nhiên nó lại gây rất nhiều khó khăn cho doanh nghiệp xuất khẩu bởi:

 

- Doanh nghiệp không thể chắc chắn về mức thuế mà hàng hóa của mình phải chịu, và do đó sẽ rất khó để xác định một chiến lược cạnh tranh, đặc biệt là chiến lược về giá dài hơi và ổn định;

 

- Quá trình rà soát hành chính được thực hiện trong thời gian tương đối dài (ít nhất là 1 năm), vì vậy doanh nghiệp xuất khẩu có thể luôn bị đặt trong tình thế phải tham gia liên tiếp các cuộc rà soát giá gối đầu từ năm này qua năm khác.

 

Đây là một trong nhiều lý do khiến các vụ điều tra chống bán phá giá/chống trợ cấp trở thành gánh nặng lớn và lâu dài đối với các doanh nghiệp xuất khẩu, ngay cả khi quá trình điều tra ban đầu đã kết thúc và lệnh áp thuế đã có hiệu lực. Doanh nghiệp nếu được lựa chọn làm bị đơn bắt buộc trong các cuộc rà soát hành chính cần tham gia với luật sư và tất cả những lưu ý như đối với cuộc điều tra ban đầu mới hy vọng có thể giảm thiểu thiệt hại (với mức thuế thấp nhất có thể).

 

Ngoài ra, doanh nghiệp cần đặc biệt chú ý đến khả năng có thể thoát hoàn toàn khỏi thuế chống bán phá giá/chống trợ cấp liên quan nếu đạt được biên độ không đáng kể trong 3 lần rà soát hành chính liên tiếp. Khả năng này tuy không lớn nhưng lợi ích nếu đạt được rất ý nghĩa đối với doanh nghiệp nên doanh nghiệp cần chú ý để có chiến lược phù hợp.

 

Nguồn: Trung tâm WTO và Hội nhập - VCCI

Quảng cáo sản phẩm