Rà soát chống lẩn tránh là gì, được thực hiện như thế nào?

01/11/2024 02:15 - 153 lượt xem

Rà soát chống lẩn tránh (anti-circumvention investigation) do CBSA tiến hành trên cơ sở Đơn khiếu nại của các bên liên quan, nhằm xác định liệu có hiện tượng cố ý lẩn tránh thuế CBPG/CTC bởi các nhà xuất khẩu nước ngoài trong thời gian biện pháp thuế CBPG/CTC đang có hiệu lực hay không.

 

  • Về thời hạn: Rà soát chống lẩn tránh được thực hiện trong vòng 180-240 ngày  kể từ ngày CBSA ra quyết định khởi xướng rà soát chống lẩn tránh;

 

  • Về thủ tục: Rà soát chống lẩn tránh được CBSA tiến hành với các hoạt động điều tra gần tương tự điều tra sơ bộ trong vụ việc CBPG/CTC gốc;

 

Trong quá trình điều tra, nếu thấy cần thiết, CBSA có thể thực hiện điều tra về phạm vi biện pháp thuế CBPG/CTC (scope rulings). Nếu điều tra phạm vi cho thấy hàng hóa đang bị cáo buộc lẩn tránh thuế chính vốn thuộc phạm vi lệnh áp thuế thì việc điều tra chống lẩn tránh sẽ chấm dứt; 

 

 

  • Về kết quả: Kết thúc điều tra, CBSA sẽ ra kết luận xác định có hiện tượng lẩn tránh thuế CBPG/CTC không. Nếu kết luận khẳng định có hiện tượng lẩn tránh thuế ở một số hoặc toàn bộ các hàng hóa bị cáo buộc, CBSA sẽ thông báo CITT sửa đổi lệnh áp thuế CBPG/CTC để bao gồm cả các hàng hóa bị xác định là lẩn tránh vào phạm vi lệnh áp thuế.

 

Căn cứ xác định hiện tượng lẩn tránh thuế CBPG/CTC

 

Theo quy định, CBSA chỉ đưa ra kết luận khẳng định có hiện tượng lẩn tránh thuế CBPG/CTC nếu điều tra xác định có đủ các điều kiện sau đây:

 

  • Có sự thay đổi về phương thức thương mại (thay đổi trong lượng nhập khẩu hàng hóa là đối tượng chịu thuế CBPG/CTC, hàng hóa bị cáo buộc lẩn tránh, hàng hóa tương tự hoặc các linh kiện/bộ phận của hàng hóa tương tự từ nước xuất khẩu hoặc từ nước thứ ba…)  phát sinh sau khi có quyết định khởi xướng điều tra CBPG/CTC hoặc sau khi có lệnh áp đặt thuế CBPG/CTC;

 

  • Tồn tại một/các hành vi lẩn tránh được mô tả theo quy định và việc nhập khẩu hàng hóa thông qua các hành vi lẩn tránh này làm giảm hiệu quả của biện pháp thuế CBPG/CTC; và

 

  • Việc áp đặt thuế CBPG/CTC là nguyên nhân dẫn tới sự thay đổi phương thức thương mại nói trên.

 

Chú ý: Điều tra chống lẩn tránh thuế chỉ nhắm vào các hiện tượng cố ý nhằm tránh phải nộp thuế CBPG/CTC mà không liên quan tới các hành vi gian lận thương mại khác (cũng nằm trong thẩm quyền xử lý của CBSA nhưng thuộc một cơ chế khác).

 

Các hành vi lẩn tránh thuế CBPG/CTC

 

Trường hợp 1: Lắp ráp hoặc hoàn thiện sản phẩm thuộc diện bị áp thuế CBPG/CTC tại Canada từ các thành phần, bộ phận có nguồn gốc hoặc được nhập khẩu từ nước xuất khẩu đang bị áp dụng biện pháp CBPG/CTC trong điều kiện:

 

  • Các thành phần/bộ phận này chiếm phần lớn trong tổng chi phí sản xuất sản phẩm (không nhất thiết phải là toàn bộ các thành phần/bộ phận cấu thành sản phẩm); và

 

  • Quá trình lắp ráp, hoàn thiện sản phẩm là quy trình đơn giản.

 

Trường hợp 2: Lắp ráp hoặc hoàn thiện hàng hóa thuộc diện bị áp thuế CBPG/CTC tại một nước thứ ba từ các thành phần, bộ phận có nguồn gốc hoặc được nhập khẩu từ nước xuất khẩu đang bị áp dụng biện pháp CBPG/CTC với cùng các điều kiện tương tự Trường hợp 1.

 

Trường hợp 3: Thực hiện các thay đổi không đáng kể (về đặc tính vật lý, mô tả kỹ thuật, mã HS, mục đích sử dụng, cách thức đóng gói, kênh phân phối, quy trình sản xuất…) tại nước xuất khẩu hoặc nước thứ ba đối với hàng hóa thuộc diện bị áp thuế CBPG/CTC có nguồn gốc hoặc được nhập khẩu từ nước xuất khẩu đang bị áp dụng biện pháp CBPG/CTC nhằm tạo thành hàng hóa khác với hàng hóa thuộc diện bị áp thuế.

 

Nguồn: Trung tâm WTO và Hội nhập - VCCI 

Quảng cáo sản phẩm