Rà soát hoàng hôn là gì?

24/12/2022 11:45 - 28 lượt xem

Theo quy định của pháp luật Hoa Kỳ từ năm 1994 (sửa đổi theo Hiệp định về chống bán phá giá của WTO) thì một lệnh áp thuế chống bán phá giá hay thỏa thuận đình chỉ sẽ không còn hiệu lực sau năm năm kể từ ngày có lệnh áp thuế nếu cơ quan có thẩm quyền không tiến hành rà soát hoàng hôn.

 

Về tính chất

 

Biện pháp chống bán phá giá (dưới dạng thuế hoặc thỏa thuận đình chỉ) có hiệu lực ban đầu là 05 năm; kết thúc giai đoạn này, DOC và ITC sẽ tiến hành rà soát cuối kỳ (còn gọi là rà soát hoàng hôn – sunset review) để xem xét có tiếp tục lệnh áp thuế thêm 5 năm nữa hay chấm dứt thuế.

 

-    Nếu cả DOC và ITC sau quá trình rà soát hoàng hôn mà đi đến kết luận rằng việc chấm dứt biện pháp chống bán phá giá sẽ dẫn tới hiện tượng tiếp diễn hoặc tái diễn tình trạng phá giá và thiệt hại cho ngành sản xuất nội địa Hoa Kỳ thì biện pháp chống bán phá giá sẽ tiếp tục có hiệu lực thêm 5 năm nữa (và sau 5 năm đó quy trình rà soát hoàng hôn này sẽ lặp lại tương tự).


-    Nếu một trong hai hoặc cả hai cơ quan (DOC hoặc ITC) kết luận phủ định (rằng việc bán phá giá và/hoặc thiệt hại sẽ không tiếp tục hoặc tái diễn sau khi chấm dứt biện pháp chống bán phá giá) thì biện pháp này sẽ chính thức chấm dứt (chấm dứt hoàn toàn vụ việc).
 

Về thủ tục

 

Rà soát hoàng hôn được DOC và ITC tiến hành tự động khi lệnh áp thuế chống bán phá giá hoặc thỏa thuận đình chỉ đã được áp dụng 5 năm (không cần yêu cầu rà soát hoàng hôn của bất kỳ bên nào). Kể từ năm 2005, thông báo về rà soát hoàng hôn được DOC đăng trên Công báo hàng tháng (chứ không gửi thư thông báo đến từng đối tượng liên quan như trước đó).

 

 Việc rà soát của mỗi cơ quan được tiến hành độc lập, cụ thể:

 

-    Bước 1: DOC tiến hành rà soát xem việc chấm dứt thuế hoặc thỏa thuận đình chỉ có làm tiếp diễn hoặc tái diễn tình trạng bán phá giá không, và nếu có thì biện phá giá sẽ là bao nhiêu.


-    Bước 2: DOC thông báo kết quả rà soát hoàng hôn của mình cho ITC.


-    Bước 3: ITC tiến hành rà soát xem việc chấm dứt thuế hoặc thỏa thuận đình chỉ có làm tiếp diễn hoặc tái diễn thiệt hại đáng kể đối với ngành sản xuất nội địa Hoa Kỳ không và thông báo kết quả điều tra của mình cho DOC


-    Bước 4 : DOC công bố quyết định chính thức về việc tiếp tục hoặc chấm dứt biện pháp chống bán phá giá (tùy thuộc vào kết quả điều tra của DOC và ITC).

 

Toàn bộ quá trình rà soát hoàng hôn này kéo dài khoảng 01 năm.

 

Về chuẩn áp dụng

 

Chuẩn rà soát hoàng hôn của DOC

 

Trong điều tra rà soát hoàng hôn của DOC, việc xác định khả năng có tiếp diễn hoặc tái diễn hiện tượng bán phá giá hay không được thực hiện dựa trên số liệu về

 

-    Biên độ phá giá bình quân gia quyền của các công ty trong điều tra gốc và các rà soát hành chính hàng năm; và 


-    Mức độ nhập khẩu hàng hóa là đối tượng bị áp dụng biện pháp chống bán phá giá vào Hoa Kỳ sau khi có lệnh áp dụng biện pháp.

 

DOC có xu hướng sẽ kết luận rằng hiện tượng bán phá giá sẽ tiếp tục hoặc tái diễn nếu biện pháp chống bán phá giá chấm dứt nếu tồn tại một trong ba điều kiện sau:

 

-    Việc phá giá trên thực tế cao hơn biên độ tối thiểu (0,5%) sau khi có lệnh áp dụng biện pháp thuế;


-    Việc nhập khẩu hàng hóa là đối tượng của biện pháp chống bán phá giá chấm dứt sau lệnh áp thuế; hoặc


-    Việc phá giá được loại trừ sau khi có lệnh áp thuế hoặc thỏa thuận đình chỉ, và việc nhập khẩu giảm.

 

DOC lập luận đơn giản là nếu một trong ba yếu tố trên tồn tại thì có thể suy đoán rằng doanh nghiệp xuất khẩu nước ngoài không thể xuất hàng sang Hoa Kỳ nếu không bán phá giá.

 

Có thể thấy rằng phân tích của DOC trong rà soát hoàng hôn không thật kỹ lưỡng như điều tra ban đầu mà đơn thuần chỉ là suy đoán từ các hiện tượng rồi đưa ra kết luận mà thôi.

 

Nếu DOC kết luận là việc phá giá sẽ tiếp tục hoặc tái diễn nếu biện pháp chống bán phá giá chấm dứt thì cơ quan này cũng kết luận luôn về mức phá giá suy đoán trong trường hợp này theo cách sau:

 

-    Đối với doanh nghiệp xuất khẩu là bị đơn trong vụ điều tra gốc: Biên độ phá giá (tái diễn) sẽ được xác định bằng biên độ phá giá mà DOC xác định cho doanh nghiệp đó trong lệnh áp thuế gốc;


-    Đối với doanh nghiệp xuất khẩu không phải là bị đơn trong vụ kiện ban đầu: Biên độ phá giá (tái diễn) được xác định bằng biên độ “toàn quốc” mà DOC xác định trong lệnh áp thuế gốc.

 

Tuy nhiên, cần lưu ý rằng biên độ phá giá suy đoán này chỉ là hình thức. Chúng không ảnh hưởng gì đến mức đặt cọc của các doanh nghiệp xuất khẩu.

 

Chuẩn rà soát hoàng hôn của ITC

 

Khác với DOC, việc rà soát hoàng hôn của ITC được tiến hành một cách rất kỹ lưỡng và chặt chẽ. Cụ thể, tương tự như trong điều tra gốc, trong rà soát hoàng hôn ITC cũng phải tiến hành điều tra về các vấn đề sau (với các chuẩn như trong điều tra gốc):

 

-    Xác định các sản phẩm sản xuất tại Hoa Kỳ “tương tự” với sản phẩm bị điều tra ;


-    Xác định phạm vi ngành sản xuất nội địa của Hoa Kỳ;


-    Xác định xem ngành sản xuất nội địa có bị thiệt hại đáng kể do việc nhập khẩu hàng hóa bị điều tra hay không.

 

Lưu ý đối với doanh nghiệp

 

Rà soát hoàng hôn là cơ hội để doanh nghiệp xuất khẩu có thể thoát khỏi biện pháp thuế chống bán phá giá một khi đã bị vướng vào. Cơ hội này chỉ có 5 năm một lần và dù chỉ là “khe cửa hẹp” doanh nghiệp cũng nên cố gắng tham gia tích cực vào quá trình này.

 

Trên thực tế không nhiều biện pháp chống bán phá giá được chấm dứt sau 5 năm. Nói cách khác khả năng “thắng” trong rà soát hoàng hôn của doanh nghiệp xuất khẩu nước ngoài là không lớn (với nhiều lý do trong đó có việc DOC chỉ đưa ra kết luận dựa trên các suy đoán về hiện tượng mà không có chuẩn điều tra chặt chẽ). Tuy nhiên, ITC lại tiến hành điều tra khá nghiêm túc với các chuẩn điều tra tương tự như điều tra gốc. Và nếu như tỷ lệ bị đơn “thắng” trong điều tra của ITC trong các vụ kiện gốc là 10-20%, các doanh nghiệp vẫn có thể hy vọng vào một kết quả tích cực trong điều tra rà soát hoàng hôn của ITC để thoát khỏi biện pháp chống bán phá giá.

 

Nguồn: Trung tâm WTO và Hội nhập - VCCI

Quảng cáo sản phẩm