Rà soát chống lẩn tránh thuế là gì?

24/12/2022 11:50 - 3 lượt xem

Từ năm 1988, pháp luật Hoa Kỳ có quy định về các biện pháp rà soát chống lẩn tránh thuế chống bán phá giá. Đúng như tên gọi của chúng, các biện pháp này được sử dụng để chống lại và loại bỏ tác động tiêu cực của các hành vi cố ý lẩn tránh thuế chống bán phá giá mà nhà xuất khẩu nước ngoài thực hiện dưới các hình thức khác nhau. Hiệp định chống bán phá giá của WTO hiện không quy định gì về vấn đề này.

 

Bản chất của các biện pháp này là mở rộng phạm vi áp dụng của các biện pháp thuế chống bán phá giá để bao hàm thêm không chỉ các sản phẩm đã bị điều tra trong vụ kiện gốc mà cả các sản phẩm khác gần giống của doanh nghiệp xuất khẩu bị đơn hoặc các sản phẩm tương tự nhưng đến từ các nước xuất khẩu khác.

 

Biện pháp chống lẩn tránh thuế được áp dụng để đối phó với 04 tình huống sau đây:

 

(i) Chuyển đổi không đáng kể

 

Thuế chống bán phá giá có thể được áp dụng cho các loại sản phẩm “chỉ chuyển đổi không đáng kể về hình thức bề ngoài hoặc mẫu mã so với sản phẩm bị điều tra ban đầu”.

 

Không có một quy định cụ thể thế nào là “không đáng kể” và DOC cũng hiếm khi giải thích thuật ngữ này. Vì vậy ngay cả khi những chuyển đổi không đáng kể này dẫn tới việc chuyển mã HS của sản phẩm thì sản phẩm đó vẫn có thể là đối tượng của biện pháp chống lẩn tránh thuế

 

(ii) Sản phẩm cải tiến sau đó

 

Thuế chống bán phá giá có thể được áp dụng cho các loại sản phẩm “được cải tiến sau đó”.

 

Theo quy định, việc xem xét xem một sản phẩm “được cải tiến sau đó” có thuộc phạm vi áp dụng của lệnh áp thuế chống bán phá giá hay không cần được thực hiện trên các yếu tố sau:

 

-    Sản phẩm được cải tiến đó có “cùng các đặc tính vật lý” như sản phẩm bị điều tra ban đầu không?


-    Mong đợi của người sử dụng cuối cùng đối với sản phẩm được cải tiến có giống với mong đợi của họ đối với sản phẩm bị điều tra ban đầu không?


-    Mục đích sử dụng cuối cùng của hai sản phẩm này có giống nhau không?


-    Kênh phân phối của hai sản phẩm này có giống nhau không? và


-    Hai sản phẩm này có được quảng cáo và bày bán theo cách giống nhau không?

 

Nguồn gốc của quy định về biện pháp chống lẩn tránh thuế áp dụng cho những “chuyển đổi không đáng kể” và “sản phẩm cải tiến sau đó”

 

Năm 1980, DOC ban hành lệnh áp thuế chống bán phá giá đối với máy chữ chạy điện xách tay của Nhật Bản. Một vài năm sau đó, một số nhà sản xuất phát hiện ra rằng nếu họ bổ sung thêm một máy tính bốn chức năng vào máy chữ này (với chi phí thấp hơn 5$) thì sản phẩm máy chữ mới bổ sung chức năng này sẽ được xếp vào diện “máy kinh doanh” và do đó không phải là đối tượng của biện pháp thuế liên quan.

 

Ngành sản xuất nội địa Hoa Kỳ kiện chuyện này ra Tòa án Hoa Kỳ và sau phán quyết của Tòa, DOC đã ra kết luận rằng loại máy chữ “cải tiến” đó trên thực tế vẫn là đối tượng của biện pháp thuế.

 

Ngành sản xuất nội địa Hoa Kỳ tiếp tục đấu tranh với lập luận rằng các nhà sản xuất nước ngoài có thể lặp lại chuyện chuyển đổi hàng hóa kiểu này dưới nhiều hình thức khác nhau để tránh thuế chống bán phá giá.

 

Dưới sức ép của họ, Nghị viện Hoa Kỳ đã thông qua việc bổ sung một quy định cho phép mở rộng phạm vi áp dụng thuế chống bán phá giá và chống trợ cấp ra các sản phẩm chỉ được điều chỉnh không đáng kể (minor alterations) về hình thức bề ngoài hoặc mẫu mã so với sản phẩm bị kiện ban đầu.

 

Sau đó, thị trường sản phẩm điện tử chứng kiến một cuộc cách mạng, máy tính cá nhân và máy chữ hiện đại thay thế dần ngành công nghiệp máy chữ trước đó. Máy chữ của Nhật Bản xuất sang Hoa Kỳ vì vậy cũng được cải tiến theo hướng nhẹ hơn, nhỏ hơn và có chứa một bộ nhớ nhỏ cùng với màn hình một dòng. Một nhà sản xuất máy chữ Hoa Kỳ lúc đó cho rằng sản phẩm mới này cũng phải được xem là trong diện bị áp thuế chống bán phá giá năm 1980 nói trên. Nhà sản xuất Nhật Bản phản đối với lập luận rằng đây là sản phẩm hoàn toàn khác so với sản phẩm bị điều tra bởi nó có bộ nhớ và các chức năng hiển thị để thực hiện các công việc mà máy chữ trước đó không thể làm được.

 

DOC ban đầu đồng ý với quan điểm của phía Nhật Bản. Nhưng sau đó các nhà sản xuất Hoa Kỳ đã thắng trong vụ khiếu kiện quyết định này ra Tòa án thương mại quốc tế Hoa Kỳ (CIT). CIT đã phán quyết rằng máy chữ cải tiến cá nhân phải được xem là nằm trong phạm vi đối tượng của lệnh áp thuế chống bán phá giá năm 1980.

 

Sau đó các nhà sản xuất nội địa Hoa Kỳ cũng thành công trong việc thuyết phục Nghị viện thông qua việc bổ sung quy định đưa các sản phẩm được cải tiến sau đó (later-developped merchandise) vào diện có thể bị áp dụng biện pháp chống lẩn tránh thuế năm 1988.

 

(iii) Lắp ráp tại Hoa Kỳ

 

Pháp luật Hoa Kỳ cho phép áp dụng biện pháp chống lẩn tránh thuế để chống lại các hiện tượng nhà xuất khẩu nước ngoài cố ý lẩn tranh thuế đối với một sản phẩm hoàn chỉnh (thành phẩm) bằng cách nhập các linh kiện (bộ phận) của sản phẩm đó vào Hoa Kỳ (và do đó không bị áp thuế chống bán phá giá) rồi sau đó mới lắp ráp lại thành sản phẩm (với chi phí lắp ráp thấp) để bán. Theo cơ chế này, Hoa Kỳ sẽ áp thuế chống bán phá giá với cả các linh kiện (bộ phận rời) của sản phẩm liên quan khi nhập khẩu vào Hoa Kỳ (nếu chứng minh được rằng việc nhập khẩu linh kiện là để lẩn tránh thuế).

 

Tuy nhiên, để quy định này không ảnh hưởng đến các hoạt động sản xuất thực sự tại Hoa Kỳ, biện pháp chống lẩn tránh thuế chỉ áp dụng nếu hội tụ đủ 03 điều kiện sau:

 

-    Sản phẩm bán tại Hoa Kỳ phải được làm từ các linh kiện hoặc bộ phận sản xuất tại nước xuất khẩu là đối tượng của lệnh áp thuế gốc;


-    Trị giá của linh kiện hoặc bộ phận nhập khẩu đó chiếm phần lớn trị giá của sản phẩm hoàn chỉnh; và


-    Quá trình lắp ráp hay hoàn thiện ở Hoa Kỳ “nhỏ và không đáng kể”.

 

Yếu tố thứ ba này là yếu tố kém rõ ràng nhất và trên thực tế DOC đưa ra quyết định theo từng vụ việc bằng cách xem xét các vấn đề sau:

 

+ Mức độ đầu tư tại Hoa Kỳ;

 

+ Mức độ nghiên cứu và phát triển tại Hoa Kỳ;

 

+ Bản chất của quá trình sản xuất tại Hoa Kỳ;

 

+ Cơ sở vật chất phục vụ sản xuất tại Hoa Kỳ; và

 

+ Trị giá mà phần sản xuất tại Hoa Kỳ mang lại cho sản phẩm có chiếm tỷ lệ nhỏ trong giá bán tại Hoa Kỳ của sản phẩm đó không.

 

(iv) Lắp ráp tại nước thứ ba

 

Khác với trường hợp trên, việc lắp ráp sản phẩm được thực hiện tại nước thứ ba (không phải ở nước xuất khẩu, cũng không phải ở Hoa Kỳ) và sản phẩm nhập khẩu vào Hoa Kỳ vẫn là sản phẩm giống với sản phẩm thuộc diện bị áp thuế nhưng do được lắp ráp tại nước thứ ba nên nó không mang xuất xứ của nước xuất khẩu và vì vậy có thể trốn được thuế chống bán phá giá liên quan.

 

Để đối phó với hiện tượng này, pháp luật Hoa Kỳ cho phép áp dụng biện pháp chống lẩn tránh thuế đối với trường hợp này nếu:

 

-    Trị giá của linh kiện hoặc bộ phận được sử dụng để lắp ráp có xuất xứ từ nước xuất khẩu chiếm phần lớn trị giá của sản phẩm hoàn chỉnh được lắp ráp ở nước thứ ba và xuất sang Hoa Kỳ; và


-    Việc lắp ráp hay hoàn thiện ở Hoa Kỳ “nhỏ và không đáng kể”.

 

Cách thức xác định các yếu tố này cũng giống như trong trường hợp lắp ráp tại Hoa Kỳ.

 

Lưu ý đối với doanh nghiệp

 

Trên thực tế kinh doanh, các doanh nghiệp có nhiều cách thức để khắc phục hoặc hạn chế những thiệt hại mà biện pháp chống bán phá giá gây ra với việc xuất khẩu hàng của mình sang Hoa Kỳ. Tuy nhiên các doanh nghiệp cần lưu ý rằng Hoa Kỳ có các quy định ít nhất là để ngăn chặn việc lẩn tránh thuế dưới 4 hình thức nêu trên để tính toán chiến lược phù hợp và không vi phạm.

 

Cũng liên quan đến vấn đề này, có khá nhiều các trường hợp doanh nghiệp Việt Nam phải chịu thiệt hại hệ lụy từ hành vi lẩn tránh thuế của các nước khác (đặc biệt là các nước trong khu vực). Cụ thể Hoa Kỳ đã quyết định áp dụng biện pháp chống lẩn tránh thuế đối với một số sản phẩm của Việt Nam vì cho rằng các sản phẩm đó bị các nước khác chuyển qua Việt Nam lắp ráp đơn giản để lấy xuất xứ Việt Nam xuất đi Hoa Kỳ để trốn thuế. Trong những trường hợp như vậy, không chỉ những sản phẩm lắp ráp đó bị đánh thuế mà những sản phẩm tương tự (cùng mã HS) được sản xuất hoàn toàn bởi doanh nghiệp Việt Nam, tại Việt Nam cũng có thể bị liên lụy. Vì vậy các doanh nghiệp cần đặc biệt lưu ý đấu tranh với các hiện tượng lẩn tránh thuế từ nước khác qua Việt Nam để tránh bị “áp thuế oan”.

 

Bảng - Thống kê các vụ điều tra chống lẩn tránh thuế đối với hàng hóa Việt Nam đến 31/12/2009

 

Năm

Mặt hàng bị kiện

Nước kiện

Ngày khởi xướng

Mức thuế

Lý do

2004

Đèn huỳnh quang

EU

10/9/2004

66,1 %

Biện pháp chống lẩn tránh thuế chống bán phá giá từ vụ điều tra gốc đối với hàng Trung Quốc

Vòng khuyên kim loại

EU

28/4/2004

51,2 %- 78,8 %

Biện pháp chống lẩn tránh thuế chống bán phá giá từ vụ điều tra gốc đối với hàng Trung Quốc

Ô xít kẽm

EU

2004

28%

Biện pháp chống lẩn tránh thuế chống bán phá giá từ vụ điều tra gốc đối với hàng Trung Quốc

2006

Giấy tráng

Hoa Kỳ

12/9/2006

112,64%

Biện pháp chống lẩn tránh thuế chống bán phá giá từ vụ điều tra gốc đối với hàng Trung Quốc

2007

Bật lửa ga

Thổ Nhĩ Kỳ

13/5/2007

Không áp thuế vì không có bằng chứng về việc lẩn tránh thuế chống bán phá giá

Biện pháp chống lẩn tránh thuế chống bán phá giá từ vụ điều tra gốc đối với hàng Trung Quốc

2008

Lò xo không bọc

Hoa Kỳ

25/1/2008

116,31%

Biện pháp chống lẩn tránh thuế chống bán phá giá từ vụ điều tra gốc đối với hàng Trung Quốc

2009

Máy điều hòa

Thổ Nhĩ Kỳ

25/7/2009

Chưa có kết luận

Biện pháp chống lẩn tránh thuế chống bán phá giá từ vụ điều tra gốc đối với hàng Trung Quốc


Nguồn: Trung tâm WTO và Hội nhập - VCCI

Quảng cáo sản phẩm