Thủ tục điều tra sơ bộ về phá giá của DOC bao gồm những hoạt động gì?

24/12/2022 01:19 - 16 lượt xem

Trong thời hạn 160 ngày kể từ ngày có đơn kiện, DOC sẽ tiến hành điều tra sơ bộ để xác định hàng hóa nhập khẩu có bị bán phá giá (bán thấp hơn giá công bằng) hay không (khác với điều tra về thiệt hại của Ủy ban Thương mại Quốc tế Hoa Kỳ - ITC).

 

Trường hợp vụ kiện đặc biệt phức tạp (có quá nhiều lô hàng phải xem xét tính toán, có nhiều bị đơn, DOC quá bận…) hoặc nếu nguyên đơn có yêu cầu thì các thời hạn này có thể kéo dài đến 210 ngày (đối với điều tra chống bán phá giá). Việc gia hạn này, nếu có, DOC phải thông báo đến các bên liên quan trước khi hết thời hạn ban đầu theo quy định.

 

Thủ tục điều tra của DOC trong quá trình này bao gồm:

 

-    DOC gửi Bảng câu hỏi điều tra chi tiết (thường là một khoảng thời gian ngắn sau khi DOC thông báo khởi xướng điều tra) tới các nhà sản xuất, xuất khẩu nước ngoài liên quan;


-    Các nhà sản xuất, xuất khẩu nước ngoài trả lời Bảng câu hỏi điều tra trong khoảng 30 ngày (45 ngày nếu được gia hạn, và thường là không được gia hạn trừ khi nhà sản xuất, xuất khẩu nước ngoài đưa ra được lý do chính đáng để xin gia hạn ví dụ thời gian trả lời Bảng câu hỏi trùng với khoảng thời gian kết thúc năm tài chính, hoặc kỳ nghỉ theo quy định) sau khi nhận được Bảng câu hỏi điều tra;


-    Dựa trên Bảng câu hỏi đã được trả lời, DOC sẽ tiến hành gửi các câu hỏi bổ sung, nếu có.


-    DOC có quyền tiến hành thẩm tra thực địa (tại nhà máy của các doanh nghiệp) để xác minh các thông tin được khai trong bản trả lời Bảng câu hỏi (tuy nhiên trên thực tế DOC hầu như không thực hiện việc thẩm tra thực địa trong giai đoạn này mà chủ yếu trong giai đoạn điều tra cuối cùng)

 

Thực tế

 

Điều tra sơ bộ của DOC có nội dung chủ yếu xoay quanh Bảng câu hỏi điều tra (gửi, trả lời, phân tích bản trả lời, xác minh tính trung thực của nội dung trả lời, tính toán biên độ phá giá trên cơ sở các thông tin từ bản trả lời Bảng câu hỏi và từ các thông tin liên quan). Tuy nhiên, trên thực tế, theo quy tắc tố tụng của DOC, còn nhiều hoạt động (mang tính trình tự từng bước một) trước khi Bảng câu hỏi được gửi đi (ví dụ xuất trình giấy ủy quyền cho luật sư, gửi Bảng trả lời về Số lượng và Giá trị, yêu cầu bảo mật thông tin mật theo lệnh hành chính…). Những hoạt động này về cơ bản thuần túy mang tính thủ tục nhưng khá tốn thời gian, đòi hỏi khả năng tập trung tốt, vì nếu không đáp ứng được thì doanh nghiệp sẽ mất quyền tham gia vào quá trình điều tra sơ bộ này hoặc sẽ bị bất lợi trong quá trình này.

 

Lưu ý đối với doanh nghiệp

 

Trong quá trình điều tra sơ bộ của DOC có rất nhiều những thủ tục nhỏ, mang tính hình thức nhưng phải được tuân thủ (đặc biệt liên quan đến các thời hạn, cách thức trả lời, mẫu trình bày….). Vì vậy doanh nghiệp cần đặc biệt lưu ý để tránh việc:

 

-    Bị tước quyền tham gia quá trình điều tra (ví dụ do bỏ lỡ một thủ tục nào đó bắt buộc phải có);


-    Thông tin gửi đến DOC không được cơ quan này xem xét (ví dụ do không đáp ứng đủ các yêu cầu về cách thức trình bày, về số lượng bản gửi, về các địa chỉ gửi bắt buộc…)


-    Thông tin được sử dụng theo cách mà doanh nghiệp không mong muốn (ví dụ do không đánh dấu “thông tin mật” theo đúng cách mà DOC yêu cầu)…

 

Cần lưu ý rằng những thủ tục và yêu cầu liên quan đến giai đoạn điều tra này của DOC rất phức tạp, chi tiết và nếu bỏ qua chỉ một quy định thì doanh nghiệp có thể rất bất lợi (bị loại khỏi vụ điều tra) hoặc đơn giản là nỗ lực của doanh nghiệp sẽ giảm hiệu quả đi nhiều (một số thông tin quan trọng không được xem xét). Do đó, tốt nhất doanh nghiệp cần tính đến việc thuê luật sư để được tư vấn về chiến lược, về các vấn đề pháp lý cũng như hỗ trợ về các yếu tố kỹ thuật, để thực hiện việc này một cách hiệu quả (dù rằng có thể về mặt chuyên môn doanh nghiệp hoàn toàn có thể tự mình thực hiện được mà không cần đến luật sư tư vấn).

 

Nguồn: Trung tâm WTO và Hội nhập - VCCI

Quảng cáo sản phẩm