Thỏa thuận đình chỉ - Một khả năng để thoát khỏi thuế chống bán phá giá?

24/12/2022 12:10 - 1 lượt xem

Theo qui định, thoả thuận đình chỉ là một hình thức cam kết của nhà sản xuất, xuất khẩu với những nội dung nhất định được DOC chấp nhận, có tính chất như một biện pháp chống bán phá giá thay thế cho biện pháp thuế. Khi DOC và nhà sản xuất, xuất khẩu liên quan đạt được một thoả thuận đình chỉ thì DOC sẽ đình chỉ việc điều tra, không áp thuế chống bán phá giá đối với các doanh nghiệp bị đơn đạt được thỏa thuận đình chỉ nhưng các doanh nghiệp này vẫn phải chịu giám sát và vẫn bị rà soát lại khi cần thiết.

 

Pháp luật Hoa Kỳ quy định 3 loại thỏa thuận đình chỉ, bao gồm:

 

(i) Thỏa thuận ngừng nhập khẩu vào Hoa Kỳ sản phẩm bị điều tra

 

Trên thực tế thỏa thuận này không bao giờ xảy ra bởi nếu muốn bỏ thị trường Hoa Kỳ thì doanh nghiệp bị đơn nước ngoài không cần phải tốn thời gian và tiền của cho việc theo kiện đến tận thời điểm này. Một khi đã theo kiện đến giai đoạn này thì có nghĩa họ thực sự muốn tiếp tục xuất hàng sang thị trường Hoa Kỳ, vì vậy việc họ chấp nhận thỏa thuận đình chỉ theo hướng ngừng nhập khẩu hoàn toàn vào Hoa Kỳ không thể xảy ra.

 

(ii) Thoả thuận loại bỏ việc bán phá giá

 

Để được chấp thuận, thỏa thuận loại này đòi hỏi sự cam kết loại bỏ việc bán phá giá sau khi đình chỉ điều tra[1] của phần lớn các doanh nghiệp xuất khẩu bị đơn trong vụ việc từ một nước xuất khẩu liên quan (theo DOC thì “phần lớn” được hiểu là các doanh nghiệp có lượng xuất khẩu chiếm ít nhất 85% tổng lượng xuất khẩu sản phẩm bị điều tra từ nước đó sang Hoa Kỳ).

 

Loại thỏa thuận này cũng ít khi xảy ra bởi:

 

-    Trường hợp vụ kiện liên quan đến nhiều doanh nghiệp xuất khẩu, không dễ để đạt được mức 85% theo yêu cầu của DOC;


-    Rất khó để thực hiện cam kết “loại bỏ hoàn toàn việc bán phá giá” bởi tỷ lệ phá giá phụ thuộc vào nhiều yếu tố sản xuất và chi phí mà không phải lúc nào doanh nghiệp rà soát và điều chỉnh giá kịp được


-    Trên thực tế nếu có áp dụng thường chỉ cho các nước xuất khẩu có nền kinh tế phi thị trường bởi khi đó các yếu tố sản xuất được giới hạn ở một số lượng nhất định nên khả năng kiểm soát cũng đơn giản hơn và thường thì DOC sẽ xác định một mức “giá công bằng” cố định và doanh nghiệp xuất khẩu phải cam kết sẽ xuất khẩu trên mức đó.

 

(iii) Thoả thuận loại bỏ thiệt hại

 

Thỏa thuận loại bỏ thiệt hại phải đáp ứng đủ các điều kiện sau:

 

-    Phải loại bỏ được hoàn toàn những thiệt hại mà việc nhập khẩu hàng hóa đó gây ra;

 

Điều kiện này không dễ thực hiện bởi trong vòng 20 ngày kể từ ngày có thỏa thuận, bên nguyên đơn có thể yêu cầu ITC tiến hành điều tra (trong thời hạn 75 ngày) để xác định xem có đúng cam kết về giá đủ loại bỏ hoàn toàn thiệt hại. Nếu ITC kết luận là thỏa thuận không thể loại bỏ hoàn toàn thiệt hại thì thỏa thuận hết hiệu lực và vụ điều tra lại tiếp tục.

 

-    Phải đảm bảo rằng từng lô hàng nhập khẩu vào Hoa Kỳ không được bán với giá có biên độ phá giá cao hơn 15% so với biên độ phá giá trung bình được xác định theo kết quả điều tra[2]

 

Yêu cầu này đối với từng lô hàng nhập khẩu được xem là rất khó thực hiện được.

 

-    Phải ngăn chặn được tình trạng sụt giảm giá sản phẩm nội địa do hàng nhập khẩu gây ra và đáp ứng những điều kiện qui định.

 

Quy định này thường dẫn tới việc áp đặt một mức giá tối thiểu khi doanh nghiệp nhập hàng vào Hoa Kỳ (và thường mức này cao hơn giá thị trường) khiến doanh nghiệp khó có thể tiếp tục cạnh tranh được.

 

Khi xem xét có chấp nhận thỏa thuận đình chỉ hay không, DOC có thể tham khảo ý kiến của các chủ thể liên quan nhưng không bắt buộc phải tính đến các ý kiến này nếu thấy rằng nội dung thỏa thuận phù hợp với lợi ích chung và có thể kiểm soát một cách hiệu quả. Nếu chấp thuận cam kết, DOC phải thông báo cho các bên liên quan và ITC chậm nhất là 30 ngày trước khi công bố quyết định đình chỉ.

 

Thủ tục liên quan đến thỏa thuận đình chỉ

 

Bước 1: Bên bị đơn muốn có thỏa thuận đình chỉ nộp một bản đề xuất thỏa thuận đình cho DOC và ITC không muộn hơn 15 ngày kể từ ngày DOC ra kết luận sơ bộ về phá giá.

 

Bước 2: DOC thông báo và tham vấn với bên nguyên đơn về ý định về thỏa thuận đình chỉ chậm nhất là 30 ngày trước ngày đình chỉ điều tra, nếu có

 

Bước 3: Các bên có thể bình luận về đề xuất thỏa thuận đình chỉ trước thời hạn do DOC ấn định nhưng không muộn hơn 50 ngày kể từ ngày DOC ban hành quyết định sơ bộ về phá giá.

 

Bước 4: DOC thông báo công khai về việc đình chỉ cuộc điều tra (Nếu DOC quyết định chấp thuận đề xuất và đình chỉ điều tra).

 

Bước 5: Kết quả của việc đình chỉ điều tra

 

-    Nếu nội dung thỏa thuận đình chỉ là ngừng xuất khẩu hoặc loại bỏ việc bán phá giá, DOC sẽ chấm dứt việc đình chỉ thông quan đã thực hiện trước khi có thỏa thuận và sẽ ra quyết định hoàn trả tất cả các khoản đặt cọc hay ký quỹ đã thu của doanh nghiệp bị đơn liên quan.


-    Nếu nội dung của thỏa thuận đình chỉ là điều chỉnh giá để loại bỏ hệ quả của việc bán phá giá, DOC sẽ tiếp tục việc đình chỉ thông quan (nếu trước đó chưa có lệnh đình chỉ thông quan thì nay DOC sẽ ra lệnh đình chỉ thông quan) cho đến ít nhất 20 ngày (thời hạn để các bên có liên quan nêu yêu cầu rà soát về thiệt hại với ITC). Nếu ITC quyết định tiến hành rà soát xem thỏa thuận có thực sự loại trừ được thiệt hại gây ra do việc bán phá giá không thì lệnh đình chỉ thông quan sẽ còn kéo dài trong suốt quá trình ITC rà soát (75 ngày). Nếu ITC kết luận rằng thỏa thuận đình chỉ trên thực tế có thể loại bỏ thiệt hại thì lúc này lệnh đình chỉ thông quan mới hết hiệu lực và các khoản ký quỹ, đặt cọc sẽ được hoàn trả.

 

Lưu ý đối với doanh nghiệp

 

Khả năng sử dụng thỏa thuận đình chỉ để tạm dừng cuộc điều tra và thoát khỏi việc bị áp thuế là một giải pháp về lý thuyết rất có lợi cho doanh nghiệp xuất khẩu. Điều này đặc biệt có ý nghĩa hơn khi khả năng đạt được thỏa thuận loại bỏ việc bán phá giá về lý thuyết dễ thực hiện hơn đối với doanh nghiệp từ nước có nền kinh tế phi thị trường.

 

Tuy nhiên, trên thực tế, với những điều kiện rất khó đáp ứng như trên, rất hiếm khi doanh nghiệp xuất khẩu bị đơn có thể đạt được một thỏa thuận đình chỉ với DOC mà vẫn giữ được lợi ích tương đối trong việc kinh doanh trên thị trường Hoa Kỳ. Vì vậy đa số các trường hợp chấp nhận nộp thuế chống bán phá giá hơn là thỏa thuận đình chỉ. Đây cũng là trường hợp đối với ngành thủy sản trong vụ kiện cá tra – basa Việt Nam tại Hoa Kỳ.

 

Vì vậy, doanh nghiệp cần cân nhắc đầy đủ lợi ích và rủi ro giữa việc chịu nộp thuế chống bán phá giá hay đạt được thỏa thuận đình chỉ với DOC.

 

[1] Đối với trường hợp nước xuất khẩu là nước có nền kinh tế phi thị trường, thoả thuận này còn phải đáp ứng điều kiện: nội dung thoả thuận phải đảm bảo ngăn chặn được tình trạng sụt giảm giá của sản phẩm nội địa tương tự do hàng nhập khẩu bị điều tra gây ra.

 

[2] Cụ thể, thoả thuận đình chỉ dạng này chỉ được chấp nhận nếu phần chênh lệch giữa giá thông thường và giá xuất khẩu của mỗi lần nhập khẩu của mỗi nhà sản xuất, xuất khẩu không cao hơn 15% phần chênh lệch giữa giá thông thường bình quân gia quyền và giá xuất khẩu bình quân gia quyền của tất cả các lô hàng nhập khẩu bán phá giá của chủ thể đó trong suốt giai đoạn điều tra (chỉ sử dụng thoả thuận này trong những trường hợp đặc biệt khi việc điều tra phức tạp, và việc chấp nhận thoả thuận là có lợi hơn cho ngành sản xuất trong nước của Hoa Kỳ so với việc tiếp tục điều tra).

 

Nguồn: Trung tâm WTO và Hội nhập - VCCI

Quảng cáo sản phẩm