Thời điểm ra kết luận sơ bộ của DOC có ý nghĩa như thế nào với doanh nghiệp?

24/12/2022 01:13 - 1 lượt xem

Ngày ra kết luận sơ bộ của DOC là ngày kết luận sơ bộ của DOC được chính thức đăng tải trên Công báo. Nếu kết luận của DOC khẳng định có bán phá giá (với biên độ phá giá không thấp hơn 2%) thì “Biện pháp tạm thời” sẽ được áp dụng (tức là các doanh nghiệp bị đơn sẽ bắt đầu phải nộp thuế chống bán phá giá tạm thời).

 

Vì vậy, trong trường hợp thông thường, ngày DOC ra kết luận sơ bộ khẳng định có bán phá giá đồng thời là ngày biện pháp tạm thời bắt đầu có hiệu lực và là ngày:

 

- Cục Hải quan Hoa Kỳ thực hiện việc “đình chỉ thông quan” đối với toàn bộ hàng hóa bị điều tra nhập khẩu vào Hoa Kỳ. “Đình chỉ thông quan” có nghĩa Cục Hải quan sẽ không tính thuế nhập khẩu chính thức đối với hàng hóa liên quan (bởi lúc này thuế nhập khẩu có thể sẽ còn phải tính thêm cả thuế chống bán phá giá nữa) mà chỉ là thuế “dự kiến”.

 

- Hải quan sẽ yêu cầu doanh nghiệp (mà về nguyên tắc là nhà nhập khẩu Hoa Kỳ) phải nộp “ký quỹ” cho phần thuế tạm tính cho lô hàng liên quan. Đối với nhà nhập khẩu, đây là một yêu cầu không dễ chịu bởi thuế tạm tính thường cao hơn thuế nhập khẩu thông thường (bởi có dự tính cả thuế chống bán phá giá) và không chắc chắn (không rõ thuế chính thức sẽ là bao nhiêu).

 

Ký quỹ liên tục (continuous bonds)

 

Trong giai đoạn đầu những năm 2000, đối với các biện pháp thuế chống bán phá giá áp dụng cho một số loại sản phẩm nông nghiệp, Cục Hải quan và An ninh biên giới Hoa Kỳ đã áp dụng yêu cầu “ký quỹ liên tục”. Cụ thể, các nhà nhập khẩu các sản phẩm nông nghiệp bị áp thuế phải nộp ngay từ đầu năm một khoản tiền ký quỹ bằng tổng số thuế chống bán phá giá của các lô hàng dự kiến nhập khẩu vào Hoa Kỳ trong năm đó.

 

Quy định vô lý này đã gây ra rất nhiều khó khăn cho các nhà nhập khẩu (và gián tiếp gây ra khó khăn cho nhà sản xuất, xuất khẩu nước ngoài). Một số nước xuất khẩu đã kiện Hoa Kỳ ra WTO về quy định này. Các Ban hội thẩm và Cơ quan phúc thẩm WTO cũng đã ra phán quyết cho rằng quy định ký quỹ liên tục này của Hoa Kỳ vi phạm WTO.

 

Năm 2008, Hoa Kỳ đã chính thức bãi bỏ quy định “ký quỹ liên tục” này.

Nguồn: Trung tâm WTO và Hội nhập - VCCI

Quảng cáo sản phẩm