Việt Nam bị xem là nền kinh tế phi thị trường – Tại sao?

23/12/2022 04:11 - 474 lượt xem

Theo pháp luật Hoa Kỳ về chống bán phá giá, một nước có nền kinh tế phi thị trường (Non-Market Economy NME) là nước mà DOC đánh giá là có nền kinh tế vận hành không theo các nguyên tắc về chi phí và cấu trúc giá thông thường.


Khi xác định tính chất “thị trường” hay “phi thị trường” của một nền kinh tế, DOC đánh giá trên 6 yếu tố cơ bản sau:


(i) mức độ tự do chuyển đổi của đồng nội tệ;


(ii) mức độ mà tiền lương được xác định bằng việc tự do thương lượng giữa người lao động và người quản lý;


(iii) mức độ cho phép các liên doanh hoặc đầu tư nước ngoài;


(iv) mức độ chính phủ sở hữu hoặc kiểm soát phương tiện sản xuất;


(v) mức độ kiểm soát của chính phủ đối với việc phân bổ các nguồn lực và đối với các quyết định về sản lượng và giá cả của các doanh nghiệp; và


(vi) các yếu tố khác mà DOC cho là hợp lý.


Mặc dù các yếu tố để xác định một nước có nền kinh tế thị trường hay phi thị trường được qui định khá rõ trong pháp luật Hoa Kỳ nhưng những tiêu chí để đánh giá khi nào một yếu tố đã được thoả mãn thì lại không được xác định cụ thể. Do đó, quyết định của DOC về việc một nước có nền kinh tế thị trường hay không được ban hành chủ yếu dựa trên quan điểm khá chủ quan của cơ quan này.


DOC suy đoán là tất cả các nước có nền kinh tế kế hoạch hóa tập trung trong đó mọi quyết định của doanh nghiệp về giá đều chịu sự chi phối, can thiệp của chính phủ là nền kinh tế phi thị trường. Vì vậy hầu hết các nước thuộc khối xã hội chủ nghĩa trước đây đều bị DOC xếp vào diện “nền kinh tế phi thị trường” trong các vụ điều tra chống bán phá giá.


Tính đến thời điểm hiện tại, có 12 nước bị DOC kết luận là nền kinh tế phi thị trường (NME) trong các vụ kiện chống bán phá giá, trong đó có Việt Nam. 


Trong quá trình đàm phán gia nhập WTO, vào giai đoạn cuối Việt Nam đã bị Hoa Kỳ ép phải chấp nhận là nền kinh tế phi thị trường trong các vụ kiện chống bán phá giá, chống trợ cấp trong 12 năm kể từ ngày Việt Nam gia nhập WTO (tức là đến hết 2018). Theo tính chất của đàm phán gia nhập WTO, cam kết này tự động có hiệu lực không chỉ với Hoa Kỳ mà còn với tất cả các nước thành viên WTO khác.


Nguồn: Trung tâm WTO và Hội nhập - VCCI

Quảng cáo sản phẩm