Có thể phát hiện và ngăn chặn sớm một vụ kiện không?

24/12/2022 01:43 - 8 lượt xem

Thành công của một Đơn kiện (đứng từ phía nguyên đơn) phụ thuộc vào nhiều yếu tố, trong đó có tính bất ngờ. Không có gì ngạc nhiên khi hầu hết các Đơn kiên đều đưa ra bất ngờ, khiến phía bị đơn không kịp trở tay. Vì vậy, việc phát hiện sớm các dấu hiệu là không dễ dàng và không phải lúc nào cũng thực hiện được.

 

Tuy nhiên, trong một số vụ việc cũng có một số yếu tố cho thấy khả năng một vụ kiện chống bán phá giá, chống trợ cấp đang được hình thành (nguy cơ cao hơn bình thường):

 

- Những cáo buộc về hiện tượng bán phá giá của hàng hóa nhập khẩu vào Hoa Kỳ từ Việt Nam.

 

Những cáo buộc này thường không xuất hiện minh thị mà lẫn vào những tuyên bố, phát biểu, văn bản rải rác về những vấn đề khác, trong những sự kiện khác nhau. Đôi khi những cáo buộc này không dẫn tới điều gì cụ thể. Tuy nhiên tùy hoàn cảnh (người đưa ra cáo buộc, tình huống đưa ra cáo buộc, nội dung cáo buộc…) có thể đánh giá nguy cơ một vụ kiện đang đến gần ở mức nào chỉ với những cáo buộc này.

 

Cảnh báo nguy cơ bị kiện từ một tuyên bố - Vụ túi nhựa PE Việt Nam

 

Ngày 4/8/2008, trong Thư gửi Đại diện Thương mại Hoa Kỳ đề nghị cơ quan này không đưa túi nhựa Việt Nam vào diện được hưởng GSP của Hoa Kỳ do Công ty luật King&Spalding đứng tên đại diện cho một số công ty nhựa Hoa Kỳ có nội dung đề cập đến Thuế chống bán phá giá túi nhựa PE Trung Quốc (mà Hoa Kỳ đang áp dụng) và khả năng hàng Trung Quốc dễ dàng lẩn tránh thuế chống bán phá giá qua Việt Nam.

 

Đây được xem là một trong những dấu hiệu cho thấy khả năng túi nhựa Việt Nam bị kiện chống bán phá giá ở Hoa Kỳ đang lớn hơn mức bình thường bởi các lý do:

 

-    Đơn kiện trực tiếp đề cập đến khả năng doanh nghiệp Trung Quốc lẩn tránh thuế chống bán phá giá qua Việt Nam, và do đó khả năng một vụ kiện chống bán phá giá (ít nhất là để chống lẩn tránh thuế) đã được tính đến;
 

-    Bản thân việc gửi Thư phản đối GSP cho Việt Nam (mà ít nhất là cho sản phẩm bao bì nhựa Việt Nam) cũng là một biểu hiện cho thấy các doanh nghiệp này lo ngại về khả năng cạnh tranh của bao bì nhựa Việt Nam và có thể tính đến các công cụ đối phó (mà kiện chống bán phá giá có thể là một khả năng);


-    Công ty đứng tên gửi Thư cho USTR phản đối GSP cho Việt Nam (đại diện cho 6 doanh nghiệp bao bì nhựa Hoa Kỳ), Công ty King&Spalding, là công ty đã từng đại diện và tư vấn cho ngành sản xuất Hoa Kỳ trong nhiều vụ kiện chống bán phá giá, chống trợ cấp tại Hoa Kỳ (đặc biệt là các vụ chống lại Trung Quốc). Việc một công ty chuyên  “tấn công” các nhà xuất khẩu nước ngoài bằng kiện chống bán phá giá, kiện chống trợ cấp được các nhà sản xuất bao bì nhựa Hoa Kỳ thuê tư vấn là một dấu hiệu không tốt, và khả năng từ đây công ty này sẽ tư vấn tiếp cho các doanh nghiệp Hoa Kỳ kiện bao bì nhựa Việt Nam cũng lớn hơn
 

Tám tháng sau, ngày 31/3/2009, King&Spalding thay mặt hai công ty túi nhựa Hoa Kỳ chính thức nộp đơn kiện chống bán phá giá và chống trợ cấp đối với túi nhựa Việt Nam.

 

- Những chiến dịch “nói xấu”, “làm khó” hàng hóa Việt Nam nhập khẩu vào Hoa Kỳ

 

Về cơ bản những chiến dịch này bản thân chúng đã là một “rào cản” về tâm lý cản trở việc tiếp cận thị trường của hàng hóa Việt Nam. Tuy nhiên, trong nhiều trường hợp, đây chỉ là những công cụ đầu tiên cho chiến lược chống hàng Việt Nam của một số ngành sản xuất nội địa mà các công cụ cuối cùng (đặc biệt khi công cụ đầu tiên chưa đạt hiệu quả mong muốn) rất có thể là các vụ kiện chống bán phá giá, chống trợ cấp đối với hàng hóa Việt Nam.

 

Những “rào cản” đối với cá tra, basa Việt Nam trước khi có vụ kiện chống bán phá giá đối với mặt hàng này

 

- Từ đầu những năm 2000, trước sức ép cạnh tranh mạnh từ cá da trơn nhập khẩu từ Việt Nam, các nhà sản xuất cá da trơn của Mỹ đã phát động một chiến dịch lớn nhằm thuyết phục các nhà lập pháp Hoa Kỳ cấm các nhà sản xuất Việt Nam sử dụng từ “catfish” (cá da trơn) cho các sản phẩm của mình. Nghị viện Hoa Kỳ cuối cùng đã thông qua Đạo luật cấm cá da trơn Việt Nam mang tên cá da trơn. Kết quả là từ thời điểm đó, các doanh nghiệp Việt Nam thay vì ghi nhãn “cá da trơn” (catfish) phải ghi “cá tra, basa” (tra, basa) và phải thực hiện quảng bá từ đầu cho sản phẩm của mình dưới cái tên mới này;

 

- Năm 2001, Hiệp hội Doanh nghiệp cá da trơn Hoa Kỳ (CFA) đã phát động một chiến dịch tiêu tốn 500.000 đô la Mỹ tấn công vào cá da trơn Việt Nam với 3 hướng tấn công chính (i) cá da trơn Việt Nam được nuôi trong môi trường vệ sinh không an toàn, rất dễ nhiễm bệnh (ii) cá Việt Nam không phải cá da trơn như của Hoa Kỳ; (iii) cá Việt Nam đang tận dụng những lợi thế cho sản phẩm mà các doanh nghiệp Mỹ đã tốn rất nhiều tiền để quảng bá.

 

Sau những “chiến dịch” này của ngành sản xuất nội địa Hoa Kỳ, cá tra, cá basa Việt Nam vẫn vượt qua được khó khăn và tiếp tục cạnh tranh mạnh trên thị trường Hoa Kỳ.

 

Ngày 28/6/2002, CFA nộp đơn kiện chống bán phá giá đối với cá tra, cá basa phi lê đông lạnh Việt Nam đến DOC và ITC.

 

Nguồn: Trung tâm WTO và Hội nhập - VCCI

Quảng cáo sản phẩm