Biên độ phá giá được tính như thế nào?
01/11/2024 01:16
Phù hợp với WTO, Canada quy định biên độ phá giá được tính riêng cho từng nhà xuất khẩu nước ngoài bị điều tra.
Biên độ phá giá được tính là tỷ lệ phần trăm của khoản chênh lệch giữa giá thông thường và giá xuất khẩu trên giá xuất khẩu của lô hàng là đối tượng điều tra nhập khẩu vào Canada trong giai đoạn điều tra.
Công thức tính biên độ phá giá Biên độ phá giá (%) = (Giá thông thường - Giá xuất khẩu)*100/Giá xuất khẩu |
Trong đó:
- “Giá thông thường” là (theo thứ tự ưu tiên lần lượt):
- Giá bán của sản phẩm tương tự tại thị trường nước xuất khẩu;
- Giá bán của sản phẩm tương tự sang thị trường nước thứ ba;
- Giá tổng hợp/Giá xây dựng (constructive price) từ chi phí sản xuất, chi phí quản lý-bán hàng và lợi nhuận
- “Giá xuất khẩu” là (theo thứ tự ưu tiên lần lượt):
- Giá trên hợp đồng giữa nhà xuất khẩu nước ngoài và nhà nhập khẩu độc lập Canada;
- Giá bán cho người mua độc lập đầu tiên ở Canada (nếu nhà xuất khẩu và nhà nhập khẩu có mối quan hệ phụ thuộc).
Cả “Giá thông thường” và “Giá xuất khẩu” phải được xác định theo các điều kiện, cách thức quy định, và cùng được điều chỉnh về mức giá tại cùng thời điểm (thường là giá xuất xưởng – ex work).
Riêng với “Giá thông thường”, trường hợp nước xuất khẩu nằm trong danh sách “quốc gia được miêu tả” (prescribed countries), trong đó có Việt Nam, CBSA sẽ không sử dụng các giá/chi phí thực tế tại nước xuất khẩu mà sử dụng các giá/chi phí của một/các nước có nền kinh tế thị trường để thay thế (gọi là phương pháp “giá thay thế”).
Việt Nam và vấn đề kinh tế thị trường trong các điều tra CBPG/CTC của Canada
Gia nhập WTO, dưới sức ép của nhiều phía, Việt Nam cam kết chấp nhận là nền kinh tế phi thị trường trong các điều tra CBPG/CTC ở các nước thành viên WTO đến 31/12/2018.
Tháng 2/2016, sau các nỗ lực vận động trong khuôn khổ đàm phán Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP), Canada đã công nhận Việt Nam là nền kinh tế thị trường trong các điều tra CBPG/CTC ở Canada.
Mặc dù vậy, hiện pháp luật Canada không còn quy định gì về nền kinh tế phi thị trường nữa mà sử dụng khái niệm “các quốc gia được miêu tả” (prescribed countries) với các cơ chế tương đương áp dụng cho nền kinh tế phi thị trường, và Canada vẫn xếp Việt Nam vào nhóm “các quốc gia miêu tả” này.
Do đó hàng xuất khẩu Việt Nam bị kiện CBPG/CTC ở Canada tiếp tục bị áp dụng biện pháp tính toán biên độ phá giá/trợ cấp sử dụng giá thay thế mà không phải là theo các chi phí thực của doanh nghiệp. |
Nguồn: Trung tâm WTO và Hội nhập - VCCI