Việt Nam có thể làm gì để được công nhận là nền kinh tế thị trường?

23/12/2022 04:08 - 7 lượt xem

Về nguyên tắc, các nước đã bị kết luận là NME có thể thuyết phục DOC rằng mình đã đáp ứng đủ 6 tiêu chí nền kinh tế phi thị trường để cơ quan này xem xét cho “tốt nghiệp” nền kinh tế thị trường. Trong 02 vụ kiện (kiện chống bán phá giá cá tra-basa và tôm) Việt Nam đã gửi hồ sơ – lập luận chứng minh mình không phải là NME nhưng không được DOC chấp nhận.


Ngoài cách nói trên, pháp luật Hoa Kỳ còn ghi nhận 02 khả năng khác để có thể thoát khỏi kết luận NME trong một vụ kiện chống bán phá giá:


(i)    Ngành sản xuất đang bị điều tra có thể chứng minh ngành mình hoạt động theo hướng thị trường và do đó có quyền được áp dụng các phương pháp chung để tính giá thông thường;


Trong trường hợp này, DOC sẽ xem xét xem thực tế ngành sản xuất liên quan có thoả mãn 3 điều kiện để được coi là một ngành sản xuất theo hướng thị trường không (Market-oriented industry MOI):


-    Không có sự tham gia của chính phủ trong việc định giá cả hoặc khối lượng sản xuất; 


-    Ngành sản xuất liên quan thuộc sở hữu tư nhân hoặc tập thể và không thuộc sở hữu của nhà nước trên thực tế; 


-    Giá cả áp dụng khi chi trả tất cả các yếu tố đầu vào (cơ bản hoặc không cơ bản) được xác định theo các yếu tố thị trường. 


Sau quá trình xem xét DOC có thể kết luận ngành sản xuất đó theo hướng thị trường và được áp dụng các phương pháp chung về tính Giá Thông thường (mà không ảnh hưởng đến kết luận của DOC về việc nước có ngành sản xuất đó vẫn là nước có nền kinh tế phi thị trường). 


Tuy nhiên, trên thực tế, dù không ít vụ kiện nhà xuất khẩu cố gắng chứng minh để đạt MOI (và đây là việc rất vất vả bởi doanh nghiệp phải cung cấp số liệu, chứng minh cho cả ngành chứ không phải riêng doanh nghiệp mình), DOC rất hiếm khi thừa nhận một ngành sản xuất theo hướng thị trường trong điều kiện một nước không có nền kinh tế thị trường.


(ii)    Việc xoá bỏ vị thế này là một phần của quá trình nước bị coi là có nền kinh tế phi thị trường đó đàm phán để gia nhập WTO


Việt Nam đã từng rất hy vọng vào khả năng này. Rất tiếc là trong quá trình đàm phán gia nhập WTO, Việt Nam đã bị Hoa Kỳ ép phải chấp nhận là nền kinh tế phi thị trường trong các vụ kiện chống bán phá giá, chống trợ cấp trong 12 năm kể từ ngày Việt Nam gia nhập WTO (tức là đến hết 2018) (Trên thực tế, Trung Quốc cũng phải chấp nhận bị coi là NME trong vòng 15 năm kể từ ngày nước này gia nhập WTO).


Về nguyên tắc, Việt Nam có thể đàm phán song phương với từng nước thành viên WTO để họ chấp nhận Việt Nam là nền kinh tế thị trường (trong khuôn khổ các vụ điều tra chống bán phá giá, trợ cấp) trước thời hạn 2018 nói trên, trong đó có cả với Hoa Kỳ. Tuy nhiên, trong khi Việt Nam đã đạt được điều này với một số nước (các nước ASEAN, Nam Phi, New Zealand…), khả năng đàm phán để Hoa Kỳ chấp nhận điều này hầu như rất mong manh.


Vì vậy, ít nhất trong thời gian tới, nếu bị vướng vào một vụ kiện chống bán phá giá, chống trợ cấp nào ở Hoa Kỳ, các doanh nghiệp Việt Nam nên chuẩn bị sẵn sàng để kháng kiện với tính chất NME. Cụ thể là phải sẵn sàng với phương pháp tính toán Giá Thông thường áp dụng riêng cho NME mà về cơ bản là phức tạp và bất lợi cho doanh nghiệp bị đơn hơn bình thường.
 

Các tiêu chí đánh giá NME

 

Trong khuôn khổ các vụ điều tra chống bán phá giá, khi đánh giá tính chất “thị trường” hay “phi thị trường” của một nền kinh tế, DOC sử dụng 6 tiêu chí cơ bản sau:

 

(i) mức độ khả năng chuyển đổi của nội tệ

 

(ii) mức độ tiền lương được xác định bằng việc tự do thương lượng giữa người lao động và người quản lý

 

(iii) mức độ cho phép các liên doanh hoặc đầu tư nước ngoài

 

 (iv) mức độ chính phủ sở hữu hoặc kiểm soát phương tiện sản xuất

 

 (v) mức độ chính phủ kiểm soát đối với việc phân bổ các nguồn lực và đối với các quyết định về sản lượng và giá cả của các doanh nghiệp; và

 

 (vi) các yếu tố khác mà DOC cho là hợp lý

 

Mặc dù các tiêu chí để xác định một nước có nền kinh tế thị trường hay phi thị trường được qui định khá rõ trong pháp luật Hoa Kỳ nhưng những yếu tố để đánh giá khi nào một tiêu chí đã được thoả mãn thì lại không được xác định cụ thể. Do đó, quyết định của DOC về việc một nước có nền kinh tế thị trường hay không được ban hành chủ yếu dựa trên quan điểm khá chủ quan của cơ quan này.

 

Trên thực tế, các quyết định cho “tốt nghiệp” nền kinh tế thị trường của DOC chủ yếu mang tính chính trị.

 

Nguồn: Trung tâm WTO và Hội nhập - VCCI

Quảng cáo sản phẩm