Các biện pháp PVTM ở Canada được tiến hành ở cấp liên bang hay ở cấp bang? Bởi các cơ quan nào?
01/11/2024 01:12
Các biện pháp PVTM ở Canada được tiến hành ở cấp liên bang, do các cơ quan có thẩm quyền liên bang của Canada thực hiện (từ ban hành pháp luật, tổ chức điều tra tới áp dụng các biện pháp PVTM) và có hiệu lực thống nhất trên toàn lãnh thổ Canada. Không có biện pháp PVTM nào ở cấp bang của Canada.
Theo quy định hiện hành, có 02 cơ quan chính tham gia vào quá trình điều tra PVTM ở Canada, bao gồm Cơ quan Dịch vụ Biên giới Canada (Canada Border Services Agency – CBSA) và Hội đồng Thương mại Quốc tế Canada (Canadian International Trade Tribunal - CITT).
Ngoài ra, còn một số cơ quan khác cũng tham gia vào quá trình điều tra, áp dụng biện pháp tự vệ (Chính phủ, Bộ Tài chính, Bộ Ngoại giao Canada …).
Mỗi cơ quan có thẩm quyền khác nhau trong các loại vụ việc PVTM khác nhau. Cụ thể:
- Vụ việc điều tra, áp dụng biện pháp CBPG/CTC
- Cơ quan Dịch vụ Biên giới Canada (The Canada Border Services Agency – CBSA)
CBSA là cơ quan có thẩm quyền chính trong các vụ điều tra chống bán phá giá, chống trợ cấp ở Canada, bao gồm:
- Tiếp nhận Đơn yêu cầu áp dụng biện pháp CBPG/CTC của ngành sản xuất nội địa;
- Ban hành Quyết định khởi xướng điều tra;
- Tiến hành điều tra và ban hành các kết luận điều tra (sơ bộ, cuối cùng) về việc bán phá giá/được trợ cấp của hàng nhập khẩu (“điều tra về phá giá/trợ cấp”);
- Ban hành Quyết định áp thuế CBPG/CTC tạm thời;
- Tiến hành các điều tra khác liên quan ở khía cạnh phá giá/trợ cấp (ví dụ điều tra rà soát hành chính, rà soát cuối kỳ, rà soát nhà xuất khẩu mới, điều tra chống lẩn tránh…) và ban hành các kết luận tương ứng.
Tổng vụ Thương mại và Chống bán phá giá (The Trade and Anti-dumping Programs Directorate) thuộc CBSA là đơn vị chịu trách nhiệm trực tiếp trong việc triển khai các hoạt động điều tra CBPG/CTC thuộc thẩm quyền của CBSA.
- Hội đồng Thương mại Quốc tế Canada (The Canadian International Trade Tribunal - CITT)
Trong một vụ việc điều tra CBPG/CTC, CITT là cơ quan phụ trách điều tra về thiệt hại, với các thẩm quyền cụ thể:
- Tiến hành điều tra về (i) thiệt hại của ngành sản xuất nội địa và (ii) mối quan hệ nhân quả giữa thiệt hại của ngành sản xuất nội địa Canada với việc hàng nhập khẩu bán phá giá/được trợ cấp;
- Ban hành các kết luận điều tra (sơ bộ, cuối cùng) về thiệt hại và mối quan hệ nhân quả;
- Tiến hành các điều tra khác liên quan ở khía cạnh thiệt hại, nếu có (ví dụ điều tra rà soát hành chính, rà soát cuối kỳ, rà soát nhà xuất khẩu mới, điều tra chống lẩn tránh…) và ban hành các kết luận tương ứng;
- Ra các Quyết định/lệnh áp dụng biện pháp CBPG/CTC chính thức (trong vụ điều tra gốc) hoặc sửa đổi (trong các rà soát định kỳ, cuối kỳ…)
- Vụ việc điều tra, áp dụng biện pháp tự vệ
- Hội đồng Thương mại Quốc tế Canada (CITT)
CITT là cơ quan chịu trách nhiệm cho toàn bộ quá trình điều tra tự vệ, bao gồm:
- Tiếp nhận Đơn yêu cầu áp dụng biện pháp tự vệ của ngành sản xuất nội địa;
- Ban hành quyết định khởi xướng điều tra tự vệ;
- Tiến hành điều tra và ra kết luận (sơ bộ, cuối cùng) về tất cả các yếu tố trong vụ việc tự vệ, gồm (i) điều tra về tình hình nhập khẩu (lượng nhập khẩu tăng đột biến tuyệt đối/tương đối và không thể lường trước được), (ii) điều tra về thiệt hại và mối quan hệ nhân quả giữa thiệt hại/nguy cơ thiệt hại với việc tăng nhập khẩu;
- Ban hành Báo cáo về kết luận điều tra, và đề xuất việc áp dụng một/các biện pháp tự vệ, nếu có, để trình Chính phủ Canada quyết định.
- Tiến hành các điều tra khác liên quan, nếu có (rà soát giữa kỳ, rà soát gia hạn).
- Chính phủ Canada (Canada Government)
Trong vụ việc tự vệ, Chính phủ Canada (đứng đầu là Thủ tướng Canada) có thẩm quyền tiếp nhận, xem xét Báo cáo của CITT về vụ việc và ra quyết định về việc áp dụng một/các biện pháp tự vệ trong vụ việc.
Bên cạnh hai cơ quan nói trên, một số cơ quan khác (ví dụ Bộ Tài chính, Bộ Ngoại giao Canada…) cũng tham gia vào vụ việc tự vệ, tùy thuộc vào loại biện pháp tự vệ được quyết định áp dụng (nếu là thuế nhập khẩu thì Bộ Tài chính Canada sẽ tham gia, nếu là hạn ngạch nhập khẩu thì là Bộ Ngoại giao Canada).
Nguồn: Trung tâm WTO và Hội nhập - VCCI